Sáng kiến “châu Phi thịnh vượng”
Trong nhiệm kỳ sắp tới, quan hệ thương mại Mỹ - châu Phi hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển thông qua Sáng kiến “châu Phi thịnh vượng” mà ông Donald Trump đã đề xuất trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Sáng kiến này được thiết kế để hỗ trợ các công ty tư nhân của Mỹ trong nỗ lực đầu tư vào châu Phi, đã được hỗ trợ bởi Đạo luật Sử dụng tốt hơn các khoản đầu tư dẫn đến phát triển (BUILD). Đạo luật này cũng thành lập Tổng công ty Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) để thay thế cho Tổng công ty Đầu tư tư nhân ở nước ngoài (OPIC), giúp tăng giới hạn đầu tư lên gấp đôi, từ 29 triệu đô la lên 60 triệu đô la. Chính quyền Joe Biden đã duy trì chương trình chủ chốt này để tăng cường mối quan hệ kinh tế hai chiều giữa hai bên, qua đó tập trung vào kết cấu hạ tầng, năng lượng sạch và chăm sóc sức khỏe.
Trong nhiệm kỳ của chính quyền Donald Trump 2.0, “châu Phi thịnh vượng” dự kiến vẫn là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của ông đối với thương mại và đầu tư vào châu Phi.
Tương lai bất định của Đạo luật AGOA
Bên cạnh đó, giới quan sát đặt ra câu hỏi về các kịch bản có thể xảy ra đối với Đạo luật Tăng trưởng và Cơ hội châu Phi (AGOA) - một chương trình thương mại đặc trưng giữa Mỹ và châu Phi cận Sahara, do cựu Tổng thống Bill Clinton ký vào năm 2000, dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 9.2025.
Trong 24 năm qua, AGOA đóng vai trò là nền tảng trong chính sách kinh tế và thương mại của Mỹ ở châu Phi, khi cho phép miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ các nước phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi đến nền kinh tế hàng đầu thế giới. Chỉ tính riêng năm 2022, các quốc gia châu Phi hưởng lợi từ AGOA đã xuất khẩu 30 tỷ đô la hàng hóa sang Mỹ. Những nước hưởng lợi lớn nhất của chương trình vào năm 2022 là Nam Phi, Nigeria với kim ngạch xuất khẩu AGOA sang Mỹ lần lượt là 3,6 và 3,5 tỷ đô la.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden liên tục bày tỏ sự ủng hộ đối với việc gia hạn và cải thiện Đạo luật này vì ông cho rằng, đây là bước đệm cho mối quan hệ hướng tới tương lai giữa hai bên, cũng như là bước đệm hướng tới các hiệp định thương mại tự do lâu dài. Tuy nhiên, AGOA chỉ thu được 9,7 tỷ đô la trong tổng số 29,3 tỷ đô la nhập khẩu của Mỹ từ châu Phi vào năm 2023, trong khi nhập khẩu của Trung Quốc từ châu Phi đạt 109 tỷ đô la. Điều này làm dấy lên những nghi ngờ về tương lai của AGOA khi ông Trump trở lại.
Theo đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã ra hiệu một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với việc kinh doanh, bằng chứng là ông liên tục đe dọa áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Gần đây, ông tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico - hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ - cùng với các mối đe dọa áp thuế 100% đối với các nước BRICS - hiện bao gồm không chỉ Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi mà còn cả Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất.
Các chuyên gia nhận định, nếu xét đến chính sách đối ngoại của ông Donald Trump, tương lai của AGOA có thể bị đe dọa hoặc ít nhất là sẽ có cách tiếp cận hoàn toàn mới nếu được gia hạn vào năm tới. AGOA vốn là sáng kiến nhấn mạnh vào sự hợp tác lẫn nhau, hơi khác so với chính sách ngoại giao biệt lập và giao dịch rõ ràng mà ông Donald Trump truyền bá. Ngoài ra, những lời đề nghị của Mỹ đối với châu Phi trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, cho thấy sự ưu tiên cho các mối quan hệ song phương với các quốc gia cụ thể, trái ngược với lập trường đa phương của các thỏa thuận khu vực như AGOA.
Với việc AGOA sắp hết hạn vào năm 2025, các chuyên gia dự báo, ông Donald Trump có thể thúc đẩy việc gia hạn, nhưng sẽ đòi hỏi những điều chỉnh mang tính cấu trúc nghiêm túc. Việc chuyển trọng tâm của AGOA từ việc tập trung hẹp vào nguyên liệu thô sang các lĩnh vực tăng trưởng của châu Phi, như sản xuất giá trị gia tăng và năng lượng sạch, có thể củng cố mối quan hệ Mỹ - châu Phi.
Cạnh tranh giành nguồn tài nguyên chiến lược
Tầm quan trọng của lục địa châu Phi đã tăng lên đáng kể với sự tồn tại của các nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú. Khi thế giới đang vật lộn với những nguy cơ của biến đổi khí hậu, nhu cầu chuyển đổi năng lượng đã trở nên cấp thiết hơn nhiều không chỉ đối với môi trường mà còn để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Việc tiếp cận các mỏ khoáng sản quan trọng lớn của châu Phi có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế của Mỹ cũng như đối với các công nghệ trong tương lai.
Trong bối cảnh này, ông Donald Trump được kỳ vọng sẽ tăng cường bảo vệ chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của châu Phi; đối với Mỹ, việc "khóa chặt" các khoáng sản này không chỉ là chiến thắng về mặt kinh tế mà còn được xem là vấn đề an ninh quốc gia. Mặc dù ông Donald Trump có thể sẽ thúc đẩy sản xuất khoáng sản trong nước, nhưng thực tế nhiều nguồn tài nguyên quan trọng này vẫn có nguồn gốc từ châu Phi.
Với sự cạnh tranh toàn cầu đang gia tăng, các quốc gia châu Phi hiện nắm giữ đòn bẩy chiến lược đáng kể và đang nắm quyền kiểm soát. Do đó, các chuyên gia đang mong chờ xem chính quyền Donald Trump 2.0 có thể thay đổi chiến lược để giành được sự ủng hộ đối với các quốc gia châu Phi như thế nào? Và liệu có thể thiết lập quan hệ đối tác lâu dài hay không, là câu hỏi lớn cần theo dõi trong những năm tới.
Nguy cơ cắt giảm
Châu Phi vốn nhận được phần lớn viện trợ từ Mỹ, tuy nhiên, khi ông Donald Trump lên nắm quyền, có thể sẽ có sự sụt giảm về khối lượng viện trợ. Chính quyền trước của ông Donald Trump đã nhiều lần đề xuất cắt giảm viện trợ nước ngoài trên toàn cầu, bao gồm cả châu Phi, nhưng Quốc hội Mỹ đã bác bỏ các đề xuất của ông. Tuy nhiên, quyền kiểm soát của chính quyền ông Donald Trump trong nhiệm kỳ sắp tới trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khi bên cạnh việc giành được số phiếu phổ thông và đại cử tri đoàn, đảng Cộng hòa đã giành được đa số tại Thượng viện và giành quyền kiểm soát tại Hạ Viện.
Hội đồng Quan hệ Đối ngoại - một nhóm nghiên cứu tại Washington cho biết: “Nếu các khoản cắt giảm được thực hiện, các chính sách truyền thống của Mỹ liên quan đến y tế, thúc đẩy dân chủ và hỗ trợ an ninh ở châu Phi sẽ bị hủy bỏ. Ngoài ra, chương trình viện trợ “Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của tổng thống về AIDS (PEPFAR)” cũng có thể bị cắt giảm. Năm ngoái, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ chương trình này, do quan hệ đối tác của PEPFAR với các tổ chức cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản.
Nhập cư và biến đổi khí hậu
Một vấn đề khác khiến nhiều người ở châu Phi lo ngại là chính sách nhập cư nghiêm ngặt mà ông Donald Trump đề xuất. Chính sách này sẽ thắt chặt biên giới và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp. Điều này có thể khiến ngay cả những người nhập cư hợp pháp từ châu Phi vào Mỹ cũng gặp khó khăn. Hàng trăm nghìn người châu Phi tại Mỹ có thể phải đối mặt với việc trục xuất, ảnh hưởng đến lượng kiều hối từ Mỹ về châu Phi, đạt 13 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023. Mặc dù châu Phi là một trong những quốc gia đóng góp ít nhất vào dân số nhập cư trái phép, nhưng chính sách của Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa hai bên.
Bên cạnh đó, sự trở lại của ông Donald Trump đồng nghĩa với sự bất ổn cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, gây bất lợi cho các nước châu Phi và các nước đang phát triển khác. Việc ông tập trung vào việc mở rộng nhiên liệu hóa thạch có thể đảo ngược chính sách môi trường; đồng thời có thể hạn chế sự tham gia của Mỹ vào các sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, dẫn đến việc cắt giảm tài trợ cho các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu ở châu Phi và đầu tư vào năng lượng sạch. Với sự phụ thuộc lớn của châu lục này vào nông nghiệp, các lập trường chính sách như vậy có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu ở châu Phi.
Châu Phi nên làm gì?
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, song sự trở lại của ông Donald Trump cũng mang đến cơ hội để châu lục này tự phát triển; châu Phi có thể giảm sự phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ, thay vào đó có thể tìm cách khai thác nguồn nhân lực và tài nguyên để phát triển.
Khi các ưu tiên của Mỹ thay đổi theo chính sách của chính quyền Donald Trump 2.0, các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ phải đối mặt với các quyết định về cách điều hướng các quan hệ đối tác để bảo đảm đầu tư, duy trì sự ổn định chính trị và giải quyết các nhu cầu phát triển dài hạn của châu lục thông qua các chiến lược hướng nội; điều này có thể xem là một tín hiệu tốt cho châu lục về lâu dài.