Chủ trương của Đảng và Nhà nước đều xác định lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi quyết định chất lượng giáo dục. Do đó, việc phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là trọng tâm xuyên suốt của ngành giáo dục. Với nhiều cơ chế, chính sách được ban hành, cùng với sự nỗ lực của ngành giáo dục, thời gian qua số lượng đội ngũ nhà giáo đang ngày càng phát triển và có những đóng góp tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển đội ngũ giáo viên cũng bộc lộ một số bất cập, đó là tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ ở một số tỉnh, thành phố. Đây là một trong những vấn đề “nóng” ở nhiều diễn đàn, trong đó có diễn đàn Quốc hội. Thực trạng này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ trong Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15. Đó là, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên môn Tin học và 5.780 giáo viên môn Ngoại ngữ; cấp trung học cơ sở thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, thừa cục bộ 375 giáo viên; thiếu 2.366 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, thừa cục bộ 4.627 giáo viên; thiếu 4.321 giáo viên môn Nghệ thuật, thừa cục bộ 885 giáo viên. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Theo phản ánh từ những giáo viên, thì các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như: lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo chưa tương xứng với vị thế, vai trò thực sự của nhà giáo. Đời sống kinh tế của nhà giáo còn khó khăn, chưa thể sống được bằng lương. Tiền lương của nhà giáo chưa thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho nhà giáo, nhất là nhà giáo trẻ và giáo viên mầm non. Điều này dẫn tới tình trạng nhà giáo không an tâm công tác, một bộ phận nhà giáo bỏ việc, chuyển việc nhất là nhà giáo trẻ.
Chính sách chưa thực sự đủ hấp dẫn để thu hút những người giỏi vào ngành sư phạm, đó cũng là lý do có những địa phương thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục. Đó không chỉ là tâm tư, là nỗi niềm của không ít thầy, cô giáo, mà còn là trăn trở của những người làm chính sách, khi chính sách chưa thật sự bảo đảm để giáo viên toàn tâm, toàn ý cống hiến với nghề.
Liên quan đến chế độ với nhà giáo, Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 đã nêu rõ: “Sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo phù hợp với chủ trương và lộ trình cải cách tiền lương của Đảng và Nhà nước”. Để tháo gỡ vướng mắc, Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật này đã và đang tiến hành khảo sát thực tế tại một số địa phương, trong đó có việc thực hiện chính sách pháp luật về nhà giáo. Sự chia sẻ chân tình từ giáo viên, từ cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý từ các cuộc khảo sát sẽ giúp cơ quan thẩm tra có nhiều thông tin quý trong quá trình thẩm tra dự án Luật. Mong rằng, Luật sau khi ban hành với những chính sách đủ hấp dẫn để nhà giáo yên tâm cống hiến với nghề, như nhấn mạnh của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa, nhà giáo là viên chức nhưng phải được xác định là “viên chức đặc biệt”, bởi nhà giáo là nghề đặc biệt; ứng xử với nhà giáo phải có sự tôn vinh; chính sách, môi trường làm việc phải đúng tầm.