Chia rẽ khó hàn gắn

- Thứ Sáu, 15/01/2021, 06:36 - Chia sẻ
Chiều 13.1 (đêm 14.1 giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Donald Trump với 232 phiếu thuận và 197 phiếu chống, khiến ông trở thành Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội hai lần trong một nhiệm kỳ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc làm này sẽ dẫn đến những chia rẽ khó hàn gắn trong lòng nước Mỹ và đó sẽ là cái giá khá đắt cho chính quyền mới.

Ý kiến trái chiều

Với kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện, ông Donald Trump sẽ phải đối mặt với cuộc luận tội lần thứ hai trong nhiệm kỳ tổng thống 4 năm của mình. Đầu năm 2020, ông đã bị luận tội với các cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội liên quan tới cuộc bầu cử năm 2016, tuy nhiên ông đã được Thượng viện tha bổng khi cơ quan này lúc đó đang nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa.

Nghị quyết luận tội lần này được đảng Dân chủ giới thiệu tại Hạ viện sau vụ việc ngày 6.1 khi người ủng hộ Tổng thống Donald Trump gây bạo loạn tại trụ sở Quốc hội khiến 5 người thiệt mạng và làm gián đoạn phiên họp nhằm kiểm phiếu đại cử tri bầu Tổng thống và Phó Tổng thống. Các điều khoản luận tội, cáo buộc ông Trump "kích động bạo loạn", tập trung vào bài phát biểu của ông trước hàng nghìn người ủng hộ ngay trước khi đám đông tấn công Điện Capitol. Ngoài ra, bản nghị quyết luận tội cũng dẫn lại cuộc điện đàm hôm 2.1, trong đó ông Trump yêu cầu quan chức ở bang Georgia "tìm 11.780 lá phiếu" để lật ngược kết quả bầu cử. Cũng theo nghị quyết, ông Trump bị cáo buộc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và nền dân chủ.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ký các điều khoản luận tội
Nguồn: Getty Images

Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói: "Tổng thống Mỹ đã kích động cuộc bạo loạn vũ trang chống lại đất nước. Ông ấy phải ra đi. Ông ấy là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu với đất nước mà tất cả chúng ta yêu mến".

Điều bất ngờ là có tới 10 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa “quay lưng” với Tổng thống Donald Trump và đồng nghiệp cùng đảng để bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết luận tội. Trả lời phỏng vấn CNN, Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger, thành viên Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ, nói rằng ông cảm thấy bình yên với lá phiếu của mình. Hạ nghị sĩ Kinzinger cũng cho rằng đây là một trong những phiếu bầu vượt qua màu sắc chính trị để phục vụ lợi ích quốc gia.

Trong khi đó, một số thành viên Đảng Cộng hòa cho rằng luận tội là một phán quyết vội vàng bỏ qua quy trình cân nhắc thông thường như các phiên điều trần và kêu gọi Đảng Dân chủ từ bỏ nỗ lực vì lợi ích đoàn kết và hàn gắn dân tộc.

Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy cho rằng việc luận tội tổng thống trong khung thời gian ngắn ngủi như vậy là một sai lầm. Tuy nhiên, ông McCarthy thừa nhận điều đó không có nghĩa Tổng thống Donald Trump không có lỗi và rằng ông chủ Nhà Trắng phải chịu trách nhiệm về vụ đám đông gây bạo loạn tại trụ sở Quốc hội ngày 6.1 vừa qua. Những đồng minh thân cận của ông Trump, như nghị sĩ Jim Jordan, tố cáo phe Dân chủ hành động thiếu tỉnh táo chỉ vì lợi ích chính trị.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Sau khi được thông qua tại Hạ viện, nghị quyết sẽ được chuyển lên Thượng viện - nơi sẽ diễn ra phiên xét xử ông Donald Trump. Hạ nghị sĩ Jim Clyburn, nhân vật thứ ba của đảng Dân chủ ở Hạ viện, cho biết Hạ viện có thể sẽ chuyển điều khoản luận tội lên Thượng viện sau 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống mới để ông Biden và Quốc hội có thể tập trung giải quyết các vấn đề khẩn cấp. Trong khi đó, lãnh đạo đa số tại Hạ viện Steny Hoyer cho rằng phe Dân chủ sẽ tìm cách đẩy nhanh quá trình này. Tuy nhiên, kể cả khi sớm nhận được kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện, phiên họp Thượng viện sẽ không diễn ra trước ngày 19.1, một ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Hiện vẫn chưa có lịch cụ thể phiên tòa luận tội ông Donald Trump tại Thượng viện.

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer thì cho biết, phiên tòa luận tội Tổng thống Donald Trump tại Thượng viện có thể "bắt đầu ngay lập tức" nếu phe Dân chủ đạt được thỏa thuận với lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell. Cũng theo ông Schumer, nếu Tổng thống Donald Trump bị kết tội tại phiên xét xử ở Thượng viện, Thượng viện sẽ tổ chức bỏ phiếu riêng về việc cấm ông Donald Trump tái tranh cử.

Sự chia rẽ được báo trước

Theo nhà quan sát Simon Jenkins, có những lý do mà quá trình luận tội Tổng thống Donald Trump sẽ là bước đi kém khôn ngoan vào thời điểm này. Ông Simon Jenkins nhắc lại rằng, trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã giành thêm 11 triệu phiếu phổ thông so với số phiếu ông từng giành được năm 2016, tăng từ 63 triệu lên 74 triệu phiếu. Mặc dù nhiều người không hài lòng với các phát ngôn và hành động của Tổng thống nhưng rõ ràng ông Donald Trump đang ngày càng trở nên nổi tiếng trong cử tri của ông. Theo các cuộc thăm dò dư luận, sự ủng hộ dành cho ông Trump trong số nhóm cử tri gốc Phi và Mỹ Latin cũng tăng.

Các nhà phân tích có thể có nhiều lập luận để đưa ra những cách giải thích khác nhau về những con số này, nhưng rõ ràng, đây là những số liệu thực tế không thể phủ nhận. Cuộc bạo loạn tuần trước ở Tòa nhà Quốc hội có thể đã gây ra những tác động nhất định với hình ảnh của Tổng thống Donald Trump, nhưng dường như không làm suy giảm sự ủng hộ của cử tri truyền thống dành cho ông.

Ông Simon Jenkins cho rằng, việc chống lại Tổng thống Donald Trump không đơn giản là chống lại một cá nhân mà còn là chống lại quan điểm và những người ủng hộ ông, những cử tri đã bỏ phiếu cho ông, trung thành với lập trường của ông và coi ông là người phát ngôn của họ. Do đó, luận tội hay bãi miễn Tổng thống Donald Trump có thể vô tình khiến cử tri thể hiện sự ủng hộ ông ngày càng mạnh mẽ hơn, thậm chí quá khích hơn. Minh chứng là những người ủng hộ ông Trump vẫn tiến hành biểu tình bạo lực ở một số bang. Trong khi đó, để bảo đảm an ninh cho lễ nhậm chức và hoạt động của Quốc hội, Lực lượng Vệ binh quốc gia đã phải huy động tới 15.000 người để bảo vệ đồi Capitol, điều cũng chưa từng xảy ra.

Về phần mình, mặc dù thể hiện sự phẫn nộ với các hành động của Tổng thống Donald Trump, nhưng Tổng thống đắc cử Joe Biden dường như khá thờ ơ với chủ đề luận tội, bởi ông lo ngại điều này sẽ làm xao lãng các ưu tiên chính sách trong những ngày đầu tiên ông nhậm chức. Ông Biden đã nêu ra những trọng tâm, nhấn mạnh những điều chính quyền của ông sẽ đạt được trong 100 ngày đầu tiên. Tổng thống đắc cử muốn thúc đẩy phân phối vaccine Covid-19, vốn đang "giậm chân tại chỗ", và nhanh chóng thông qua một gói kích thích kinh tế nữa nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch.

Phiên tòa luận tội Tổng thống Donald Trump tại Thượng viện cũng sẽ tốn không ít thời gian mà lẽ ra Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể tận dụng để thông qua các dự luật, khởi động nội các và điều hành chính phủ. Động thái trên cũng khiến các thành viên đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong Hạ viện ngày càng chia rẽ vào thời điểm mà ông Biden muốn mở ra một kỷ nguyên mới cho sự đoàn kết lưỡng đảng ở Washington.

Đạt Quốc