“Chính sách không thiếu nhưng tính khả thi không cao"

- Thứ Sáu, 20/11/2020, 08:27 - Chia sẻ
Tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa thu 2020 với chủ đề “Định hướng chính sách nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, ngày 19.11, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho biết, có doanh nghiệp muốn đầu tư dự án giết mổ gia cầm nhưng 7 năm nay chưa hoàn thành thủ tục về đất đai. Chính sách về nông nghiệp không thiếu nhưng tính khả thi không cao và nhiều khi chỉ mang tính nhân văn, ông Sơn chỉ rõ.

Nông nghiệp đang chịu nhiều rủi ro lớn

Các chuyên gia cho rằng, Covid-19 đã tác động mạnh tới nền nông nghiệp, đặc biệt là làm đứt gãy chuỗi giá trị. Kết quả nghiên cứu tại hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn với 4 chuỗi giá trị (bò, gừng, chuối, lợn đen) của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp cho thấy rõ điều này.

TS Phạm Công Nghiệp, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, đại dịch Covid-19 làm thay đổi hoạt động chuỗi giá trị, nhất là chuỗi xuất khẩu do đóng cửa biên giới. Trước dịch bệnh, 85% bò ở Cao Bằng xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng khi đại dịch xảy ra, dù tiêu thụ trong nước được đẩy lên song cũng chỉ đạt 25 - 30%, còn lại người nông dân vẫn phải tiếp tục nuôi chờ hết dịch. Hay với chuỗi giá trị chuối tại Bắc Kạn, trước dịch có khoảng 80% sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc, song do Covid-19 nên 75% sản lượng buộc nông dân phải tự xử lý như chuyển sang nấu rượu (55%), dùng làm thức ăn chăn nuôi (10%), còn lại bỏ hỏng.

Covid-19 cũng làm tăng chi phí sản xuất, trong đó chi phí chăn nuôi bò tăng mạnh nhất, đặc biệt với bò vỗ béo (tăng 25%), tiếp đến là chi phí trồng gừng (tăng 10%), lợn đen (8,5%) và chuối (3%). Bên cạnh đó, Covid-19 cũng khiến sản lượng tiêu thụ của 4 chuỗi giá trị này giảm từ 30 - 77%; doanh thu của tác nhân thương mại giảm từ 30 - 82%.

Ở góc độ doanh nghiệp, Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm mạnh do đóng cửa biên giới không xuất khẩu được, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm. Đơn cử, Giám đốc Công ty GC Food Nguyễn Văn Thứ cho biết, luỹ kế 10 tháng năm nay, xuất khẩu nha đam của doanh nghiệp giảm 50% so với cùng kỳ, đạt 37% kế hoạch đặt ra; xuất bán nội địa chỉ đạt 75% kế hoạch. Đối với sản phẩm thạch dừa cũng chỉ đạt 69% kế hoạch xuất khẩu và 87% kế hoạch xuất bán nội địa. Tổng doanh thu trong 10 tháng đạt 71% kế hoạch đặt ra. Hiện, công ty đang gặp khó khăn trong dòng tiền phải thu hồi do đối tác khó khăn về thanh toán; chi phí nguyên vật liệu, sản xuất, vận tải tăng; khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là hỗ trợ của Chính phủ.

Trong tương lai, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh cho rằng ngành nông nghiệp “vẫn còn nhiều rủi ro rất lớn”. Đó không chỉ là tác động của Covid-19 làm đứt gãy chuỗi giá trị, mà còn bởi dịch bệnh liên quan biến đổi khí hậu như dịch tả lợn châu Phi, bệnh từ gia súc sang người, virus khảm lá sắn, sâu keo mùa thu… Ngoài ra còn có yếu tố khí hậu cực đoan như hạn hán, lạnh, lũ lụt, bão. “Hộ nông dân hiện chịu rủi ro lớn nhất song an ninh lương thực vẫn bảo đảm do nông dân sản xuất trực tiếp cao”, ông Đào Thế Anh nói.

