Việt Nam với kỷ nguyên mới

Chính quyền địa phương 2 cấp và bài toán quản trị mới Bài 1: Vì sao phải hợp nhất, sáp nhập cấp tỉnh

Võ Linh - Hà Linh 14/07/2025 07:04

Lời Tòa soạn: Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là bài toán tổ chức lại bộ máy. Đó là bước cải cách thể chế sâu rộng, nhằm kiến tạo một nền hành chính thật sự tinh gọn, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn trong kỷ nguyên số. Song, kết quả của cuộc cách mạng này không chỉ dừng ở việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, mà là bộ máy mới đó vận hành như thế nào, đáp ứng những kỳ vọng gì của người dân.

Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài: “Chính quyền địa phương 2 cấp và bài toán quản trị mới”.

Sau ngày 1/7/2025, khi chính quyền địa phương sau sắp xếp chính thức hoạt động theo chủ trương của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội, 34 thực thể mới - rộng lớn hơn về không gian, đông đảo hơn về dân số, mạnh mẽ hơn về nguồn lực và khát vọng - trong hình hài mới sau hợp nhất, sáp nhập, đã cho thấy rõ hơn về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của tinh gọn bộ máy, quản trị hiện đại và một dân tộc đang bước vào chu kỳ vươn mình mạnh mẽ.

Sự cần thiết mở rộng không gian

Tại hội thảo khoa học do Bộ Nội vụ tổ chức cuối năm 2024, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nêu một con số có lẽ khiến không ít người giật mình: ở Việt Nam, cứ 9 - 10 người dân, thì có một người ăn lương ngân sách. Trong khi ở Trung Quốc, tỷ lệ này là 1/170; ở Hoa Kỳ là 1/400 và ở Nhật Bản là 1/700.

Dù chỉ mang tính tương đối, nhưng những con số trên đã phản ánh phần nào thực tế nhức nhối lâu nay: bộ máy hành chính cồng kềnh, tầng nấc chồng chéo, tiêu tốn ngân sách khổng lồ, nhưng hiệu quả quản trị chưa tương xứng. Vì thế, chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiến tới tinh giản sâu bộ máy không còn là câu chuyện “nên hay không nên làm” mà là “phải làm”. Đây không đơn thuần là một kế hoạch hành chính, mà là sự lựa chọn mang tầm chiến lược lâu dài cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

n1.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng kiểm tra hoạt động chính quyền 2 cấp tại tỉnh Quảng Trị và tình hình hoạt động chính quyền 2 cấp tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tại phường Đồng Hới, tỉnh Quảng Trị sáng 7/7/2025

Như nhận định của GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Giảng viên cao cấp - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thì đây là một “cuộc cách mạng thể chế đúng nghĩa”[1]. Ông phân tích, hiện nay chi phí cho bộ máy hành chính chiếm khoảng 70% ngân sách, chỉ còn lại 30% dành cho các lĩnh vực phát triển như hạ tầng, y tế, giáo dục… Một bộ máy như vậy không thể mạnh, càng không thể sáng suốt như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn. “Sáp nhập, sắp xếp, bỏ cấp trung gian ấy là để xây dựng một nền hành chính mà mỗi đồng tiền ngân sách đều phục vụ phát triển, không chỉ để trả lương”, GS.TSKH Phan Xuân Sơn nêu rõ.

Đằng sau quyết định hợp nhất, sáp nhập 52 tỉnh, thành thành 23 đơn vị hành chính mới (11 tỉnh, thành phố giữ nguyên) cho thấy, một tầm nhìn rộng lớn hơn về mô hình phát triển vùng. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch hạ tầng, đô thị, môi trường sau sáp nhập theo đó được hoạch định đồng bộ hơn, tránh chồng chéo và cạnh tranh nội vùng. Các đơn vị hành chính mới, như Thành phố Hồ Chí Minh mới (trên cơ sở hợp nhất Thành phố Hồ Chí Minh với hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương), thành phố Đà Nẵng mới (trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập với tỉnh Quảng Nam), tỉnh Gia Lai mới (trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai), tỉnh Quảng Ngãi mới (hợp nhất, sáp nhập 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi)… đều là những kết cấu lãnh thổ mới có đủ không gian, dân số, nguồn lực để bứt phá. Mỗi tỉnh mới là một vùng động lực thu nhỏ, một thực thể kinh tế - xã hội đủ tầm để tích hợp các cụm công nghiệp, chuỗi đô thị, mạng lưới giao thông và cả cơ hội đầu tư để bứt phá vươn lên một cách mạnh mẽ.

Để chính quyền địa phương vận hành và phát huy hiệu quả

Thay đổi địa giới hành chính là khâu đầu tiên, nhưng điều quan trọng hơn là thay đổi hệ thống quản trị. Nếu bản đồ hành chính mới chỉ dừng ở “tấm bản vẽ” mà không gắn liền với chuyển động của chính sách, của con người và công nghệ, thì có lẽ việc hợp nhất, sáp nhập các tỉnh thành và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ khó đạt được mục tiêu và kỳ vọng đề ra. Chính vì vậy, cùng với việc thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cùng 34 luật và nhiều nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý cho việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, thay thế cho mô hình chính quyền địa phương 3 cấp.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, cụ thể là chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã sẽ có tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những cán bộ, công chức chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc hợp nhất, sáp nhập. Tuy nhiên, thực tế vừa qua cũng cho thấy, chính “những người trong cuộc” lại là những “điểm sáng” về tinh thần trách nhiệm cũng như sự vượt qua những tâm lý, thói quen bình thường. Anh Nguyễn Quốc Hưng, cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Trị mới, chia sẻ: “Mình không thể chọn tránh việc, chỉ có thể chọn thái độ. Nếu xác định bản thân là người phục vụ, thì dù bộ máy thay đổi thế nào cũng phải làm tốt công việc được giao”.

Ở xã rẻo cao, biên giới Lìa, tỉnh Quảng Trị mới, Bí thư Đảng ủy xã Trần Đức Trung cho biết: “Ban đầu ai cũng lo, nhưng nhờ tuyên truyền kỹ lưỡng, giờ cán bộ trong xã đều đồng thuận và chủ động thực hiện nhiệm vụ mới”. Những tiếng nói ấy cho thấy rằng, muốn bộ máy mới vững, thì gốc phải là sự đồng thuận và ổn định tư tưởng trong từng cán bộ, từng xã, từng trung tâm hành chính. Chính quyền địa phương 2 cấp đã chính thức hoạt động trên cả nước, đánh dấu bước chuyển về chất trong tổ chức mô hình quản trị trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Tuy nhiên, đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh, việc hợp nhất, sáp nhập cấp tỉnh không chỉ là cơ học, không chỉ là việc đổi tên, chia lại địa giới hành chính và cắt giảm về số lượng, mà phải là sự đổi mới về tư duy quản trị, phân quyền mạnh mẽ, chuyển đổi số thực chất.

Để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi nêu trên, thì trước hết đội ngũ cán bộ cấp xã phải được nâng tầm hơn nữa và cấp tỉnh phải có năng lực điều phối cả một vùng, khu vực (chứ không chỉ là một địa phương sau hợp nhất, sáp nhập). Và cơ sở hạ tầng số phải được phủ đến tận thôn, bản. Dữ liệu phải được liên thông để thay cho quy trình giấy tờ hành chính thông thường. Những yêu cầu ấy không phải để “làm màu” cho một mô hình mới, mà là một trong những điều kiện tiên quyết để chính quyền địa phương 2 cấp có thể vận hành và phát huy hiệu quả thực sự.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, bài toán quản trị trong kỷ nguyên số không còn nằm ở số lượng cấp bậc, mà nằm ở tốc độ ra quyết định, sự linh hoạt của hệ thống và mức độ thỏa mãn của người dân. Muốn thế, không chỉ cần “cơ cấu gọn, luật pháp rõ, công nghệ mạnh”, mà còn cần văn hóa mới trong quản trị: văn hóa phục vụ, văn hóa minh bạch, văn hóa chia sẻ thông tin. Khi ấy, các đơn vị hành chính hình thành sau hợp nhất, sáp nhập không chỉ là chủ trương “trên giấy”, mà đã biến thành hiện thực, nơi mỗi xã là một “trạm dịch vụ công trực tiếp”, mỗi tỉnh là một “trung tâm điều phối phát triển vùng” và Nhà nước thực sự trở thành một thiết chế phục vụ.

Qua 13 ngày vận hành, những kết quả bước đầu từ việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đã chứng minh được tính đúng đắn của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.

Đây là động lực rất lớn để chính quyền địa phương 2 cấp tại các tỉnh, thành phố tiếp tục vận hành theo đúng chủ trương của Trung ương. Như chia sẻ của đại biểu Hà Sỹ Đồng, đó là mỗi chính quyền địa phương 2 cấp phải tự trả lời câu hỏi: “Chúng ta đang được tổ chức lại để làm gì? Vì ai? Và, phục vụ như thế nào?”.


[1] Bài viết “Bộ máy hành chính cấp tỉnh cồng kềnh, cản trở sự phát triển” đăng trên hanoionline.vn ngày 8/3/2025 của GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Giảng viên cao cấp - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chính quyền địa phương 2 cấp và bài toán quản trị mới Bài 1: Vì sao phải hợp nhất, sáp nhập cấp tỉnh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO