Chính quyền của nhân dân, do nhân dân tổ chức ra và chịu sự kiểm soát quyền lực của nhân dân
Về chính quyền địa phương, phương án Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa ra có khác với Hiến pháp 1992 hiện hành - như là một sự đổi mới, nhưng chưa thuyết phục, vì chưa thể hiện được đầy đủ bản chất nhân dân của Nhà nước đã được khẳng định tại Điều 2 của Dự thảo, lại chưa được thực tiễn thừa nhận, vì thế vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Vấn đề gây nhiều băn khoăn và chưa thể thống nhất đó là quy định lấp lửng tại Khoản 1, Điều 114 của Dự thảo: ... UBND có thể do HĐND cấp trên trực tiếp phê chuẩn theo giới thiệu của Chủ tịch UBND cùng cấp. Quy định như vậy có nghĩa là tồn tại một mô hình chính quyền có UBND, không có HĐND. Và đương nhiên, chính quyền đó không phải do nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đại biểu của mình để bầu ra. Loại mô hình tổ chức này đã được thí điểm tại 10 tỉnh, thành phố trong 4 năm vừa qua, nhưng đáng tiếc - kết quả thí điểm chưa thể giúp chúng ta khẳng định được điều gì.
Theo Báo cáo tổng kết số 443/BC-CP của Chính phủ về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường cho thấy: kết quả lấy ý kiến HĐND cấp tỉnh tại 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ có 10 tỉnh, thành phố đồng ý bỏ HĐND huyện, quận, phường; 15 tỉnh, thành phố có ý kiến khác hoặc không có ý kiến; trong lúc đó lại có 29/54 tỉnh, thành phố đề nghị giữ quy định như Hiến pháp hiện hành. Riêng tại 10 địa phương tổ chức thí điểm thì chỉ có HĐND của 2 địa phương là Đà Nẵng và Kiên Giang đồng ý với phương án như thí điểm. HĐND của 8 địa phương còn lại thì không đồng ý với phương án thí điểm đề ra.
Như vậy, ý tưởng về một mô hình chính quyền địa phương không tổ chức HĐND là thiếu thực tiễn mà nguyên nhân có lẽ là chưa thể hiện được thiết chế dân chủ và bản chất nhân dân của Nhà nước ta. Theo đó, chưa có sự thống nhất ở các địa phương. Và đương nhiên là chưa hội tụ được các yếu tố cần thiết để QH xem xét, quyết định. Liên quan đến những vấn đề này, chúng tôi thấy việc tiếp thu và giải trình của Ban soạn thảo là chưa thỏa đáng và không thuyết phục.
Trên cơ sở các quan điểm của Đảng về xây dựng chính quyền của nhân dân, mà gần đây là Kết luận của hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI), tôi đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa có thể các ý kiến để thiết kế lại một số điều, khoản của chương này.
Tôi xin đề xuất một phương án thiết kế lại như sau:
Tại khoản 1, Điều 110 về cách phân định các đơn vị hành chính đề nghị sửa lại:
Nước chia thành các đơn vị hành chính của địa phương là tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Các đơn vị hành chính ở địa phương được phân định phù hợp với đặc điểm của nông thôn, đô thị, hải đảo;
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
(Đây là một quy định mở để không nhất thiết địa phương nào cũng phải có 3 cấp hành chính - có thể hai cấp, thậm chí chỉ có một cấp hành chính).
Trên cơ sở đó, khoản 1, Điều 111 về tổ chức chính quyền tại các đơn vị hành chính đề nghị sửa lại: Chính quyền địa phương được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính của địa phương bao gồm HĐND do nhân dân trực tiếp bầu ra và UBND do HĐND cùng cấp bầu ra;
Theo đó, tại khoản 1, Điều 114 nói về tổ chức UBND, đề nghị sửa lại bằng cách bỏ cụm từ hoặc do HĐND cấp trên trực tiếp phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch UBND cùng cấp. (Vấn đề này có 26 ý kiến ở hầu hết các tổ thảo luận vừa qua cùng đề xuất).
Điều chỉnh lại như trên, chính quyền địa phương sẽ được hiến định theo hướng mở tương ứng với các đơn vị hành chính; lại phù hợp với đặc điểm của từng địa phương là nông thôn, đô thị, hải đảo, đặc khu kinh tế; ở đâu có đơn vị hành chính ở đó có chính quyền địa phương. Đồng thời bảo đảm thống nhất về một nguyên tắc rất cơ bản đó là: Chính quyền của nhân dân, do nhân dân tổ chức ra và chịu sự kiểm soát quyền lực của nhân dân.