Pháp hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng đe dọa đến sự ổn định của Chính phủ và việc phê duyệt Ngân sách 2025 sau khi phe đối lập cực hữu do bà Marine Le Pen lãnh đạo tuyên bố ủng hộ kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ. Cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra sớm nhất vào cuối ngày 4.12 theo giờ Pháp (đầu giờ sáng ngày 5.12 theo giờ Việt Nam).
Bối cảnh chính trị bấp bênh này đã làm gia tăng mối lo ngại về triển vọng tài chính của Pháp, với khả năng thâm hụt công vượt quá mức thâm hụt 5% đã công bố trước đó cho năm 2025. Tình hình hỗn loạn đang diễn ra cho thấy rằng, ngay cả khi tránh được sự sụp đổ ngay lập tức của chính phủ, môi trường chính trị của Pháp có thể vẫn bất ổn, tác động đến tăng trưởng kinh tế và niềm tin của thị trường.
Dự thảo ngân sách “thắt lưng buộc bụng”
Quỹ đạo tài chính của Pháp đang phải đối mặt với sự bất ổn khi nợ công gia tăng và thâm hụt kỷ lục làm dấy lên lo ngại về sự ổn định kinh tế của đất nước. Tình hình trở nên trầm trọng hơn do Quốc hội bị đình trệ khiến Chính phủ gần như tê liệt, sau khi Tổng thống Emmanuel Macron giải tán Quốc hội hồi tháng 6 và các cuộc bầu cử lập pháp sớm. Những diễn biến này đã tạo ra một bối cảnh chính trị bị chia rẽ, với sự chia rẽ đảng phái cản trở các cải cách tài chính có ý nghĩa.
Trong bối cảnh này, Thủ tướng Pháp Michel Barnier phải chịu áp lực ngày càng tăng trong việc tạo ra sự cân bằng tinh tế giữa việc kích thích tăng trưởng kinh tế và bảo đảm trách nhiệm tài chính, đồng thời phải đối mặt với các cuộc tranh luận gay gắt về ngân sách có nguy cơ phá vỡ mọi sự đồng thuận. Khi Pháp chuẩn bị dự thảo Ngân sách năm 2025, nhu cầu về một kế hoạch toàn diện giải quyết cả các vấn đề kinh tế cấp bách, chẳng hạn như nợ công cao và lạm phát, nhưng cũng phải bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn, là điều quan trọng.
Theo đó, vào ngày 10.10, Chính phủ đã công bố dự thảo nhằm mục đích hạn chế thâm hụt công ở mức 5% tổng sản phẩm quốc nội vào năm tới, thay vì mức thâm hụt công dự kiến là 7% theo các quy tắc hiện hành, thông qua khoản tăng doanh thu 19 tỷ euro dưới hình thức một số loại thuế mới.
Chính phủ đã vạch ra các mục tiêu cụ thể, bao gồm cắt giảm chi tiêu công, bảo đảm các dịch vụ nhà nước thiết yếu vẫn nguyên vẹn và hiệu quả, đồng thời tăng cường sự công bằng trong hệ thống thuế bằng cách thực hiện các khoản đóng góp có mục tiêu và tạm thời từ những người có khả năng tài chính để hỗ trợ khôi phục tài chính công. Liên minh châu Âu (EU) cũng ủng hộ dự thảo ngân sách mang tính “thắt lưng buộc bụng” của Pháp cho năm 2025, do trước đó, khối này đã cảnh báo Pháp vi phạm mức thâm hụt ngân sách 3% mà các thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phải tuân thủ. EU cũng đưa nước này vào nhóm các quốc gia cần xem xét các thủ tục về thâm hụt quá mức, gồm: Bỉ, Hungary, Italy, Malta, Ba Lan, Romania và Slovakia.
Theo báo cáo đánh giá thường kỳ về kế hoạch ngân sách của các quốc gia thành viên, Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá việc cam kết giảm thâm hụt ngân sách từ 6,2% GDP trong năm 2024 xuống còn 5% vào năm 2025, trước khi quay lại mức 2,8% vào năm 2029, là lộ trình tài chính đáng tin cậy của Pháp. Nói một cách khác, EU đánh giá cao việc Thủ tướng Michel Barnier đã tìm cách đưa đất nước trở lại con đường kỷ luật tài chính.
Trong một thời gian dài, EC từng lo ngại, nếu không có hành động quyết liệt, nợ và thâm hụt ngân sách của Pháp sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, vi phạm các quy tắc của “ngôi nhà chung” và ảnh hưởng tới hình ảnh của nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone. Ngoài ra, “bóng đen” về cuộc khủng hoảng nợ cách đây 1 thập kỷ, bắt đầu xảy ra ở Hy Lạp, vẫn là nỗi ám ảnh với châu Âu. Bởi vậy, việc Pháp tìm cách lấp đầy lỗ hổng ngân sách sẽ khiến các thành viên khác yên tâm hơn.
