Không gian văn hóa sáng tạo

Chia sẻ và mở rộng kết nối

- Thứ Hai, 07/06/2021, 05:24 - Chia sẻ
Dù xuất hiện từ nhiều năm về trước và đã được ghi nhận bởi những nhà nghiên cứu độc lập, tuy nhiên, hoạt động của không gian văn hóa sáng tạo tại nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa thực sự được đẩy mạnh và thu hút sự chú ý như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Câu chuyện ở Hải Phòng là một dẫn chứng cho thấy mạng lưới này cần tăng cường liên kết, chia sẻ và mở rộng hơn nữa.
Hoạt động tưởng niệm nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh ở Ga sách Bụi, Hải Phòng

Những bước thăng trầm

Năm 2014, trên nền một khu tập thể dành cho công nhân thời bao cấp, đường Trần Phú, Ngô Quyền mở ra một không gian mới, tràn ngập cảm hứng đối với giới trẻ Hải Phòng. Sáng lập Area21 là nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Ngọc, bấy giờ đã cùng một người bạn là kiến trúc sư triển khai ý tưởng mở quán cà phê theo phong cách indie, kết hợp những mặt hàng kinh doanh đồ trang trí nội thất, rồi dần mở rộng không gian và biến nó thành khu tổ hợp sáng tạo. Nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật được tổ chức tại Area21, thu hút đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ như chiếu phim, triển lãm ảnh, chương trình âm nhạc…

“Hồi đó, không gian như thế rất mới ở Hải Phòng nên được khá nhiều người quan tâm nhưng hiện tại nó chỉ còn là quá khứ. Chúng tôi không thể tiếp tục nữa, bởi vì một lý do rất đơn giản là chủ nhà lấy lại nhà”, anh Nguyễn Xuân Ngọc tiếc nuối.  

Cũng gặp khó khăn về địa điểm khi phải 3 lần chuyển chỗ, nhưng Ga sách Bụi Hải Phòng may mắn hơn vì vẫn còn duy trì hoạt động được đến giờ. Câu chuyện của người sáng lập Ga - Nguyễn Hoàng Bích (Vi Lạc) xuất phát từ chính những trải nghiệm tại Area21: “Một phần thanh xuân tôi say mê Area21, sau rồi cũng vì không có cơ hội đi nhiều, không thể lên Hà Nội, thành thử luôn ở Hải Phòng và nhìn lên thủ đô, trầm trồ rằng trên đấy có nhiều sự kiện quá, có nhiều không gian mình muốn đến, muốn tham gia quá. Và Ga sách Bụi ra đời, từ một hiệu sách nhỏ nằm ở căn gác hai của quán cà phê. Sau những lần chuyển nhà, đến giờ Ga đã có một không gian rất rộng, nhưng vẫn là đi thuê, thành thử yếu tố ổn định về tương lai cũng là một dấu hỏi rất lớn”.

Xuất phát điểm dựa trên hiệu sách nên các hoạt động ở Ga sách Bụi chủ yếu về trao đổi văn hóa, văn học, hoạt động liên quan đến tri thức. Theo thời gian, cộng đồng của không gian này định hình chủ yếu xoay quanh người trẻ, là học sinh cấp III, sinh viên và một số văn nghệ sĩ ở Hải Phòng. Nguyễn Hoàng Bích chia sẻ: “Chúng tôi rất mong muốn có thêm sự kiện, hoạt động ở nhiều bộ môn, loại hình nghệ thuật... Đó là những hạt giống về văn hóa sáng tạo gieo vào các bạn trẻ Hải Phòng, để những trải nghiệm của các bạn ở không gian đó mở ra nhiều ý tưởng cho tương lai”.

Xây dựng cộng đồng lớn mạnh

Trong bối cảnh Ga sách Bụi vẫn là địa chỉ duy nhất tồn tại và đang hoạt động, dự kiến tháng 6 này, Hải Phòng sẽ có thêm không gian văn hóa sáng tạo mang tên Cửa Biển, được xây dựng bởi chị Vũ Thị Thanh Bình, cũng là người sáng lập không gian Tổ Chim Xanh, Hà Nội. Năm 2015, Bình cùng với một số người bạn thành lập quán cà phê sách và định hướng theo mô hình không gian văn hóa sáng tạo. Những năm qua, Tổ Chim Xanh là nơi vận hành của nhiều nhóm hội, cá nhân hoạt động hàng ngày, hàng tuần, với sự hỗ trợ miễn phí về trang thiết bị, địa điểm… Từ kinh nghiệm đó, cuối năm 2020, Bình quyết định trở về Hải Phòng, mang theo tâm huyết xây dựng không gian văn hóa sáng tạo phục vụ cộng đồng tại đây.

Chị Vũ Thị Thanh Bình chia sẻ, thời gian đầu khá bối rối vì không thể tìm được nơi nào để đi. Nơi duy nhất là Ga sách Bụi, song ở đó khá bận rộn với việc duy trì kinh tế qua những vận hành hàng ngày, do đó các hoạt động văn hóa không được thường xuyên và đều đặn như tần suất đã quen tham gia ở Hà Nội. Tuy nhiên, nhờ chạy thử một vài chương trình văn hóa nhỏ, như chuỗi sự kiện thơ Se sẽ chứ tháng 4 vừa qua phối hợp cùng Ơ kìa Hà Nội, chị nhận thấy Hải Phòng luôn có cộng đồng khán giả sẵn sàng tiếp nhận các hoạt động văn hóa này. “Khi đặt chú ý vào đời sống văn hóa và nghệ thuật của Hải Phòng, tôi nhận thấy ở đây thực sự tồn tại nhóm cộng đồng quan tâm đến văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo, có điều, trước đây họ chưa có nhiều không gian để kết nối, bày tỏ, chia sẻ với nhau mà thôi”.

Chính vì đi trước 1 - 2 thập kỷ, với cộng đồng đã được xây dựng qua nhiều năm, cho nên ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… sẽ chiếm ưu thế về sự lớn mạnh của không gian văn hóa sáng tạo. Theo chị Vũ Thị Thanh Bình, đó cũng là bài học cho các không gian đi sau như ở Hải Phòng. “Thực tế, câu chuyện của Area21 và Ga sách Bụi cũng là vấn đề chung của nhiều không gian văn hóa sáng tạo, mô hình hoạt động độc lập về văn hóa ở tỉnh, thành, khi phải chật vật tìm cách tồn tại, chấp nhận nhiều khi tâm huyết đổ ra bị cuốn đi bởi một lý do vô cùng đơn giản. Có điều, chính từ những viên gạch nhỏ như vậy mà kết nối, mở rộng nền móng cho các không gian văn hóa nghệ thuật sáng tạo phát triển lâu dài”.

Theo Giám đốc nghệ thuật Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn, nếu biết cách chia sẻ và kết nối mạng lưới, hiệu quả hoạt động của không gian văn hóa sáng tạo ở địa phương sẽ không hề thua kém tại các thành phố lớn. “Như Hà Nội, nghệ sĩ, cộng đồng nghệ thuật làm việc trong không gian văn hóa sáng tạo rất nhiều và khá ổn định, còn Hải Phòng gần như mới bắt đầu và từ những cái rất cơ bản. Tuy nhiên, Hải Phòng cũng có lợi thế khi là một thành phố nhỏ, với cộng đồng nhỏ, dễ dàng trao đổi với nhau hơn. Trong môi trường như vậy, một đêm nhạc, một triển lãm, một buổi trò chuyện với nghệ sĩ... sẽ tạo được tiếng vang tốt hơn rất nhiều”.

Hải Đường