Chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ như thế nào?

- Thứ Tư, 20/01/2021, 06:50 - Chia sẻ
Hôm nay, 20.1, Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức tuyên thệ nhậm chức sau một loạt khó khăn bủa vây để bắt tay giải quyết nhiều thách thức mà xứ sở cờ hoa phải đối mặt, đặc biệt trong mối quan hệ với bên ngoài. Vì vậy, các nhà quan sát nhận định, chính quyền mới chắc chắn sẽ thay đổi hoàn toàn triết lý và phong cách của người tiền nhiệm Donald Trump về các vấn đề chính sách đối ngoại.

Theo Al Jazeera, Tổng thống Joe Biden sẽ mở ra sự thay đổi rõ rệt trong cách tiếp cận của Mỹ đối với ngoại giao và các vấn đề thế giới. Lâu nay, ông Biden luôn ủng hộ chủ nghĩa đa phương và đã cam kết sẽ khôi phục các liên minh chính trị, an ninh và thương mại then chốt khi nhậm chức, đồng thời củng cố sự tham gia của Washington với các tổ chức và hiệp ước quốc tế.

		Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Đó sẽ là sự thay đổi so với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump, người tránh xa chủ nghĩa đa phương từ những ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, đồng thời rút khỏi một loạt thỏa thuận đa phương, bao gồm Hiệp định khí hậu Paris, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương hay Thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo bà Hillary Mann Leverett, người từng phục vụ trong Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng, cách tiếp cận của ông Trump đối với chính sách đối ngoại “hơi giống với cựu Tổng thống Richard Nixon”. Bà cho biết, những đặc tính cơ bản được cả hai nhà lãnh đạo chia sẻ là “các quốc gia không phải là bạn của nhau. Các quốc gia có quyền lợi; họ không có bạn bè”. Thực tế, trong 4 năm cầm quyền, ông Donald Trump thể hiện mình như một nhà giao dịch chính, một nhà phát triển bất động sản quốc tế không ngại làm lung lay hiện trạng và các lợi ích khác của Mỹ.

Xây dựng lại các mối quan hệ

Vì vậy, Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với nhiều nhà lãnh đạo ở Tây Âu, đặc biệt là Thủ tướng Đức Angela Merkel, người mà ông có quan hệ thân thiết trong nhiệm kỳ Phó Tổng thống trước đây; những người có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ trong những năm ông Donald Trump làm Tổng thống. Tuy nhiên, mối quan hệ của Tổng thống Biden với Thủ tướng Anh Boris Johnson, người tán dương ông Donald Trump khi Vương quốc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu, vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn.

Tuy nhiên, ông Biden, từng là thành viên đảng Dân chủ có vai vế trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện giai đoạn 1997 - 2009, đã thể hiện là nhà lãnh đạo có khả năng xây dựng mối quan hệ cá nhân với những người đồng cấp. Rút ra kinh nghiệm chính trị gần 5 thập kỷ, Tổng thống Biden cho biết, ông không ngại nói thẳng khi cần. Cựu Tổng thống Barack Obama từng ca ngợi khả năng của ông Biden trong việc theo đuổi các mục tiêu riêng biệt mà không bị cuốn vào “các cuộc tranh luận ý thức hệ rộng mà tất cả thường dẫn đến việc tiếp cận quá mức hoặc thiếu chính xác trong sứ mệnh của chúng tôi”.

Thực tế, ông Biden đã nhanh chóng chuyển sang bổ sung cho chính quyền của mình các nhà ngoại giao nổi tiếng, bao gồm việc đề cử nhà đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran vào vị trí số hai tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề công dưới thời Tổng thống Obama, ông PJ Crowley đánh giá, trong khi ông Trump “rõ ràng cảm thấy có mối quan hệ với những người chuyên quyền”, thì ông Biden “xác định xây dựng mối quan hệ với các nhà dân chủ nhỏ, những người mà ông chia sẻ lợi ích và giá trị. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Tổng thống Mỹ Biden sẽ không làm việc với các nhà lãnh đạo có khuynh hướng chuyên quyền nếu nó phù hợp với mục tiêu lớn hơn, bà Leverett nói. 

