Chiến tranh lạnh ở biển Đen
Sau cuộc xung đột tại Nam Ossetia, Mỹ đã liên tiếp điều tàu chiến tới neo đậu ở gần biển Đen. Dù dưới danh nghĩa là tàu viện trợ nhân đạo cho Gruzia, nhưng sự hiện diện của tàu Mỹ ở ngay sát hạm đội biển Đen của Nga đã khiến không ít người liên tưởng tới một cuộc chiến tranh lạnh đang âm thầm diễn ra ở khu vực nhạy cảm này.

Xung đột giữa Nga và Gruzia xung quanh vấn đề Nam Ossetia đã khiến khu vực biển Đen một lần nữa nổi lên là trung tâm chiến lược của cả Nga lẫn phương Tây. Cuộc chiến này khiến người ta nhớ đến một tình huống tương tự thời Chiến tranh Lạnh, khi đó xe tăng của Nga và Mỹ đối đầu nhau tại Berlin năm 1961, còn tàu chiến Nga nằm cách tàu chiến Mỹ chỉ khoảng 50km. Hiện nay, các tàu chiến Mỹ neo đậu tại vùng biển ngoài khơi Gruzia, dù dưới danh nghĩa cung cấp hàng viện trợ cho Gruzia, nhưng lại trang bị tên lửa, có khả năng vô hiệu hóa hệ thống thông tin và phòng không của Nga.
Biển Đen từ lâu đã trở thành một vùng nhạy cảm mang tầm quốc tế, nằm trong khu vực được gọi là “vùng biển Đông” bao gồm phía Đông Địa Trung Hải, biển Đỏ, Vịnh Persic và biển Caspi. Các khu vực này đều có nhiều vấn đề, các tàu bè muốn vào bên trong đều phải đi qua eo biển Bosphore, Ormuz hay kênh đào Suez. Các vùng biển này đều mang tầm chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Ước tính mỗi ngày có 30 tàu chở dầu đi qua Bosphore. Biển Đen có đường dẫn quan trọng để xuất khẩu dầu lửa và khí đốt của Nga, còn biển Caspi chiếm 3% trữ lượng dầu và 5% trữ lượng khí đốt thế giới. Tại vùng biển này, Nga và Italy dự định xây dựng một đường ống dẫn dầu từ Nga sang Tây Âu. Dự án này đang phải cạnh tranh với dự án của Tây Âu về đường dẫn dầu Nabuco chạy vòng quanh nước Nga. Phương Tây hy vọng dự án Nabuco sẽ khiến tập đoàn Gazprom mất “thế độc quyền” ở Trung Á.
Do biển Đen có vị trí địa chiến lược quan trọng, nên phương Tây luôn nhìn thấy lợi ích khi Nga có mâu thuẫn với các nước trong khu vực Kavkaz. Moscow hiện đang kiểm soát về mặt thương mại hai cảng lớn là Sukhomi và Poti. Cảng Poti, hiện do một công ty của Dubai điều hành, là một khu liên hợp vận chuyển containerr. Nếu các tàu khu trục Mỹ lưu lại cảng Batumi, phía Nam Gruzia, thì tàu chiến Nga có lý do để xuất hiện tại cảng Poti như một hình thức trả đũa của Kremli. Cựu đại sứ Liên Xô tại Ấn Độ M.K Bhadrakumar từng nhận định rằng, nếu tàu chiến Nga không có mặt ở biển Đen, Nga sẽ không còn là một cường quốc về hải quân ở Địa Trung Hải.
Nhưng nếu nhìn lên bản đồ, có thể thấy phương Tây đang tìm cách siết chặt gọng kìm, bao vây lực lượng Nga ở biển Đen. Sau vụ xung đột ở Nam Ossetia, Nga đang chịu sức ép từ Ukraine đòi xem xét lại thỏa thuận cho phép Nga sử dụng căn cứ tại Sebastopol của hạm đội biển Đen, có giá trị đến năm 2017. Tổng thống Ukraine Vicktor Iuchshenko đã thông báo ý định tăng giá thuê căn cứ, hiện là 98 triệu USD/năm. Trong khi đó, phía Nam là Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã trở thành thành viên NATO từ năm 1952 và là nước có bờ biển dài nhất chạy dọc biển Đen. Ở phía Tây Romania và Bulgaria, hai nước cũng nằm bên bờ biển Đen và đều đã gia nhập EU, NATO. Còn phía Đông là Gruzia, nước vừa xảy ra chiến sự với Moscow. Mỹ tiếp tục tìm cách tác động đến Nga thông qua đồng minh của mình là Gruzia, nước nằm trên tuyến vận chuyển dầu từ biển Caspi. Lấy lý do chuyển hàng viện trợ cho Gruzia, tàu chiến Mỹ tiếp tục lưu lại tại cảng Batumi. Các hạm đội Ba Lan, Đức và Tây Ban Nha cũng có mặt tại đây nhằm tăng cường sự hiện diện của NATO. Có vẻ như cuộc xung đột ở Gruzia vừa qua đã đẩy Nga và phương Tây vào một cuộc chiến tranh lạnh mà biển Đen là chiến trường.
Theo Le Temps