Mỗi cán bộ đều được Nhà nước trao cho một số quyền lực để thực hiện chức trách của mình. Bất cứ ai lạm dụng quyền lực đó để tư lợi, để ưu ái cho người thân, để làm giàu cho người nhà thì người đó đang tham nhũng quyền lực. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, lúc còn đương chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Thanh đã tự ý ký nhiều văn bản trái pháp luật, vượt quyền nhằm giúp công ty của chồng mình hưởng lợi trong các dự án. Vi phạm của bà Thanh chính là biểu hiện của sự tham nhũng quyền lực.
Tham nhũng quyền lực có lẽ là dạng tham nhũng phổ biến nhất, ở nhiều tầng nấc nhất. Dễ nhìn dễ thấy là chuyện cảnh sát thổi phạt người tham gia giao thông nhưng không lập biên bản mà đút túi vài trăm nghìn đồng; chuyện cán bộ thuế, hải quan nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp phải “chung chi” nếu muốn công việc hanh thông. Phức tạp một chút là chuyện cha bổ nhiệm con, cha dàn xếp cho con đi học nước ngoài bằng tiền nhà nước hay những gì bà Phan Thị Mỹ Thanh đã làm cho công ty của chồng. Tinh vi hơn nữa là lợi dụng quyền lực được trao để ban hành những chính sách nhắm tới lợi ích riêng, bất kể thiệt hại cho xã hội; là sự đổi chác quyền lực theo kiểu “ông thò chân giò bà thò chai rượu”…
Tham nhũng quyền lực gây ra hệ lụy khôn lường. Không dừng lại ở những thiệt hại về kinh tế, tham nhũng quyền lực ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và năng lực của chính quyền. Dù rằng một quan chức không phải là chính quyền nhưng người dân nhìn và đánh giá chính quyền qua lời nói, hành vi của từng quan chức. Và nếu trong các cơ quan công quyền vẫn xuất hiện những cậu ấm cô chiêu vừa ra trường đã được đôn ngay lên ghế này ghế nọ thì mong gì thu hút được người tài! Không có người giỏi giang, các cơ quan công quyền sẽ thực thi chức trách được giao như thế nào? Với những hệ lụy nghiêm trọng như vậy, đấu tranh chống lại hội chứng tham nhũng quyền lực phải được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành.
Có một chi tiết nhỏ liên quan đó là theo Báo cáo điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp phải lót tay, chi hoa hồng cho chính quyền trong năm 2017 giảm đáng kể so với năm 2016. Kết quả này cho thấy quyết tâm “không có vùng cấm” trong kiểm soát tham nhũng mà Trung ương Đảng đã đưa ra từ Hội nghị Trung ương 5 hồi giữa năm 2017 đã có tác động mạnh tới đội ngũ cán bộ, công chức ở các tỉnh, thành phố. Bởi vậy, nỗ lực phòng, chống tham nhũng nói chung và tham nhũng quyền lực nói riêng không nên, không chỉ tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật như là một giải pháp hữu hiệu mà cần phải có những có bàn tay sắt và tinh thần chống tham nhũng tới cùng - như đã được thể hiện trong thời gian gần đây.