Thời sự Quốc hội

Chính sách miễn, hỗ trợ học phí thể hiện rõ tính nhân văn và sự ưu việt của chế độ

Phi Long 22/05/2025 15:52

Phát biểu thảo luận tại Tổ 1, ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) khẳng định việc, ban hành Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí thể hiện rõ tính nhân văn và ưu việt của chế độ ta. Đồng thời, cũng đề xuất một số kiến nghị nhằm bảo đảm hiệu quả của chính sách khi triển khai vào thực tiễn.

Bảo đảm thống nhất, công bằng trong tiếp cận giáo dục

Phát biểu tại thảo luận Tổ 1 (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhất trí cao với các nội dung được quy định tại các dự thảo.

Về dự thảo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, đại biểu đánh giá: Đây là một chính sách thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ, bảo đảm tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục; đồng thời khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.

p1.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1

Theo đại biểu, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết là một minh chứng sinh động cho việc tiếp thu, thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 13594-CV/VPTW ngày 01/3/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 14251-CV/VPTW ngày 11/4/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh, xã hội, giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình có con đang theo học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên toàn quốc.

"Nghị quyết không chỉ có ý nghĩa về giáo dục mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện chiến lược dân số quốc gia. Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với tỷ lệ sinh thấp ở nhiều đô thị lớn và bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc miễn, hỗ trợ học phí sẽ giúp các gia đình yên tâm sinh và nuôi con. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý, phát triển bền vững đất nước", ĐBQH Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan cho rằng, Dự thảo nghị quyết phù hợp các quy định của Hiến pháp năm 2013: chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học phù hợp với Luật Giáo dục. Trong đó, Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc, Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Bên cạnh đó, Dự thảo nghị quyết cũng đã tiếp thu ý kiến của các các cơ quan bộ ngành, địa phương, đoàn thể; tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa và Xã hội.

"Tôi cũng đánh giá cao bố cục dự thảo, với 5 điều rõ ràng, súc tích, phản ánh các nội dung cốt lõi, từ phạm vi, chính sách miễn/hỗ trợ học phí, cho đến cơ chế tài chính và tổ chức thực hiện", ĐBQH Nguyễn Thị Lan nêu rõ.

Đánh giá kỹ về khả năng cân đối nguồn lực thực hiện

8b2db09fb9420c1c5553.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Lan phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Nhất trí cao với các nội dung cơ bản được xây dựng, ĐBQH Nguyễn Thị Lan cũng tham gia thêm một số vấn đề nhằm bảo đảm tính khả thi của các cơ chế, chính sách sau khi được ban hành. Cụ thể, đại biểu đề nghị, bổ sung quy định hoặc giao Chính phủ xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, biên chế giáo viên, để bảo đảm đồng đều chất lượng đào tạo.

Đối với việc làm rõ và chi tiết hóa các loại hình cơ sở giáo dục, đại biểu bày tỏ băn khoăn với việc thực thi chính sách miễn học phí đối với loại hình cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, trường năng khiếu, trường thực hành - thực nghiệm, tư thục. Qua đó, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm vấn đề này.

Về nguồn kinh phí thực hiện (Điều 3), ĐBQH Nguyễn Thị Lan đồng thuận với việc bố trí từ ngân sách nhà nước song đề nghị, cần đánh giá kỹ khả năng cân đối ngân sách của các địa phương; đặc biệt là các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, Chính phủ cần tính toán cấp bù để tránh trường hợp chính sách tốt nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, dẫn đến chậm trễ hoặc không đồng đều trong triển khai.

Liên quan đến hiệu lực và thời điểm áp dụng (Điều 5), đại biểu cho rằng việc áp dụng từ năm học 2025 - 2026 là hợp lý; tuy nhiên, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết, phân cấp cụ thể cho các bộ ngành, địa phương, nhằm chuẩn bị đầy đủ điều kiện triển khai ngay từ đầu năm học. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung điều khoản về trách nhiệm công khai học phí, hỗ trợ, kiểm tra định kỳ cũng như xử lý sai phạm để hạn chế tiêu cực...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chính sách miễn, hỗ trợ học phí thể hiện rõ tính nhân văn và sự ưu việt của chế độ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO