Chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ thay đổi?

Thanh Chi 30/03/2016 08:35

Những tuyên bố mới đây của Donald Trump về chủ trương đối ngoại đã làm dấy lên quan ngại về việc nếu đắc cử Tổng thống Mỹ, ứng cử viên của đảng Cộng hòa này sẽ phá bỏ những nền tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, mà nhiều đời Tổng thống của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa gây dựng hơn nửa thập kỷ qua.

Quan điểm gây sốc

Trong bài trả lời phỏng vấn trên báo New York Times mới đây, ứng cử viên Tổng thống tiềm năng của đảng Cộng hòa Donald Trump lần đầu tiên đưa ra quan điểm về chính sách ngoại giao, với chủ trương “Nước Mỹ là trên hết”. Theo ông Trump, Mỹ đang trên đà suy yếu và cách tiếp cận của ông nhằm thiết lập lại vai trò trung tâm của Mỹ trên thế giới là thương lượng kinh tế. Nhà tỷ phú bất động sản tuyên bố, sẵn sàng đàm phán lại các điều ước quốc tế với các đồng minh của Mỹ, nhằm đạt được những thỏa thuận tốt hơn. Trong đàm phán, cách tiếp cận của ông với các quốc gia khác phụ thuộc vào mức độ thân thiện với Mỹ, thay vì trên cơ sở lợi ích quốc gia hay quan hệ đồng minh.


Ông Trump không ngần ngại tuyên bố, sẽ ngừng nhập khẩu dầu từ Ảrập Xêút nếu đồng minh quan trọng ở Trung Đông không tham gia nhiều hơn vào các cuộc chiến nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ. Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Trump khuyến khích hai nước này phát triển vũ khí hạt nhân nhằm tự vệ, thay vì dựa dẫm vào Mỹ; đồng thời tuyên bố sẽ rút lực lượng Mỹ tại hai quốc gia đồng minh ở Đông Bắc Á. Ứng cử viên Tổng thống Trump còn chỉ trích các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc hay NATO gây tốn kém cho Mỹ và không loại trừ khả năng sẽ lập ra tổ chức khác, trên cơ sở chống khủng bố.

Những ý tưởng của ông Donald Trump về chính sách đối ngoại cổ vũ cho một nước Mỹ ít can dự  hơn trên trường quốc tế, đi ngược lại lập trường của đảng Cộng hòa. Đối thủ của ông Trump, thượng nghị sĩ bang Texas thuộc đảng Cộng hòa Ted Cruz tuyên bố: “Chính sách đối ngoại vượt quá tầm hiểu biết của Donald Trump”. Theo New York Times, ngày càng nhiều nhân vật có ảnh hưởng thuộc đảng Cộng hòa tham gia phong trào “Bất cứ ai, nhưng không phải Trump’’. Những người này đã phát động chiến dịch 100 ngày nhằm ngăn cản Donald Trump trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, bắt đầu từ 5.4 tới, khi diễn ra các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại các bang Arizona, Colorado và Bắc Dakota.

Làn sóng chỉ trích

Tuyên bố của ứng cử viên Tổng thống Trump đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong báo giới và các chuyên gia đối ngoại Mỹ. Truyền thông đại chúng Mỹ mô tả chính sách đối ngoại của ông Trump là “thảm họa”, “những lời bập bẹ nguy hiểm”... Hai nhà bình luận chính trị của New York Times David Sanger và Maggie Haberman cho rằng, quan điểm của ông Trump phản ánh sự thiếu cân nhắc tới những hậu quả nhãn tiền. Nhà báo của tờ The Atlantic Jeffrey Goldberg tuyên bố, Trump không biết gì về trật tự thế giới sau Thế chiến II do Mỹ thiết lập. Nhà bình luận của kênh CNN Tara Setmayer khẳng định, phát ngôn của Trump cho thấy ông không đủ tiêu chuẩn để xử lý những vấn đề mà nước Mỹ đang thực sự đối mặt.

Trong khi Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Hàn Quốc không đưa ra bình luận gì về phát ngôn của ứng cử viên Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump, song báo chí hai nước này đã đăng nhiều ý kiến thể hiện sự lo ngại về tương lai quan hệ của Nhật Bản và Hàn Quốc với Mỹ. Nhật báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản dẫn một nguồn tin thân cận với Chính phủ cho rằng, việc ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ sẽ đặt ra thách thức lớn cho hệ thống an ninh quốc gia Mỹ - Nhật.

Đây không phải lần đầu tiên Donald Trump đưa ra những tuyên bố gây bão trong dư luận. Trước đó, quan điểm của ông về chính sách nhập cư cũng gây nhiều tranh cãi và khiến đảng Cộng hòa chia rẽ. Song, trong bối cảnh tỷ phú Trump ngày càng khẳng định vị thế là ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ, những tuyên bố về chính sách đối ngoại của ông khiến giới quan sát không khỏi quan ngại. 

Các nhà phân tích cho rằng, ông Trump có thể vượt qua sự chỉ trích về quan điểm đối ngoại của mình, bởi cử tri ủng hộ ông không mấy quan tâm đến việc ông nói gì, hay những quan điểm của ông có được đồng tình hay không. Trong các cuộc khảo sát theo nhóm đối với cử tri ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Donald Trump, nhiều cử tri cho biết, điều họ ít quan tâm, nhất là tư tưởng và chính sách của ông Trump. Hầu hết những người ủng hộ ông Trump vì ngưỡng mộ sự cứng rắn của ứng cử viên này. Kết quả thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa vừa qua cho thấy, 78% cử tri muốn tìm kiếm một ứng cử viên “nói thẳng, nói thật” đã bỏ phiếu cho Trump. Chỉ có 8% cử tri ủng hộ Trump muốn tìm một ứng cử viên chia sẻ các giá trị chung với họ. Tuy nhiên, nhiều cử tri cũng quan ngại về việc Donald Trump tỏ ra không nhất quán. Trước đó, ông Trump bị chỉ trích đã thay đổi lập trường về những vấn đề như phá thai, giảm thâm hụt ngân sách, thương mại… Một số cử tri ủng hộ ông Donald Trump cho rằng, ông cần giảm bớt những tuyên bố khiêu khích và cư xử đúng mực so với tiêu chuẩn của ứng cử viên tổng thống.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ thay đổi?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO