Chiến dịch Hồ Chí Minh - giữ trọn lời thề
----------------
Ts. Bùi Ngọc Thanh Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
"Trong lúc này, thời gian là lực lượng..."
_____
Với sự chuẩn bị tỉ mỉ, kỹ càng, chu đáo cả tinh thần và lực lượng, chỉ trong thời gian ngắn 19 ngày, mở màn là cuộc tấn công giải phóng Buôn Ma Thuật 10.3, đến 19.3 giải phóng Huế và 29.3.1975 giải phóng Đà Nẵng.
Trước thời khắc giải phóng Đà Nẵng, trong bức điện của Bộ Chính trị lúc 18 giờ ngày 27.3.1975 gửi các đồng chí Năm Công và Hai Mạnh có đoạn: “… Trong lúc này, thời gian là lực lượng. Phải hành động hết sức táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay”(1). Đây cũng chính là phương châm hành động, tác chiến quan trọng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
“Tình hình biến chuyển mau lẹ. Cuộc cách mạng miền Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt.
Sau khi ta giành được những thắng lợi to lớn và dồn dập, địch bị thất bại hết sức nặng nề và bất ngờ, chế độ ngụy đang đứng trước nguy cơ đổ nhanh chóng cả về quân sự và chính trị.
... Lúc này cần hành động hết sức kịp thời, kiên quyết và táo bạo. Trên thực tế, có thể coi chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu từ đây”(2).
Đó là nội dung bức điện của Bộ Chính trị gửi các đồng chí lãnh đạo trực tiếp trên chiến trường Nam Bộ vào hồi 16h30 ngày 29.3.1975 (ngay sau khi Đà Nẵng vừa được giải phóng vài giờ). Đầu giờ chiều 1.4.1975, Bộ Chính trị tiếp tục điện cho hai đồng chí Năm Công và Hai Mạnh để bàn việc xúc tiến gấp Kế hoạch tổng tiến công nổi dậy ở Sài Gòn - Gia Định. Một trong những nhận định hết sức quan trọng của Bộ Chính trị lúc này là: Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu. Cách mạng đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm”. Từ đó, Bộ Chính trị quyết định: “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Phải tấn công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp. Tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc”(3).
Cùng với quyết định quyết tâm chiến lược, Bộ Chính trị đã vạch ra những nhiệm vụ, công việc rất cụ thể và chỉ đạo khẩn trương thực hiện:
Đó là, phát huy sức mạnh của ba đòn chiến lược (kết hợp tiến công và nổi dậy, từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra); trên từng hướng và trong từng trận, phải tập trung lực lượng áp đảo, tiêu diệt gọn, làm tan rã nhanh quân địch, tận dụng thời cơ và thuận lợi mới mà dồn dập tiến công, phát triển thắng lợi. Gấp rút tăng thêm lực lượng ở hướng Tây Sài Gòn, chia cắt và bao vây chiến lược, triệt hẳn đường số 4 và áp sát Sài Gòn. Đồng thời, nhanh chóng tập trung lực lượng ở hướng Đông và hướng Đông - Nam, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, bao vây, cô lập hoàn toàn Sài Gòn từ phía Long Khánh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổ chức sẵn sàng những đơn vị chủ lực được trang bị binh khí, kỹ thuật thật mạnh, để lúc thời cơ xuất hiện thì tức khắc đánh chiếm những mục tiêu quan trọng nhất ở trung tâm thành phố Sài Gòn. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cần thúc đẩy các lực lượng quân sự, chính trị của ta hành động mạnh bạo, khẩn trương phát triển tiến công và nổi dậy, tiêu diệt chi khu và thiết lập quản lý, phá banh từng mảng lớn hệ thống kìm kẹp của địch, nhanh chóng mở rộng vùng giải phóng ở các khu vực trọng điểm.
Để thực thi kịp thời phương hướng chiến lược nói trên thì phải vạch ngay kế hoạch hành động táo bạo với lực lượng sẵn có tại chiến trường miền Đông. Nhanh chóng chuyển Quân đoàn 3 cùng các binh khí, kỹ thuật từ Tây Nguyên xuống, đồng thời ra lệnh đưa Quân đoàn dự bị vào.
Vào lúc này, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Sài Gòn để tập trung thống nhất cao độ sự lãnh đạo và chỉ đạo đối với chiến trường trọng điểm này.
Với những nhiệm vụ cơ bản đó, Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện sát sao từng ngày, từng giờ diễn biến của cuộc chiến.
11 giờ ngày 9.4.1975, Bộ Chính trị chỉ đạo kế hoạch tiến công Sài Gòn như sau: Từ lúc này đến khi tiến công lớn bắt đầu, cánh phía Tây và Tây - Nam cần đẩy mạnh hoạt động chia cắt đường số 4, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó làm cho chúng thêm rối loạn, hoang mang, khó phán đoán kế hoạch chiến dịch của ta, đồng thời ra lệnh cho các đội biệt động thâm nhập nội thành. Các lực lượng khác cần có hoạt động thích hợp để tạo điều kiện phối hợp với cuộc tổng tiến công lớn. Cần bảo đảm một khi đã phát động tiến công thì phải công kích thật mạnh và liên tục, dồn dập cho đến toàn thắng; vừa tiến công ở ngoại vi, vừa nắm kịp thời cơ, thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn từ nhiều hướng với những lực lượng đã chuẩn bị sẵn. Thực hiện từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy. Đó là phương án cơ bản và chắc chắn nhất. Trong tình hình hiện nay, thần tốc, táo bạo, bất ngờ là ở chỗ đó.
“Làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng đối với đồng bào miền Nam ruột thịt”
_____
“Điện của Bộ Chính trị(4)
17h50 ngày 14.4.1975
Gửi: Anh Tám Thành, anh Bảy Cường, anh Tuấn,
Ngày 14.4.1975, Bộ Chính trị đã họp nghe Quân ủy Trung ương báo cáo về tình hình mặt trận Sài Gòn và các phương hướng, chủ trương mà các anh đã điện ra. Bộ Chính trị nhất trí với các phương hướng, chủ trương ấy. Mong các anh tranh thủ thời gian chuẩn bị thật tốt để giành thắng lợi to lớn. Bộ Chính trị đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Chúc các anh khỏe.
BA”
Hồi 15h30 ngày 22.4.1975, Bộ Chính trị điện tiếp cho các đồng chí lãnh đạo mặt trận Sài Gòn bức điện có nội dung nắm vững thời cơ, kịp thời phát động tổng tiến công kết hợp với nổi dậy của quần chúng Sài Gòn - Gia Định. Nội dung chính của bức điện như sau:
Tiếp theo những thất bại dồn dập, gần đây địch lại mất Phan Rang và buộc phải rút chạy khỏi Xuân Lộc. Chúng không những đã phát hiện lực lượng lớn của ta ở cánh ven biển hướng Đông, mà còn phát hiện lực lượng lớn của ta ở hướng lộ 4 và Tây - Nam Sài Gòn, phần nào phát hiện lực lượng lớn của ta ở hướng Bắc. Trước nguy cơ bị bao vây, tiêu diệt, chúng đã vội vã điều chỉnh bố trí lực lượng. Thế bố trí mới không thể hiện rõ ý đồ cố thủ Sài Gòn, mà để lộ ý định giữ cho được hành lang đường số 4 từ Sài Gòn đến Cần Thơ. Đêm qua dưới áp lực của Mỹ và bọn tướng tá, Nguyễn Văn Thiệu đã phải từ chức. Để làm chậm cuộc tiến công của ta vào Sài Gòn, Mỹ - ngụy đã lập chính phủ mới, đưa ra với ta đề nghị ngừng bắn, đi đến một giải pháp chính trị, hòng cứu vãn tình thế thất bại hoàn toàn của chúng.
