Chính sách dân số trong tình hình mới

- Chủ Nhật, 11/10/2020, 08:35 - Chia sẻ

Nghị quyết Trung ương 6, Khóa Xii (nghị quyết số 21-nQ/TW) ngày 25.10.2017 về công tác dân số trong tình hình mới xác định “tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Tại Hội thảo khu vực phía Bắc “đại biểu dân cử với các vấn đề dân số trong tình hình mới” do Ủy ban về các vấn đề Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số liên Hợp Quốc tại Việt nam vừa tổ chức, nhiều đại biểu đề nghị cần sớm ban hành luật Dân số để thể chế hóa các quan điểm đã được nêu tại nghị quyết 21, làm cơ sở để giải quyết các vấn đề dân số và nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới.

Đầu tư cho dân số là đầu tư cho phát triển

Nghị quyết 21 đưa ra 5 quan điểm lớn. Trong đó, khẳng định, dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nhiệm vụ chiến lược, cấp thiết, lâu dài; chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, chú trọng toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Chính sách dân số bảo đảm cân bằng, hài hòa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân giữa việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Nghị quyết cũng nêu rõ, đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển, Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong từng thời kỳ.

Toàn cảnh hội thảo.
Ảnh: Hồ Long

Theo đó, Nghị quyết đề ra mục tiêu chung nhằm giải quyết đồng bộ, toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Tại hội thảo của Ủy ban về các vấn đề Xã hội, đại diện Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết, để thể chế hóa các quan điểm của Trung ương tại Nghị quyết 21 và thực hiện được các mục tiêu mà nghị quyết này đã đề ra thì có 7 chính sách cần được nghiên cứu, đánh giá tác động để quy định trong dự án Luật Dân số. Cụ thể là các chính sách: duy trì mức sinh thay thế; khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số, dân số già; tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân và tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước khi sinh, sơ sinh; phân bố dân số hợp lý; lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển.

Với mỗi chính sách, hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã xác định cụ thể các mục tiêu và đề xuất giải pháp. Đơn cử với chính sách duy trì mức sinh thay thế, theo đại diện Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mục tiêu đặt ra là phải duy trì vững chắc mức sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con và quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện chính sách dân số. Các đề xuất chính sách để đạt mục tiêu này được đưa ra gồm: các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh.

Hay với chính sách khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, mục tiêu là khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên; đến năm 2030 đưa tỷ số giới tính khi sinh đạt mức dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Các đề xuất chính sách cụ thể để đạt mục tiêu này gồm: nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và phân biệt đối xử giới dưới mọi hình thức; thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi về lựa chọn giới tính thai nhi, bình đẳng giới, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh; đưa nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, dòng tộc, thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ tư tưởng trọng nam hơn nữ...

Phải có sự thay đổi quyết liệt

Dự án Luật Dân số đã từng được trình sang Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho ý kiến từ tháng 4.2018 nhưng do chưa bảo đảm về chất lượng soạn thảo và còn nhiều vấn đề dân số mới phát sinh cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nên dự luật này chưa trình Quốc hội. Vì thế, các đại biểu tại hội thảo đều ủng hộ việc sớm ban hành Luật Dân số. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến các chính sách dự kiến sẽ được thể hiện trong dự án Luật này.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), cần nghiên cứu các tỷ lệ sinh hiện nay tác động như thế nào đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Ông cho rằng, nên có cách nhìn nhận về tỷ lệ sinh ở các vùng, miền. Ví dụ với tỷ lệ 115,5 nam/100 nữ ở đồng bằng sông Hồng thì liệu việc mất cân đối khi sinh đã thực sự ảnh hưởng gì tới xã hội chưa khi mà cảnh báo 20 năm nữa có thể có một số nam sẽ không lấy được vợ nhưng thời điểm này vẫn ổn? Hay với tỷ lệ 106,9 nam/100 nữ tại đồng bằng sông Cửu Long thì tác động như thế nào khi mà theo thống kê của Bộ Công an cho thấy nữ ở khu vực này đi lấy chồng nước ngoài rất nhiều?

Bên cạnh đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện nay đa số các gia đình nghèo thì lại đông con trong khi các cặp vợ chồng có điều kiện kinh tế, sinh sống ở các địa bàn thuận lợi về kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật... thì tỷ lệ sinh con lại rất thấp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dân số và cần có sự điều chỉnh để các cặp vợ chồng, cá nhân ở những nơi có điều kiện phát triển hơn thì có thể sinh nhiều con hơn. Mặt khác, dù tình trạng già hóa dân số, giảm tỷ lệ sinh đã được đề cập nhiều trong thời gian vừa qua nhưng các quy định kỷ luật người sinh con thứ 3 vẫn tồn tại và được áp dụng. Theo các đại biểu, phải xem xét lại vấn đề này, có hướng dẫn cụ thể hơn và có thêm những khuyến nghị chính sách sinh con thứ 3 một cách rõ ràng hơn.

Nghị quyết 21 đề ra mục tiêu đến năm 2030 “Chỉ số Phát triển con người HDI nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á” và nhiều chỉ tiêu khác liên quan đến chất lượng dân số, như: “Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 nam/100 nữ sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung”. Việc thực hiện được những chỉ tiêu này sẽ đẩy mạnh chất lượng dân số cho lứa trẻ cũng như cho người cao tuổi. Tuy nhiên, để thực hiện được, theo các đại biểu, đòi hòi phải có sự thay đổi quyết liệt trong dự án Luật Dân số. Cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về kinh tế - xã hội và pháp luật để tìm ra giải pháp hiệu quả bảo đảm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới.

Hồ Long