Chìa khóa phát triển của Hậu Giang

- Thứ Sáu, 30/07/2021, 06:24 - Chia sẻ
Trong nỗ lực cùng cả nước chống dịch, tỉnh Hậu Giang vừa công bố và đưa vào sử dụng “Bản đồ Covid-19”. Động thái này chỉ là một trong những minh chứng cho thấy Hậu Giang đang nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử và thực hiện chuyển đổi số, coi đây là chìa khóa phát triển của tỉnh.
Lễ công bố các hệ thống thông tin và IOC Hậu Giang

Đầu tư 300 tỷ đồng cho chuyển đổi số

Được tích hợp trong app (ứng dụng) Hậu Giang, dễ dàng cài đặt trên điện thoại thông minh, “Bản đồ Covid-19” cập nhật danh sách bệnh nhân, số ca nghi nhiễm và ca nhiễm cũng như thông báo chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19... Bên cạnh đó, bản đồ còn hiện đầy đủ các khu vực cảnh báo có ca nhiễm, nghi nhiễm, những nơi bệnh nhân Covid-19 đã đến, những nơi đang thiết lập vùng cách ly y tế; đồng thời chỉ dẫn điểm có cơ sở y tế, bệnh viện để người dân liên hệ thông báo tình hình dịch bệnh, khai báo y tế.

Đây chỉ là một trong số những minh chứng cho thấy Hậu Giang đang nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử và thực hiện chuyển đổi số. Những năm gần đây, tỉnh đặc biệt chú trọng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin để đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”, thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền và người dân. Tháng 10.2020, UBND tỉnh công bố và đưa vào vận hành “Các hệ thống thông tin, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh” của tỉnh. Các hệ thống này bao gồm: Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC); Trung tâm giám sát an toàn, an ninh thông tin (SOC); Cổng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng di động Hậu Giang, tổng đài cải cách hành chính, cổng thông tin điện tử, hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản, trục liên thông dữ liệu tỉnh. Hệ thống này giúp người dân giám sát được quá trình xử lý các phản ánh, kiến nghị của mình một cách công khai, minh bạch; tích hợp các thông tin kinh tế - xã hội của toàn tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền.

Một trong những Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Tỉnh ủy Hậu Giang trong nhiệm kỳ mới là Nghị quyết 02-NQ/TU về xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp đó, HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng… Mục tiêu của Hậu Giang là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan, đơn vị địa phương, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn. Phấn đấu đến năm 2025, Hậu Giang nằm trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Vietnam ICT Index).  

Hậu Giang là một trong những tỉnh đầu tiên thiết lập bản đồ Covid

Người dân, doanh nghiệp hưởng nhiều lợi ích

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh chọn chìa khóa phát triển là xây dựng thành công chính quyền điện tử vì không có nhiều lợi thế cạnh tranh về điều kiện tự nhiên so với các địa phương khác, nguồn lực cũng còn hạn chế.

Với việc xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số, Hậu Giang sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành, lĩnh vực, từ đó góp phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và mang đến nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Ví dụ, người dân và doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về hoạt động của tỉnh; tương tác thuận tiện, dễ dàng với các cơ quan nhà nước, qua đó tạo sự đồng thuận, niềm tin trong xã hội. Các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến, tích hợp sẽ giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện mọi lúc, mọi nơi và theo dõi được quá trình xử lý hồ sơ của mình.

Khi các ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đổi số, người dân và doanh nghiệp sẽ được sử dụng các dịch vụ chất lượng cao về du lịch, giao thông, y tế, giáo dục, môi trường..., qua đó nâng cao chất lượng sống. Đặc biệt, môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện, thủ tục hành chính tiếp tục được đơn giản hóa, cắt giảm quy trình thực hiện, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại tỉnh.

Trong 5 năm tới, Hậu Giang sẽ ưu tiên chuyển đổi số trong các ngành giáo dục - đào tạo, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, tài nguyên và môi trường. Đồng thời, ưu tiên xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa, khó khăn và người dân tộc thiểu số tiếp cận, khai thác dịch vụ số để tiếp cận nhanh chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ đô thị thông minh, thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tiến tới chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh; từng bước hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp số; đẩy nhanh ứng dụng các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong cơ quan nhà nước và cộng đồng…

Vũ Châu