Phản ứng gay gắt của phe đối lập
Mặc dù dự thảo này phản ảnh nỗ lực của Chính phủ trong việc cân bằng các lợi ích khác nhau, song dự thảo ngân sách mang tính “thắt lưng buộc bụng” này đã vấp phải sự phản đối của các đảng đối lập. Sự phản đối rộng rãi đến từ phe cánh tả và cực hữu đối với các kế hoạch ngân sách đã khiến Thủ tướng Michel Barnier và Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Trong một động thái nhằm “hạ nhiệt” căng thẳng, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Antoine Armand thông báo, Chính phủ sẵn sàng đưa ra nhượng bộ về dự thảo ngân sách để có thể được Quốc hội thông qua và phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay. Theo đó, Thủ tướng Michel Barnier tuyên bố hủy bỏ kế hoạch tăng thuế điện được đưa ra trong dự thảo ngân sách năm 2025. Tuy nhiên, đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu vẫn tiếp tục yêu cầu sửa đổi nhiều vấn đề liên quan tới lương hưu, cũng như thay đổi các khoản đóng góp mà các công ty phải trả cho hệ thống bảo hiểm xã hội.
Trước những yêu cầu này, Thủ tướng Pháp đã từ chối nhượng bộ thêm và tuyên bố sử dụng Điều 49-3 của Hiến pháp để thông qua ngân sách mà không cần sự đồng ý của Quốc hội. Điều 49-3 của Hiến pháp Pháp trao cho Chính phủ quyền thông qua dự thảo luật mà không cần sự đồng ý của Quốc hội. Tuy nhiên, động thái đó sẽ kích hoạt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, khiến Thủ tướng Pháp Michel Barnier đối diện nguy cơ bị bãi chức dù mới chỉ cầm quyền được một thời gian ngắn.
Việc Đảng Cực hữu RN cùng các đồng minh, với hơn 140 ghế tại Hạ Viện, quyết định bỏ phiếu bất tín nhiệm chắc chắn sẽ khiến Chính phủ sụp đổ, bởi Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NPF), với gần 200 ghế dân biểu, cho biết sẽ đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm. Nếu kiến nghị bất tín nhiệm được thông qua với đa số quá bán, tương đương 289 dân biểu, đây sẽ là Chính phủ Pháp đầu tiên buộc phải từ chức do bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Barnier đã thúc giục các nhà lập pháp không ủng hộ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đang ở thời điểm quyết định. Người Pháp sẽ không tha thứ cho chúng ta vì đã đặt lợi ích của cá nhân lên trên tương lai của đất nước”; đồng thời cảnh báo về nguy cơ “biến động chính trị nghiêm trọng” nếu ngân sách mà ông đề xuất không được thông qua và chính phủ sụp đổ.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Các chuyên gia cho biết, hiện nỗi lo về nguy cơ Chính phủ Pháp phải tạm đóng cửa theo kiểu Mỹ là không có, vì hiến pháp nước này cho phép chính phủ, kể cả lâm thời, thông qua luật khẩn cấp để kéo dài ngân sách của năm trước trong vài tháng, giúp duy trì trả lương cho người lao động ở khu vực công. Nếu chính phủ Pháp không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông Barnier sẽ phải từ chức nhưng Tổng thống Macron có thể yêu cầu ông Barnier và Chính phủ của ông tiếp tục giữ vai trò tạm quyền để tiếp tục điều hành các công việc hằng ngày của đất nước.
Ngay cả khi Thủ tướng Barnier và nội các của ông bị sụp đổ thì Tổng thống Pháp Macron vẫn tiếp tục tại nhiệm đến đầu năm 2027. Tuy nhiên, ông Macron cũng sẽ rơi vào thế khó khi phải tìm kiếm một vị Thủ tướng mới có thể dung hòa được lợi ích chung, nhất là trong bối cảnh quyền lực của ông bị suy yếu khá nhiều sau cuộc tổng tuyển cử. Một lựa chọn khác là ông Macron sẽ chỉ định một Chính phủ gồm các nhà kỹ trị với hy vọng điều đó có thể giúp vượt qua các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, vì Pháp không thể tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội cho đến tháng 7.2025. Ngoài ra, ông cũng có thể từ chức, kích hoạt một cuộc bầu cử Tổng thống mới, nhưng hiện tại viễn cảnh này được đánh giá khó xảy ra.
Viễn cảnh bi quan đối với EU
Những hệ lụy trên chính trường Pháp còn khiến tình hình EU trở nên căng thẳng, bởi không chỉ riêng Pháp, một “cường quốc” khác của EU là Đức cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz đứng trước nguy cơ giải thể, buộc nhà lãnh đạo Đức phải tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử bất thường vào đầu năm tới.
Những vấn đề trong nước của cả Đức và Pháp, vốn là hai quốc gia lớn và có tầm ảnh hưởng nhất của EU, sẽ đẩy tương lai của liên minh này vào viễn cảnh bi quan, nhất là khi EU vẫn phải đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng có khả năng ảnh hưởng đến vận mệnh của cả khối: xung đột quân sự Nga - Ukraine và nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hơn nữa, thị trường cũng trở nên bất ổn trước viễn cảnh chính phủ Pháp sụp đổ, với chỉ số của 40 công ty lớn nhất nước này (CAC40) giảm 0,2% trong hôm 2.12. Một số nhà quan sát và các đồng minh của Thủ tướng Barnier từng nhiều lần cảnh báo bất ổn chính trị ở Pháp có thể biến thành một cuộc khủng hoảng mới của khu vực đồng euro, tương tự những gì từng xảy ra với Hy Lạp năm 2009.