Chiến tranh và nhạc pop

04/02/2007 00:00

“Tôi là một người yêu đời, trước khi có cuộc chiến tranh này”. Đây là những lời đầu tiên trong album Return to Cookie Mountain, một trong những album thành công nhất năm 2006, được phát trên truyền hình. Bất kể câu hát đó có nghĩa gì nhưng nó cũng cho thấy xu thế của nhạc pop thế giới trong năm qua. Ẩn sau những giai điệu du dương, trữ tình, các nhà sáng tác đã và đang “tuyên chiến” với chiến tranh- nhân tố phá tan mọi sự mơ mộng, lãng mạn trên thế giới này.

      Sự kiện ngày 11.9.2001 ở Mỹ và cuộc chiến tại Iraq có lẽ là 2 chủ đề được các nhạc sỹ lựa chọn nhiều nhất. Giận dữ và lo sợ về chiến tranh là cảm xúc dễ nhận đối với người nghe qua các bài hát. Năm 2003, sự nghiệp của Dixie Chick bị chao đảo khi Natalie Maines ít nhiều phê phán Tổng thống (Mỹ) về thực chất của cuộc chiến Iraq. Cũng có nhiều bài hát đả kích sự mờ ám trong việc kinh doanh dầu lửa và vũ khí như The price of oil (Giá dầu) của Billy Bragg. Nhiều nhạc sỹ khác như Merle Haggard, Nellie McKay và nhóm rock Anti-flag cùng tham gia vào cuộc chiến này.
      Tiếp theo là các rappers - những người không biết sợ trước những “góc cạnh” của cuộc sống, sẵn sàng lồng ngụ ý của mình vào bài hát để nói lên sự thật. Họ cũng sớm chọn cho mình được một đề tài nóng hổi là Iraq. Trong số những ca sỹ này, Eminem và Ouskast đã công khai chỉ trích Tổng thống Mỹ và cuộc chiến tranh Iraq vô nghĩa.
      Có thể thấy, 2006 là năm mà các nhạc sỹ luôn sử dụng tác phẩm của mình làm công cụ để đả kích chiến tranh. “Năm mới đến, kẻ thù mới xuất hiện. Những người lính lại vào chiến trường”. Đó là những ca từ mà John Legend đã hát trong Coming home (Trở về nhà), bài hát cuối cùng trong album 2006 của anh. Bài hát nói về một lá thư viết gửi gia đình của một người lính, anh lo lắng liệu người bạn gái mình có được an lành hay không. “Chiến tranh dường như chẳng bao giờ kết thúc, nhưng chúng ta sẽ lại được đoàn tụ”. Những tiếng ngân nga của Legend dường như mang nhiều uớc nguyện hơn là sự quả quyết, tự tin.

04--chien-tranh-va-nhac-2-3.jpg

      Còn John Mayer mở màn album Continuum (2006) với bản ballad trữ tình Waiting on the world change (Chờ đợi thế giới đổi thay). Bài hát cho thấy sự bất lực, vô vọng của những người cùng thế hệ Mayer. Họ cần có được sự giúp đỡ để xóa bỏ chiến tranh. Nếu như chúng ta có được quyền năng để mang chiến tranh xa rời những người láng giếng của chúng ta/ Họ sẽ không còn phải có những lễ Giáng sinh dang dở, không còn những dải băng trên cửa. Và cách tốt nhất mà họ có thể làm là chờ cho đến khi “thế hệ chúng ta thiết lập một trật tự mới”.
      Nhưng có lẽ sự tức giận được thể hiện rõ nhất ở các album ghita như của Pearl Jam chẳng hạn. Với hình ảnh của một người lính tử trận trong World Wide Suicide, bản nhạc đã thẳng thắn mỉa mai, đả kích Tổng thống. Còn trong Army Reserve, bài hát có câu: Cô ấy tự nói với bản thân và mọi người rằng/ Cha cô đang đánh đổi cuộc sống vì tự do của chúng ta. Những bài hát mang tính phản đối mạnh mẽ trước đây giờ được thay thế bởi một âm điệu buồn và mệt mỏi.
      Trong Chicago Wind, Merle Haggard đã cất tiếng hát như van nài rằng: Chúng ta hãy thoát khỏi Iraq, đừng đi lên vết xe đổ đó nữa và hãy bắt đầu xây dựng lại đất nước. Cũng trong album này, cùng với Toby Keith, Haggard đã mang đến một bản song tấu vô cùng ấn tượng với thông điệp cần xem xét lại cuộc chiến tranh phi nghĩa này.
      Darryl Worley lại cho thấy một cái nhìn khác về chiến tranh. Trong bài hát nổi tiếng năm 2003 Have you forgotten, ca sỹ nhạc đồng quê này cho rằng, cuộc chiến ở Iraq chính là đòn trả đũa sự kiện tang thương 11.9. Năm 2006 vừa qua, I just came back from War của anh cũng đã lọt vào top 20 nhạc đồng quê nhưng với nội dung tập trung vào giá trị con người và những dư chấn tinh thần của những người lính.
      Ngay cả giọng ca ngọt ngào như Norah Jones cũng bắt đầu album mới của mình với Wish I could để nói về một người thân hy sinh trong chiến tranh. Với hàng loạt các album nhạc như Me and my gang của Rascal Flatts, single Crazy của Gnarls Barkley, The Black Parade của Chemical Romance hay Decemberunderground của A.F.I, chúng ta có thể thấy rõ hơn xu hướng mới của nhạc pop năm 2006. 
      Chiến tranh không phải là nhân tố bao trùm lên xu hướng nhạc pop nhưng rõ ràng chủ đề này giờ đã trở nên không thể thiếu. Âm nhạc và nghệ thuật không giống như báo chí, có thể gây tiếng vang với những bản tin, nhưng chúng có thể trở thành đối trọng và làm được những điều ngạc nhiên và kỳ thú.

Cao Đỗ Văn (Theo New York Times)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chiến tranh và nhạc pop
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO