Chiến dịch Make in India của Ấn Độ
Sáng thứ 5 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phát động chiến dịch mang tên Make in India (sản xuất tại Ấn Độ) ở cấp quốc gia, cấp bang và cả các cơ quan đại diện Ấn Độ tại nước ngoài. Đây là một kế hoạch đầy tham vọng để đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 của thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc, trong tương lai gần.
Sáng kiến đầy tham vọng
Thủ tướng Modi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhờ vào lời hứa vực dậy nền kinh tế phát triển chậm chạp của Ấn Độ và ông đưa ra sáng kiến Make in India để thực hiện lời hứa đó. Theo sáng kiến, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ được khuyến khích thành lập công ty hoặc liên doanh sản xuất hàng hóa tại Ấn Độ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nó cũng nhằm phát hiện những công ty trong nước đi đầu trong phát minh và công nghệ mới và biến họ thành những đối thủ cạnh tranh toàn cầu.
![]() |
Nói chung, Ấn Độ đặt mục tiêu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp sản xuất để thúc đẩy xuất khẩu. Hiện nay, ngành sản xuất chỉ đóng góp 15% vào GDP của Ấn Độ nhưng các nhà lãnh đạo muốn nâng tỷ lệ này lên 25%. Có lẽ chính vì thế, logo của chiến dịch Make in India là bóng một chú sư tử in toàn hình bánh răng đang bước đi, biểu tượng của ngành sản xuất, sức mạnh và niềm tự hào dân tộc.
Tại sao Ấn Độ muốn thúc đẩy chiến dịch ?
Thực ra, sáng kiến Make in India được Thủ tướng Modi đề cập tới lần đầu tiên trong bài diễn văn mừng Lễ độc lập lần thứ 67 của Ấn Độ vào tháng trước. Nó không chỉ là lời hứa khi thắng cử mà còn là một việc phải thực hiện.
Ấn Độ rất cần tạo ra nhiều việc làm, ít nhất thêm 1 triệu việc làm mỗi tháng mới có thể đáp ứng tình trạng bùng nổ dân số. Ước tính, nước này sẽ phải tạo ra khoảng 90 triệu việc làm ở lĩnh vực sản xuất trong một thập kỷ tới. Trong giai đoạn 2005 - 2012, Ấn Độ chỉ tạo ra được 15 triệu việc làm, trong đó một phần tư là được tạo thêm trong 6 năm vừa qua. Vì thế, Thủ tướng Modi nhấn mạnh: đẩy mạnh sản xuất là để bảo đảm lợi ích cho giới trẻ của dân tộc chúng ta. Theo ông, không chỉ tạo thêm công ăn việc làm, đẩy mạnh sản xuất còn giúp tăng sức mua, từ đó lại tạo ra một thị trường tốt hơn cho các nhà sản xuất.
Một lĩnh vực sản xuất mạnh sẽ giúp kết nối Ấn Độ và chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh xuất khẩu, giảm thâm hụt tài khoản vãng lai... Từ đó sẽ giúp Ấn Độ duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững 8 - 10%, nhanh hơn mức tăng trưởng của Trung Quốc, nếu như các điều kiện tốt được bảo đảm. Hồi năm 1990, Ấn Độ từng là quốc gia thịnh vượng hơn Trung Quốc, nhưng họ đã ngày càng trở nên tụt hậu. Mãi cho tới năm ngoái, thu nhập bình quân của Ấn Độ mới vượt được 1.000 USD, trong khi Trung Quốc đã vượt qua mức này cách đây cả một thập kỷ.
Bên cạnh đó, một phần lý do Ấn Độ muốn đẩy nhanh ngành công nghiệp sản xuất là vì hiện nay rất nhiều công ty lớn trên toàn cầu đang tìm kiếm nơi thay thế Trung Quốc do chi phí và rủi ro ở đất nước gấu trúc đang tăng lên. Bản thân Ấn Độ cũng nhận thức rằng, cần phải thay đổi khi mà nhiều nhà đầu tư quốc tế phàn nàn về những quy định phức tạp cũng như tệ quan liêu, tham nhũng ở đây đã làm chậm các quyết định đầu tư của họ. Năm 2014, Ấn Độ đứng ở vị trí 134 /189 nước trong chỉ số nới lỏng hoạt động doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới, tụt 3 bậc so với năm ngoái. Tham vọng của Thủ tướng Modi sắp tới là làm sao đưa Ấn Độ vào danh sách 50 nước đứng đầu.
Những khó khăn không nhỏ
Có thể, kỳ vọng về chiến dịch Make in India là rất lớn nhưng để thực hiện được lại khá phức tạp. Ngay ông Modi cũng phải thừa nhận mình không phải là một nhà kinh tế lớn trong khi cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư rằng Ấn Độ không chỉ là một thị trường đang nổi mà còn là nơi sản xuất lớn. Ông cũng cảm thấy băn khoăn về kỹ năng, tay nghề của giới trẻ Ấn Độ để có thể tham gia vào những công việc cạnh tranh có tính toàn cầu. Trong khi đó, các nhà phân tích kinh tế đã chỉ ra một bất lợi nữa trong nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ là hiện chưa một tổ chức nước ngoài nào được nắm cổ phần chi phối trong các liên doanh ở nước này...
Bên cạnh đó, khi đánh giá ước muốn trở thành quốc gia xuất khẩu của Ấn Độ, nhiều nhà phân tích phương Tây cũng cho rằng, New Delhi cần phải chứng tỏ mình là một người chơi nhiệt tình. Hiện, Ấn Độ vẫn giữ quan điểm là một đối tác thương mại cô lập với rất ít triển vọng sớm tham gia vào bất cứ thỏa thuận thương mại tự do nào như với EU hay trở thành một phần của thỏa thuận Đối tác xuyện Thái Bình Dương (TPP). New Delhi cũng có thái độ hoài nghi thương mại tại WTO. Với người phương Tây, điều đó mâu thuẫn với khát vọng gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của nước này.
Tuy nhiên, với tuyên bố Chúng tôi có thể thay đổi định hướng và số phận của Ấn Độ của Thủ tướng Modi, chiến dịch Make in India hứa hẹn sẽ làm thay đổi một phần không nhỏ bộ mặt của quốc gia đông dân thứ hai thế giới.