Tất cả tình hình nói trên đang gây rối loạn lớn trong ngụy quân, ngụy quyền. Phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân có thể có bước phát triển mới. Thời cơ để mở cuộc tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị. Mệnh lệnh ngay cho các hướng hành động kịp thời, đồng thời chỉ thị cho Khu ủy Sài Gòn - Gia Định sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy kết hợp với các cuộc tiến công của quân đội. Sự hợp đồng giữa các hướng cũng như giữa tiến công và nổi dậy sẽ là thực hiện trong quá trình hành động.
Nắm vững thời cơ lớn, chúng ta nhất định giành toàn thắng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, sau khi đã hoàn thành công tác chuẩn bị, tập trung một lực lượng và phương tiện chiến đấu đủ lớn theo yêu cầu của chiến dịch trong thời gian ngắn nhất tại các vùng ven, kế cận Sài Gòn, chiều 26.4.1975, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch. Từ 5 hướng các Quân đoàn đồng loạt tiến công vào Sài Gòn. Từ 26 - 28.4 quân ta chọc thủng phòng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự phản kháng của các sư đoàn địch và tiếp cận, áp sát Sài Gòn. Địch bị rối loạn hoàn toàn về chiến lược. Từ chiều 28.4 các cánh quân ngụy không còn nhận được lệnh từ Tổng hành dinh và các viên tướng chỉ huy nữa...
Vào 10h ngày 29.4.1975, Bộ Chính trị điện gửi các đồng chí lãnh đạo mặt trận Sài Gòn với nội dung:
“Gửi: Anh Sáu, anh Bảy, anh Tuấn, anh Tư,
Đồng điện anh Tấn,
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đang họp thì được tin Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn. Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương chỉ thị:
1. Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng.
2. Công bố đặt thành phố Sài Gòn - Gia Định dưới quyền của Ủy ban quân quản do tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch.
3. Sẽ có điện tiếp, nhận được điện trả lời ngay.
BA”(5)
Ngày 29.4 quân ta liên tục tiến công. Các binh đoàn bộ đội hợp thành tiến công trong hành tiến, tiêu diệt các cánh quân địch ngăn chặn và phản kích; nhằm thẳng các mục tiêu đã được phân công.
Sáng 30.4, trong thế thua đã rõ ràng, địch xin ngừng bắn; với khí thế vũ bão quân ta vẫn kiên quyết tiến công. Các Quân đoàn nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu. Quân ta đã tiêu diệt Quân đoàn 3 và toàn bộ các lực lượng tăng cường của địch, diệt và làm tan rã Quân đoàn 4 cùng tất cả các lực lượng quân địch còn lại trên chiến trường. Đúng 11h30, xe tăng quân giải phóng đã hùng dũng tiến vào dinh Độc Lập, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cờ Giải phóng tung bay trên đỉnh dinh, Sài Gòn - Gia Định đã hoàn toàn được giải phóng.
Thắng lợi to lớn và trọn vẹn cho thấy, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị là cực kỳ chuẩn xác và tối ưu, “Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay”. Với nghệ thuật và kỹ năng chiến đấu của quân giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ từ chiều 26.4 đến trưa 30.4 đã hoàn tất. Đây là đòn quyết định tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quân, đập tan hoàn toàn bộ máy ngụy quyền.
Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân ta thực hiện trọn vẹn tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”; thực thi hoàn hảo, trọn vẹn lời thề “làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng đối với đồng bào miền Nam ruột thịt” - giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, bảo tồn toàn vẹn non sông, bờ cõi, lãnh thổ quốc gia muôn vàn yêu quý.
______
(*) Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập I (1971-1976), trang 690.
(1), (2), (3), (4) Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 36, các trang 89, 91, 95-96, 109.
(5) Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb Sự Thật, HN 1985, trang 394.