Chính sách đặc thù cho các xã đặc biệt khó khăn ở Kon Tum

31/01/2008 00:00

Để giúp 14 xã đặc biệt khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh Kon Tum đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù. Tuy nhiên, hiệu quả của nguồn vốn đầu tư còn phụ thuộc vào vai trò chỉ đạo thực hiện và công tác giám sát của chính quyền địa phương.

      Mặc dù đã được đầu tư nhiều, nhưng cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vẫn yếu kém. Hệ thống giao thông đi lại rất khó khăn, đến nay mới chỉ có 3/14 xã có đường ô tô đi lại hai mùa nhưng chỉ đến trung tâm. Bên cạnh đó, trình độ lao động thấp, phần lớn diện tích đất sản xuất theo phương thức quản canh nên năng suất thấp, tỷ lệ đói nghèo chiếm tới gần 80%, cao gấp 3 lần tỷ lệ chung của tỉnh. Vì vậy, để giúp các xã này có điều kiện vươn lên sản xuất, sớm thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, Kon Tum đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với 14 xã đặc biệt khó khăn. Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên phân bổ nguồn vốn Chương trình 135 với mức 1,4 tỷ đồng/xã/năm. Đối với hợp phần dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, mức hỗ trợ 120 triệu đồng/xã/năm, tỉnh sẽ ưu tiên phân bổ cho 14 xã đặc biệt khó khăn với mức gấp đôi. Hằng năm, ngân sách tỉnh sẽ dành thêm 1 tỷ đồng để bù và hỗ trợ lãi suất 0,3%/tháng cho hộ nghèo là người dân tộc thiểu số vay vốn phát triển chăn nuôi, sản xuất các ngành nghề thích hợp để đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
      Ngoài ra, tỉnh cũng có cơ chế đặc thù thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ngoài việc hỗ trợ 1,2 triệu đồng/người để doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, ngân sách tỉnh còn hỗ trợ thêm 200.000 đồng/người cho người đi học nghề, tổng số vốn đầu tư khoảng 1,034 tỷ đồng. Ngân sách địa phương cũng sẽ dành khoảng 1,2 tỷ đồng/năm cho các hoạt động hỗ trợ khuyến nông- lâm, khuyến công, thúc đẩy phát triển ngành nghề truyền thống; Đồng thời du nhập nghề mới, đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất…, đặc biệt quan tâm đến tạo đầu ra cho sản phẩm. 
      Bên cạnh nguồn vốn đầu tư lớn, tỉnh sẽ tăng cường cán bộ và thu hút trí thức trẻ về công tác tại 14 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2010, 14 xã này cơ bản thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn; Đời sống của người dân được nâng lên một bước, không còn hộ đói giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 50%; Tất cả các xã có đường ô tô đi được hai mùa, các thôn có đường ô tô đi được 1 mùa, có trường bán trú dân nuôi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS… Theo đó, đối với cán bộ thuộc diện luân chuyển, tỉnh sẽ tăng cường mức hỗ trợ lên 1 triệu đồng/tháng và 500.000 đồng/tháng đối với trí thức trẻ có trình độ Đại học. Ngoài ra, cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở xã trong 5 năm sẽ được đề bạt đối với cán bộ luân chuyển, tăng cường, được xem xét nâng lương trước thời hạn và ưu tiên tuyển dụng vào biên chế đối với trí thức trẻ.
      Sử dụng đòn bẩy kinh tế, Kon Tum đang nỗ lực đánh thức tiềm năng vùng đất rộng lớn để khai thác, mở rộng sản xuất, phát triển chăn nuôi và kinh tế rừng, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, hiệu quả của nguồn vốn đầu tư cho 14 xã đặc biệt khó khăn còn phụ thuộc vào vai trò chỉ đạo thực hiện và công tác giám sát của chính quyền địa phương.

Nguyễn Minh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chính sách đặc thù cho các xã đặc biệt khó khăn ở Kon Tum
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO