Chưa phát huy hết tiềm năng
Kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã là một trong những thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác là xu thế tất yếu, luôn được Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương quan tâm và coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên trong quá trình xây dựng và phát triển.
Theo thống kê tại Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2024, tính đến thời điểm 31.12.2023, cả nước có tổng số 31.825 hợp tác xã, tăng 8,3% so với thời điểm 31.12.2022. Trong đó, tổng số thành viên trong các hợp tác xã là 5.853 nghìn thành viên, giảm 9% so với cùng thời điểm năm 2022. Năm 2023, cả nước có 3.00 hợp tác xã được thành lập mới, tăng 4% so với năm 2022.
Những năm qua, nhờ nhiều chính sách đổi mới, tiến bộ, hợp tác xã cũng đã có những đóng góp khá tích cực vào tăng trưởng kinh tế bền vững, kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, thực tế khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm. Các hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân trong hợp tác xã có xu hướng giảm.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, dư địa để phát triển kinh tế hợp tác xã là rất lớn. Số lượng các hợp tác xã thành lập mới tăng, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực; được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động; năng lực bộ máy quản lý từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, hiện nay các hợp tác xã của chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Nhiều hợp tác xã năng lực nội tại còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Phần lớn hợp tác xã đều có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh thấp và tính liên kết còn yếu.
Theo Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2024, tính đến thời điểm 31.12.2022 trên phạm vi cả nước có 5.832 hợp tác đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, giảm 3,8% so với thời điểm 31.12.2021. Trong đó, tỷ lệ hợp tác xã kinh doanh có lãi chiếm 49,0%; tỷ lệ hợp tác xã kinh doanh hòa vốn chiếm 17,5%; tỷ lệ hợp tác xã kinh doanh lỗ chiếm 33,5%.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, ngoài hạn chế về năng lực quản trị, công nghệ, một trong những khó khăn lớn khác của các hợp tác xã, đặc biệt là các hợp tác xã nông nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn và các quỹ tín dụng…
Nhiều chính sách gỡ khó cho hợp tác xã
Kinh tế tập thể, hợp tác xã có vị trí hết sức quan trọng về phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Ngày 20.6.2023, Quốc hội thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7.2024. Để quy định chi tiết một số điều Luật Hợp tác xã 2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2024/NĐ-CP ngày 12.9.2024, quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã (có hiệu lực từ ngày 1.11.2024). Đây được coi là căn cứ vững chắc để tạo đà cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển. Cụ thể, Nhà nước có chính sách hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã gồm:
Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% chi phí xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực; Ngân sách nhà nước chi trả 100% kinh phí đối với công chức, viên chức cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam, các hiệp hội, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, giảng viên khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng.
Chính sách hỗ trợ thông tin được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về hợp tác xã và Ngân sách nhà sẽ nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện.
Chính sách hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện nội dung này.
Chính sách hỗ trợ tối đa 100% kinh phí cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có nhu cầu học tập từ mô hình hiệu quả bao gồm: tổ chức hội nghị, hội thảo phổ biến kinh nghiệm; tham quan, khảo sát; tư vấn, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí.
Chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; kinh phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm của các tổ chức kinh tế tập thể.
Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro bằng việc hỗ trợ phần chi phí kiểm toán mà hợp tác xã đã thực hiện thuê tổ chức kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm trước liền kề trong trường hợp hợp tác xã quy mô siêu nhỏ và nhỏ được Nhà nước hỗ trợ với kinh phí hỗ trợ từ 3 tỷ đồng trở lên.
Chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bằng việc hỗ trợ vốn, giống, trang thiết bị ứng dụng khoa học và công nghệ khi tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chuyển đổi sang sản xuất bền vững, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu theo các đề án từ nguồn kinh phí nhà nước.