Chiếc donut lý tưởng

- Thứ Hai, 21/09/2020, 06:26 - Chia sẻ
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, những tiến bộ đạt được nhiều năm qua có thể bị mất đi do nhiều quốc gia không đầu tư thích ứng vào cơ sở hạ tầng, rút khỏi cam kết trước đây cũng như các hành động chống biến đổi khí hậu đang bị suy yếu. Đại dịch Covid-19 giống như hồi chuông cảnh báo về vòng luẩn quẩn tiềm ẩn suy thoái môi trường, mất đa dạng sinh học và bùng phát dịch bệnh… Trong bối cảnh ảm đạm đó, một trong những giải pháp được nhắc đến là mô hình kinh tế bánh rán (donut economy).

Đi tìm sự cân bằng

Khái niệm “kinh tế bánh rán” được đề cập trong cuốn sách bán chạy nhất  năm 2017 có tên gọi “Bảy cách để suy nghĩ như một nhà kinh tế thế kỷ XXI”, của Giáo sư kinh tế Kate Raworth, Đại học Oxford. Theo đó, mô hình kinh tế được minh họa như một chiếc bánh rán với sự cân bằng giữa những gì con người cần và giới hạn chịu đựng của hành tinh. Vòng trong của chiếc bánh thể hiện mức sống tối thiểu, căn cứ theo Mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đưa ra. Mức sống này bao gồm nhiều yếu tố căn bản mà bất cứ quốc gia nào cũng cần để phát triển mạnh mẽ như: Lương thực, nước sạch, năng lượng, nơi ăn chốn ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới…

Nguồn: ITN

Vòng ngoài của chiếc bánh chính là ranh giới sinh thái của hành tinh mà con người không nên xâm phạm như khí hậu, đất, đại dương, tầng ozone…, vì nó sẽ gây nên tình trạng mất đa dạng sinh học, ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Nếu bạn ở giữa hai vòng tròn này, đó là điều lý tưởng bởi đây là nơi mọi người có nền tảng xã hội tốt và tài nguyên của Trái đất không bị khai thác quá mức. Hiển nhiên, không ai muốn rơi vào vùng lỗ hổng giữa chiếc bánh, nơi thiếu vắng những gì thiết yếu nhất của cuộc sống.

Trên trang cá nhân của mình, giáo sư Kate Raworth cũng đề cập đến một nghiên cứu ứng dụng mô hình bánh rán có tên “Cuộc sống tốt đẹp cho tất cả”. Trong đó, các bánh rán sẽ chi tiết hóa việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của công dân, đồng thời bảo đảm không được phép tạo thêm bất cứ áp lực nào lên Trái đất. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, chưa có quốc gia nào đạt được tiêu chuẩn. Trong trường hợp như vậy, loài người sẽ phải trả giá rất lớn, gấp nhiều lần giới hạn cho phép của hành tinh.

…và khi áp dụng thực tế

Trong khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, để bảo đảm giữ an toàn cho người dân, giới chức Thủ đô Amsterdam (Hà Lan) và giáo sư Kate Raworth đã tiến hành dự án xây dựng lại thành phố thời hậu Covid-19 theo mô hình bánh rán nêu trên. Đầu tháng 4 năm nay, nó chính thức được chính quyền thành phố chấp nhận. Phó Thị trưởng thành phố Marieke Van Doorninck phát biểu: “Tôi tin tưởng điều này có thể giúp chúng tôi vượt qua ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng”. Các nhà lãnh đạo cũng cho biết, họ ưu tiên các mục tiêu về xã hội và sinh thái để người dân có cuộc sống tốt hơn, như cải thiện chất lượng nhà ở, hệ thống chăm sóc sức khỏe, khí hậu và đa dạng sinh học…

Nói một cách đơn giản, hệ thống kinh tế của Thủ đô Hà Lan sẽ không để bất cứ ai rơi vào cảnh đói nghèo, đồng thời được sống trong môi trường phát triển bền vững. Amsterdam đưa ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng về môi trường, bao gồm kế hoạch trung hòa khí carbon và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn (nghĩa là tất cả vật liệu sẽ được sử dụng theo quy trình khép kín thay vì kết thúc tại các bãi chôn lấp phế thải). Tuy nhiên, thành phố này nhận thấy phải xây dựng chiến lược tổng thể, bao gồm các mục tiêu xã hội. Chẳng hạn như nhà ở đang là một thách thức, khi gần 20% người thuê nhà không đủ khả năng thanh toán các hóa đơn cơ bản sau khi đã trả tiền thuê nhà. Hoặc việc nhà ở ảnh hưởng đến các vấn đề như ô nhiễm không khí và sức khỏe.

Theo cô Ilektra Kouloumpi, chiến lược gia cao cấp tại Circle Economy (tổ chức phi lợi nhuận hợp tác với giáo sư Kate để giúp chính quyền Amsterdam áp dụng mô hình kinh tế bánh rán), tất cả đều phải tính đến sự kết nối giữa các yếu tố với nhau. Những phân tích đã giúp cho Amsterdam tạo ra “chiếc bánh rán của thành phố”, một hình dung về những thách thức đang phải đối mặt cũng như giúp thành phố quyết định thay đổi nào là cần thiết và liệu kế hoạch đang áp dụng có phải quá tham vọng hay không? 

Nhóm dự án cũng bắt đầu làm việc với các thành phố khác như Portland, Oregon, Philadelphia để nhân rộng mô hình. Cô Kouloumpi cho biết: “Ý tưởng của chúng tôi là thí điểm chương trình này và làm việc thêm với 3 thành phố trên. Nếu tạo ra một chu trình hoàn chỉnh, sẽ có thêm nhiều thành phố khác có thể áp dụng mô hình kinh tế bánh rán”.                                        

Ngọc Minh