Chuyển đổi số trong doanh nghiệp:

Chìa khóa thoát hiểm

- Thứ Sáu, 20/11/2020, 18:19 - Chia sẻ
Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại các nước trên thế giới, trong đó có các quốc gia ASEAN. Công nghệ số không chỉ giúp giải quyết một số thách thức lớn và phục hồi hoạt động, mà còn giúp duy trì tăng trưởng trong dài hạn. Vì vậy, chuyển đổi số cho doanh nghiệp là điều kiện cấp thiết nhất trong bối cảnh hiện nay để phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế chung của đất nước.

Thách thức và cơ hội trong chuyển đổi số

Tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Quá trình chuyển đổi số hứa hẹn sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả kinh doanh và đặc biệt là tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, rộng rãi hơn, nhanh chóng hơn. Ảnh: ITN

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, nhiều dự báo đưa ra, trong 5-10 năm tới là giai đoạn rất quan trọng của quá trình chuyển đổi số và chỉ từ 2-3 năm tới, sự phổ cập công nghệ 5G sẽ tạo thêm những đột phá rất sâu rộng về quy mô và tốc độ của thông tin, xu thế toàn cầu hoá, tương quan sức mạnh và quan hệ giữa các quốc gia. Đặc biệt, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dự báo đến năm 2022, kinh tế số sẽ chiếm 60% GDP của thế giới; còn khu vực ASEAN, mặc dù kinh tế số mới chỉ chiếm 7% GDP của cả khu vực, song cũng được dự báo sẽ đóng góp thêm 1 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới trong thập kỷ tới.

Ông Nguyễn Minh Vũ cho rằng: “Là một chiến lược quốc gia và trước đòi hỏi cấp bách của tình hình, chuyển đổi số nên là sự lựa chọn của nhiều DN. Việt Nam đang có lợi thế về chuyển đổi số rất lớn. Dân số gần 100 triệu dân là một thị trường rất lớn. Hơn 70% người dân sử dụng internet, thiết bị thông minh cộng với cộng đồng DN, công nghệ năng động và sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ là những yếu tố hết sức thuận lợi, tạo tiền đề cho đất nước, các doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi số trong giai đoạn tới”.

Cơ hội từ chuyển đổi số đã được xác định, nhưng chuyển đổi số như thế nào, DN phải bắt đầu từ đâu là câu hỏi khiến DN, nhất là DN vừa và nhỏ đau đầu. Phần lớn các DN đều có xu hướng đầu tư nâng cấp phần mềm và phần cứng công nghệ thông tin để làm hài lòng khách hàng và phục vụ quản trị DN. Tuy nhiên, để tìm một mô hình DN chuyển đổi số hoàn hảo, ứng dụng quản trị thông minh thành công trong kinh doanh thì chưa nhiều đơn vị làm được.

Không còn là một lựa chọn

Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế, tuy nhiên, theo các chuyên gia, xét ở một góc độ tích cực, chính dịch Covid-19 buộc các DN chuyển sang ưu tiên chuyển đổi số, phụ thuộc nhiều hơn vào các công nghệ mới nhằm đảm bảo tính liên tục và khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh. Vì vậy, đây là thời điểm mà các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ (DNVVN) phải tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Dịch Covid-19 buộc các doanh nghiệp chuyển sang ưu tiên chuyển đổi số, phụ thuộc nhiều hơn vào các công nghệ mới nhằm đảm bảo tính liên tục và khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh. Ảnh: ITN

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: “Covid-19 ảnh hưởng rất nặng tới nền kinh tế. Song đại dịch cũng là cơ hội giúp DN thức tỉnh, định vị lại bản thân, thích ứng, xác định chuyển đổi số là một trong những chiến lược để bứt phá”.

Ông Nguyễn Minh Vũ cũng cho biết: “Trong 6 tháng qua, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động khối cơ quan Chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Đã có gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ các cơ quan chức năng”.

Nghiên cứu do IDC và Cisco thực hiện tại 14 nước châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, Việt Nam có 72% DN nhỏ và vừa tìm cách chuyển đổi số để đưa sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, tăng so với mức 32% của năm 2019, tập trung vào nâng cấp phần cứng công nghệ thông tin, công nghệ đám mây và an ninh mạng. Chuyển đổi số tại các DN nhỏ và vừa có thể đóng góp vào GDP từ 24 tỷ đến 30 tỷ USD năm 2024 và góp phần phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

"DN nhỏ và vừa là một trong những khối bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch. Thực hiện chuyển đổi số sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình phục hồi và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước", bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, cho biết.

Còn theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, DN dù ở quy mô nào nếu không thay đổi và nắm bắt kịp thời các xu hướng công nghệ sẽ khó tồn tại và phát triển. Và nếu DN không chủ động ứng phó sẽ bị thay thế bởi các DN hình thức mới. Điều cần làm ngay lúc này là chủ DN phải thay đổi nhận thức, phải biết đối mặt với điều gì và biết phải làm như thế nào. DN phải không ngừng đổi mới và lan tỏa tinh thần đó đến từng thành viên trong công ty.

Xuân Tùng