Toàn cảnh diễn đàn  

Ảnh: Đan Thanh 

Phải có cơ chế giám sát thực hiện

Tuy vậy theo các chuyên gia, cơ hội vẫn rất lớn, nhất là với xuất khẩu nông lâm thủy sản. Cụ thể, nhu cầu nông sản thế giới vẫn tăng lên. Các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội sau Covid-19 để xuất khẩu trực tiếp, đa dạng thị trường. Tất nhiên đi kèm với đó là các thách thức về tiêu chuẩn đa dạng, kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm yêu cầu cao, khả năng cung ứng khối lượng lớn với chất lượng ổn định.

Để tận dụng các cơ hội, giảm rủi ro đối với nông nghiệp, theo ông Đào Thế Anh, cốt lõi phải phát triển bền vững. Theo đó, cần áp dụng hệ thống thực phẩm bền vững, gắn chặt sản xuất, cung ứng với tiêu dùng, dinh dưỡng, an toàn thực phẩm.

Cụ thể, muốn tăng cường tính bền vững của hệ thống thực phẩm cần đầu tư cho khoa học công nghệ. “Sản xuất nông nghiệp hiện có các chính sách thúc đẩy công nghệ cao song cần xem xét tính phù hợp, bởi còn tùy thuộc từng vùng sinh thái và điều kiện kinh tế xã hội của các tác nhân sản xuất. Do đó, về công nghệ, cần chuyển sang hướng tiếp cận là nông nghiệp sinh thái và kết hợp kinh tế tuần hoàn để tối ưu phụ phẩm nông nghiệp trong chuỗi giá trị, khai thác tối đa giá trị gia tăng của phụ phẩm. Điều này rất quan trọng nếu muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ’, ông Đào Thế Anh nói.

Với chuỗi giá trị, thực tế cho thấy vùng nào càng chuyên canh nhiều thì thiệt hại do biến đổi khí hậu càng nặng. Do đó, cần tính đến sự đa dạng tương đối và phải bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như dinh dưỡng. Mặt khác, phải thúc đẩy hơn nữa việc thu hút nông dân vào chuỗi giá trị, trong đó vai trò của hợp tác xã rất quan trọng. Sớm thể chế hóa quá trình tập trung ruộng đất vốn đang âm thầm diễn ra để có được những trang trại quy mô tối ưu trung bình, ông Đào Thế Anh đề xuất.

Đồng quan điểm cho rằng ngành nông nghiệp cần phải hướng tới phát triển bền vững, PGS.TS Vũ Trọng Khải, thành viên Liên minh Nông nghiệp bổ sung, trước hết cần có chương trình quốc gia buộc nền nông nghiệp phải theo tiêu chuẩn tối thiểu là VietGAP, đồng thời phải có chương trình quốc gia khôi phục rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, phải đào tạo được hệ thống chuyên gia nông nghiệp đầu ngành trong từng lĩnh vực của nông nghiệp, chuyên nghiệp hóa nông dân. Đặc biệt, phải xây dựng nông nghiệp theo vùng sinh thái chứ không phải theo đơn vị hành chính; sản xuất theo chuỗi mang tính bắt buộc. Phải đề ra chính sách quan trọng phát triển nông nghiệp cho 5 năm tới, nếu không nền nông nghiệp sẽ vẫn như bây giờ, ông Khải nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn đặt vấn đề: Hiện nay, “chính sách trong nông nghiệp không thiếu” như Nghị định 116/2018/NĐ-CP về tín dụng trong nông nghiệp; Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98/2018/NĐ-CP về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Tuy nhiên, “tính khả thi không cao”. Nguyên nhân bởi “phần lớn chính sách chỉ mang tính nhân văn”, nôm na có thể hiểu là chính sách ban hành chỉ mang tính khuyến khích, động viên, trong khi đáng ra phải đi kèm với nguồn lực thực hiện bao nhiêu, từ đâu, ông Sơn nêu rõ.

Dẫn kinh nghiệm thực tế từ doanh nghiệp muốn đầu tư vào dự án giết mổ nhưng 7 năm nay vẫn chưa giải quyết bài toán về đất đai, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, thực thi chính sách ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm túc. Nhận định này được nhiều đại biểu tham dự diễn đàn đồng tình. Chính vì thực thi không tốt, “vừa đá bóng vừa thổi còi” khiến nhiều doanh nghiệp muốn “làm thật” nhưng khó có cơ hội. Vì vậy, các đại biểu nhấn mạnh phải có cơ chế giám sát để thực thi chính sách hiệu quả.

Đan Thanh