Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Bắc Ninh):

Chiến thắng cả hai mặt trận y tế và kinh tế

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 18:12 - Chia sẻ
Trong 6 tháng đầu năm 2021, bình quân mỗi ngày có 400 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường tăng tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. “Sức khỏe” của doanh nghiệp yếu đi đồng nghĩa với việc động lực cho tăng trưởng suy giảm. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chiến thắng cả hai mặt trận y tế và kinh tế?

Bên cạnh những hạn chế do dịch bệnh, tôi kiến nghị một số giải pháp tăng cường sức đề kháng, chuẩn bị đủ năng lực ứng phó với dịch bệnh kéo dài, từ đó tăng cường tiềm lực để kinh tế ngay trong khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế suy thoái.

Đó là cần rà soát, đánh giá, nâng cao hiệu quả của gói hỗ trợ thông qua việc lựa chọn đúng trọng tâm, đúng đối tượng, phân loại về quy mô, có điều kiện, tiêu chí, tránh lãng phí, trục lợi. Thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực trong triển khai các gói hỗ trợ nhưng kết quả còn khiêm tốn hoặc đối tượng khó tiếp cận đầy đủ bởi các tiêu chí vẫn rườm rà. Ví dụ như gói hỗ trợ tiền mặt đạt 37%, khoảng 13.000/35.880 tỷ đồng. Các gói hỗ trợ người sử dụng lao động để  trả lương thì chỉ giải ngân được 0,26%, đạt khoảng 41 tỷ/16.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm, hưu trí và tử tuất chỉ giải ngân được 12,1% (786 tỷ đồng/565 tỷ đồng). Trong phiên họp sáng nay Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có nói trong 3 gói hỗ trợ này đã hỗ trợ được 39 nghìn tỷ đồng, tôi đề nghị Bộ trưởng xem xét lại.

Cần tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang nỗ lực để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp có khả năng phục hồi cơ hội phát triển, tạo điều kiện về hiệu ứng lan tỏa, tránh đứt gãy trục cung ứng. Tạo điều kiện phát triển khu vực tư nhân đổi mới năng động, sáng tạo, tiếp tục tháo gỡ rào cản về thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư, cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tránh lãng phí nguồn lực của xã hội.

ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt để cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các chỉ thị như Chỉ thị 20… nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Môi trường đầu tư vẫn xếp hạng thấp trong khu vực, đứng thứ 7 trong khối ASEAN. Bởi vậy, cần nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt bỏ các phí, đa dạng hoá hình thức, sản phẩm cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, cung cấp thông tin thị trường ngành hàng, quy định rào cản của thị trường xuất khẩu, giới thiệu khách hàng và nhà cung cấp. Cần có chính sách phí hợp lý theo hướng nuôi dưỡng nguồn thu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng suất lao động bởi đây là yếu tố quyết định đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của từng doanh nghiệp. Năng suất lao động nước hiện khá thấp chỉ khoảng 8,4%, trong khi Singapore là 23,1%, Malaysia, là 41%. Tụt hậu so với Nhật Bản khoảng 60 năm, và so với Malaysia 40 năm, so với Thái Lan là 10 năm. Để thực hiện được cần xây dựng chiến lược tăng năng suất bài bản hơn, không chỉ thay đổi tư duy, nhận thức của từng doanh nghiệp, người dân mà còn tạo hệ sinh thái, tăng năng suất cho doanh nghiệp, tận dụng, khai thác lợi thế công nghệ. Tăng cường hội nhập, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo theo hướng tăng cường thực hành, đào tạo theo ngành hàng, xây dựng mô hình đại học doanh nghiệp, khuyến khích xây dựng mô hình doanh nghiệp lớn, tập đoàn chức năng gia tham gia đầu tư và phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Cần tăng cường cơ chế đủ mạnh cho doanh nghiệp nông nghiệp vì trải qua đại dịch, nông nghiệp càng chứng tỏ tầm quan trọng của mình, đặc biệt vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm, làm tốt vai trò trụ đỡ, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Hiện nay nghịch lý là vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản lại thấp chỉ chiếm khoảng 1,9% GDP và 5,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Do vậy, cần phải đẩy mạnh đầu tư và có những chính sách hỗ trợ tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành, cụ thể tập trung giải quyết 3 vấn đề là làm tốt công tác quy hoạch ngành nông nghiệp, vùng sản xuất nguyên liệu để xây dựng cơ cấu sản phẩm hợp lý. Có cơ chế giao cho địa phương diện tích quỹ đất sạch, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao theo chiến lược “xây tổ đón đại bàng” nhằm giải quyết bài toán về mặt bằng, đầu tư đang thực sự khó khăn hiện nay. Thứ hai, đầu tư chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu giúp định danh cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản. Thứ ba, xây dựng chính sách đặc thù đủ mạnh cho các doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt như hỗ trợ xây dựng kênh tiêu thụ, sản xuất nông sản, tránh đứt gãy chuỗi tiêu cung ứng…

Đức Hiệp