Chính phủ thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ

- Thứ Tư, 14/08/2019, 07:57 - Chia sẻ
Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ vừa được Thủ tướng phê duyệt cho thấy sự phản ứng cần thiết và mang nhiều ý nghĩa của Chính phủ với xu thế đang phát triển mạnh và không thể cưỡng lại này.

Bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng

Ngày 12.8, Thủ tướng ban hành Quyết định 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ hướng đến 3 mục tiêu. Một là, bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Hai là, bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp cung cấp nền tảng. Ba là, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Quan điểm của Đề án là ủng hộ, thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ; đồng thời không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ bởi đây không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước cần bảo đảm cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển, trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ; thay đổi tư duy, cách thức quản lý cho phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế số và Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Cũng tại Quyết định 999, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối điều phối theo dõi và phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật, chính sách hiện hành cho phù hợp với yêu cầu quản lý các hoạt động của kinh tế chia sẻ; chủ trì phối hợp với các bộ chuyên ngành rà soát các điều kiện kinh doanh theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện để các loại hình kinh doanh truyền thống và kinh tế chia sẻ hoạt động bình đẳng... Bộ Tài chính được giao triển khai ứng dụng công nghệ mới của Cách mạng 4.0 trong lĩnh vực thuế; ban hành, hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và quản lý thuế phù hợp với hoạt động của kinh tế chia sẻ.

Đáng chú ý, Bộ Giao thông - Vận tải được giao nhiệm vụ rà soát, bãi bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải truyền thống, bổ sung một số điều kiện cần thiết đối với loại hình dịch vụ kinh tế chia sẻ. Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chính sách phát triển thương mại điện tử cho giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích các hoạt động thương mại điện tử ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ. Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu các nội dung liên quan đến dịch vụ công nghệ thông tin xuyên biên giới để đề xuất trong quá trình đàm phán các cam kết hội nhập, đồng thời bổ sung các văn bản liên quan đến công nghệ thông tin trong quá trình sửa đổi thời gian tới…

Điểm nhấn “sandbox”

Điểm nhấn của Đề án là việc thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới cho việc triển khai, ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ, hay còn gọi là sandbox - một cơ chế pháp lý cho phép các doanh nghiệp công nghệ thử nghiệm các ý tưởng kinh doanh liên quan đến công nghệ trong điều kiện quy định pháp lý hiện tại chưa kịp điều chỉnh các loại hình kinh doanh mới chưa có tiền lệ.

Đây không phải lần đầu tiên sandbox được nhắc đến trong hoạt động hoạch định chính sách ở nước ta. Đầu năm ngoái, sandbox đã được đề cập như một lựa chọn hữu ích để Ngân hàng Nhà nước ứng xử với các biến chuyển trên thị trường tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên cơ chế thử nghiệm pháp lý này vẫn chỉ dừng ở “lời nói”, trong khi với thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lân cận, sandbox đã không còn xa lạ. Vì thế, giới công nghệ kỳ vọng sau khi Đề án được triển khai thì sẽ sớm có những sandbox trong thực tế. Trong kỷ nguyên kinh tế số, tốc độ triển khai và thực hiện ý tưởng là yếu tố quan trọng hàng đầu với thành bại của doanh nghiệp. Nếu vấn đề thực tiễn như pháp lý cho taxi công nghệ, cho dịch vụ chia sẻ điểm lưu trú, dịch vụ video trên internet… cứ mãi ở dạng “chờ”, doanh nghiệp sẽ tiếp tục kinh doanh trong “vùng xám” với những rủi ro treo lơ lửng trên đầu và không thể kinh doanh với hết tiềm năng, thế mạnh của mình.

Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kinh tế chia sẻ là một phần tất yếu của nền kinh tế số. Hoạt động kinh tế chia sẻ vận hành theo phương thức kinh doanh mới, đang tái cấu trúc nhiều ngành kinh tế và cũng tạo ra những thách thức trong việc quản lý nhà nước. Hiện nay, sự phản ứng thông qua chính sách quản lý của các nước cũng khác nhau, nhưng nhìn chung đều thể hiện sự linh hoạt, hợp tác và điều tiết ở từng lĩnh vực cụ thể.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc NextTech Group cho rằng, khi đưa ra chính sách quản lý đối với nền kinh tế chia sẻ, Chính phủ cần nhìn vào trào lưu trên thế giới và thực tế rằng Chính phủ tại nhiều quốc gia đều đang chào đón mô hình này. Việt Nam cũng nên có các động thái tương tự khi đưa ra những quy định pháp lý cho hoạt động kinh tế chia sẻ.

Tại cuộc họp về xây dựng Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ cuối tháng 2.2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Trong kinh tế chia sẻ, còn nhiều lĩnh vực nhạy cảm, khó kiểm soát, nhưng quản lý nhà nước cần sớm đối diện với những khó khăn này; cách tiếp cận là tạo điều kiện ra đời, phát triển chứ không thể mặc kệ hoặc là không làm được thì cấm”.

Vy Hương