Ông Crowley cho biết, ông Trump thực hiện cách tiếp cận “giao dịch” với nhiều nhà lãnh đạo, bao gồm cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người hoan nghênh quyết định của ông Trump về việc chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem và thừa nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan của Syria. Cách tiếp cận này đã góp phần vào cái mà nhiều người ủng hộ coi là thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất của ông Trump: Các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Bahrain, Sudan và Morocco.

Trong khi đó, ông cũng nhận định: “Tổng thống Joe Biden là chính trị gia chiến thuật và tôi nghĩ rằng ông ấy có thể làm việc với đám đông theo những cách mà cựu Tổng thống Barack Obama đã không làm”.

Chính sách dễ đoán hơn?

Đối với ông Biden, các nhà lãnh đạo có thể mong đợi sự quay trở lại chính sách đối ngoại dễ đoán hơn của Mỹ sau thời chính quyền của ông Donald Trump, người thường đưa ra các quyết định đơn phương gây bất ngờ và sử dụng mạng xã hội như một diễn đàn đầy thông tin. Ông Crowley cho rằng, cựu Tổng thống Donal Trump luôn “tự hào về những hành động không thể đoán trước” của mình. “Trong ngoại giao, có thể có hồi hộp, nhưng khả năng dự đoán được coi trọng. Nếu bạn nói rằng bạn sẽ làm điều gì đó và nếu làm theo, bạn sẽ thiết lập thành tích giúp bạn có thể được tin cậy”, ông nói.

Nhưng theo bà Leverett, khả năng dễ dự đoán như vậy cũng có mặt trái với sự nghiệp lâu dài của Tổng thống Biden, nghĩa là “theo nhiều cách, ông ấy đưa ra quyết định về cách nhìn các quốc gia, con người ở các quốc gia đó và các vấn đề”. Như thế “sẽ không có nhiều thứ làm lung lay ông ấy”. Và theo các nhà bình luận phương Tây, điều đó có thể khiến Tổng thống Biden rơi vào khuôn mẫu cũ với các nhà lãnh đạo như Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Mối quan hệ của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ sau những căng thẳng gia tăng giữa hai nước 4 năm qua. Ngoài ra, cách tiếp cận của ông Biden với Iran mà ông và các bên châu Âu hy vọng sẽ đưa trở lại thỏa thuận hạt nhân đa phương cũng sẽ được giám sát.

Tiếp cận thực dụng và hiệu quả hơn

Nhiều người cho rằng, cách tiếp cận ngoại giao tổng thể của Tổng thống Biden đã lạc hậu với thời đại “cạnh tranh giữa các cường quốc” hiện nay, trong đó các cường quốc mới nổi đang đẩy mạnh thiết lập mạng lưới ảnh hưởng của riêng họ.

Ông James Carafano, chuyên gia về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại tại Quỹ Di sản của Mỹ nói: “Chúng ta đang sống trong một thế giới hiện thực, nơi quyền lực thực sự rất quan trọng. Và các quốc gia đang mong muốn được an toàn, tự do và thịnh vượng trong thế giới đó, họ sẽ dựa trên phán đoán chính trị và đánh giá địa chính trị của mình theo các mối quan hệ quyền lực”. “Tôi nghĩ rằng chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Donald Trump dựa trên chủ nghĩa hiện thực - và tôi nghĩ mọi người nhầm lẫn điều đó với một thứ như chủ nghĩa tư lợi hoặc chủ nghĩa biệt lập tràn lan”. Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng, Tổng thống Biden có kinh nghiệm - và các phụ tá giỏi xung quanh ông - để thúc đẩy lợi ích của Mỹ một cách thực dụng và hiệu quả hơn.

Ông Joel Rubin, Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề lập pháp dưới thời Tổng thống Obama và là cố vấn chính sách tình nguyện cho chiến dịch của ông Biden nói, “tôi nghĩ rằng những gì bạn sẽ thấy ở ông Biden là xương sống về các vấn đề và ý tưởng” và “ngoại giao là công cụ mạnh mẽ trong kho vũ khí của Mỹ ở nước ngoài”.

Ngọc Minh