Chia sẻ, nhân rộng cách làm hay

- Chủ Nhật, 09/01/2022, 12:57 - Chia sẻ
Trong bối cảnh diễn biến đại dịch Covid -19 kéo dài, ảnh hưởng lớn đến đời sống KT –XH, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cách làm hay, giải pháp tốt nhằm cải thiện chỉ số tuân thủ pháp luật (B1).

Giảm chi phí tuân thủ

Dịch Covid -19 bùng phát lần thứ 4 ở nhiều địa phương với sự xuất hiện của biến thể Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn nhiều so với chủng gốc trước đây, lại xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn... buộc Việt Nam phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt hơn để thực hiện mục tiêu ưu tiên trước hết, trên hết là sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Tuy nhiên, cũng từ đó cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân. Chính vì thế, việc cắt giảm các chi phí tuân thủ pháp luật ở các khía cạnh cắt giảm thủ tục, thời gian thực hiện, tăng cường giải quyết khuyến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân… đã được các bộ, ngành, địa phương chú trọng.

Đơn cử, thực hiện quy định về mức giảm 20% phí tại Thông tư số 112/2020/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, từ ngày 1.1- 15.6.2021, ước tính tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp đã giảm được khoảng gần 5 tỷ đồng cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu cung cấp dịch vụ công. Như vậy, ước tính giảm phí cho khoảng 600.000 phiếu yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo của hơn 18.000 cá nhân, tổ chức.

Hay, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND ngày 9.4.2021 của HĐND tỉnh Lào Cai về việc giảm mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; mức thu đóng góp từ khai thác khoáng sản để đầu tư hạ tầng giao thông và khắc phục môi trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai do ảnh hưởng của dịch Covid – 19.

Giảm nhiều chi phí cho doanh nghiệp và người dân. (Ảnh nguồn: ITN)
 

Còn, tại Tây Ninh đã triển khai nhiều kênh giao tiếp giữa chính quyền và nhân dân như Cổng Hành chính công tỉnh Tây Ninh trên ứng dụng Zalo, kênh "Hỏi đáp trực tuyến", phản ánh, kiến nghị qua số điện thoại đường dây nóng, Tổng đài 1022, đặc biệt là qua Trung tâm Giám sát Điều hành kinh tế xã hội tập trung của tỉnh…  

Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn đã rà soát, đánh giá 99/99 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý, giải quyết của đơn vị, trong đó rút ngắn thời hạn giải quyết từ 30 ngày xuống còn 15 ngày đối với thủ tục “Thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức”;  rút ngắn thời hạn giải quyết từ 5 ngày xuống 4 ngày đối với thủ tục “xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khi hết sử dụng đất với trường hợp có nhu cầu”…

Tập trung vào những lĩnh vực còn… phiền hà

Đại diện Bộ Tư pháp cho hay, trong năm 2021, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện rà soát, đánh giá các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh có nội dung chưa rõ ràng, khó hiểu, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc thiếu khả thi, khó tuân thủ; tiếp tục có những chính sách cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tạm dừng, cắt giảm, hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra; không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền giao hoặc có dấu hiệu vi phạm...

Đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường... là những lĩnh vực tiếp tục cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật (Ảnh nguồn: ITN).

Thực tế chi phí tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực; lại chưa cụ thể, rõ ràng. Đây là những vướng mắc lớn nhất trong việc xác định nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật.

Từ đó, cho thấy bên cạnh việc tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, để tiếp tục giảm chi phí tuân thủ pháp luật, thiết nghĩ các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn phiền hà (đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, lao động…); đồng thời cần chia sẻ những kinh nghiệm tốt, cách làm hay ở các địa phương, bộ ngành. Bên cạnh sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương thì rất cần sự tham gia chủ động của doanh nghiệp trong việc phản ánh các quy định còn vướng mắc, phối hợp tốt với chính quyền trong việc phản ánh, kiến nghị đối với hành vi tiêu cực của công chức cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Nguyễn Minh