"Chìa khóa" hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương

- Thứ Tư, 17/03/2021, 06:39 - Chia sẻ
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã muốn khôi phục quan hệ với châu Âu vốn gặp nhiều thử thách dưới thời người tiền nhiệm. Đó là lý do Washington hiện nay muốn giúp đỡ châu Âu trong thời điểm cần thiết. Và cách nhanh nhất để làm điều này, cũng như củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là cả hai bên cùng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 ở châu Âu.
	Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

“Nước Mỹ đã trở lại”

Theo PS, mặc dù nghe có vẻ lạ nhưng vaccine ngừa Covid-19 chính là giải pháp hữu hiệu để cải thiện quan hệ giữa Mỹ và châu Âu. Trước đó, chính sách “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump từng gây sóng gió cho quan hệ giữa xứ sở cờ hoa và các đồng minh tại lục địa già. Vì vậy, trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich tháng 2 vừa qua, Tổng thống Joe Biden cho rằng tốt nhất là nên tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, nghĩa là bất kỳ cuộc tấn công vào một thành viên NATO sẽ được coi là tấn công vào tất cả liên minh quân sự này.

Tuy nhiên, bài phát biểu vẫn chỉ là bài phát biểu, một số người châu Âu tự hỏi Điều 5 và NATO có giá trị gì trong bối cảnh thiếu nguồn cung cấp vaccine Covid-19 của châu Âu khiến cuộc sống và sinh kế của người dân châu lục gặp nguy hiểm, trong khi Mỹ đang “bơi trong các liều vaccine”. Chính quyền của Tổng thống Biden thậm chí không thúc ép Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm phê duyệt vaccine Oxford-AstraZeneca của Vương quốc Anh, mặc dù Mỹ có ước tính 60 triệu liều.

Không nghi ngờ gì về mong muốn phục hồi quan hệ với châu Âu của Tổng thống Biden. Đó là lý do chính quyền của ông phải giải quyết tình trạng mất cân bằng vaccine nghiêm trọng này, đồng thời giúp đỡ châu Âu trong thời điểm họ cần. Cách nhanh nhất để làm điều đó, và tăng cường mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, là Mỹ - châu Âu cùng sản xuất vaccine ở châu Âu. Ở đây, theo một số nhà phân tích, chính quyền Mỹ nên làm theo mô hình của thỏa thuận rất thành công mà họ đã môi giới ở Mỹ, nơi tập đoàn dược phẩm Merck đang sản xuất hàng triệu liều vaccine của Johnson & Johnson (J&J) theo giấy phép.

Hợp tác sản xuất và phân phối xuyên biên giới, thậm chí xuyên đại dương, là cách hiệu quả hơn để thúc đẩy các mục tiêu ngoại giao, chứ không đơn thuần là bán nguồn cung cấp vaccine cho người châu Âu. Mỹ càng thúc đẩy điều này khi nhận thấy Nga vừa ký thỏa thuận sản xuất vaccine Sputnik V ở Italy, cùng nhiều thỏa thuận tương tự đang được làm việc ở Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Như vậy, Điện Kremlin đang thành công trong việc tận dụng lĩnh vực quan trọng là sức khỏe cộng đồng để tạo ảnh hưởng lên EU. Trong bối cảnh đó, nhiều người Mỹ đã đặt câu hỏi là, tại sao Chính phủ Mỹ không nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy các công ty dược phẩm trong nước đồng ý tham gia các thỏa thuận sản xuất chung với các công ty dược phẩm châu Âu?

Hiện Pfizer (Mỹ) cùng với BioNTech (công ty của Đức) có thỏa thuận với Novartis - công ty dược đa quốc gia rất lớn của Thụy Sĩ để sản xuất vaccine ở thành phố Marburg, Đức - với  60 triệu liều/tháng nếu sản xuất hết công suất. Trong khi đó, vaccine J&J đang được sản xuất ở thành phố Leiden, Hà Lan, và công ty cũng ký một thỏa thuận vào tháng 2 với tập đoàn dược phẩm Sanofi để sản xuất 12 triệu liều vaccine/tháng tại Marcy-l’Étoile, Pháp. Ngoài ra, hãng dược Moderna (Mỹ) đã ký hợp đồng với Tập đoàn Lonza để sản xuất vaccine của họ ở Thụy Sĩ.

Nhưng tất cả những động thái trên đều đến muộn, và chỉ thành hiện thực sau khi có thông tin rõ ràng rằng EU kém xa trong việc cung cấp vaccine cho công dân của mình. Nhiều người Mỹ đánh giá, việc EU không có khả năng cung cấp vaccine đã tạo cơ hội cho cả Nga và Trung Quốc định vị bản thân như những vị cứu tinh cho sức khỏe của châu Âu.

Giới quan sát phương Tây nhận định, bằng cách thúc đẩy liên doanh vaccine với châu Âu, an ninh quốc gia của Mỹ sẽ được tăng cường mà không cần chi thêm một xu nào. Cũng giống như việc Mỹ củng cố mối quan hệ với châu Âu sau Thế chiến II với viện trợ từ Kế hoạch Marshall, họ cho rằng đất nước cờ hoa nên khuyến khích càng nhiều thỏa thuận hợp tác sản xuất vaccine mà người châu Âu cần. Ngoài ra, việc cùng sản xuất vaccine ở châu Âu sẽ hạn chế ảnh hưởng mà Nga và Trung Quốc đang tìm cách thực hiện ở lục địa già. Họ dẫn chứng, Hungary đang trả tiền cho vaccine Trung Quốc nhiều hơn gấp nhiều lần so với vaccine của Anh hoặc Mỹ.

Phần còn lại của câu chuyện

Nhưng vaccine chỉ là một phần trong câu chuyện quan hệ xuyên Đại Tây dương. Chính quyền Mỹ của Tổng thống Biden thực tế  đạt được tiến bộ vững chắc trong việc hàn gắn mối quan hệ của Mỹ với châu Âu, đặc biệt là bằng cách chấm dứt tranh chấp lâu dài về trợ cấp sản xuất máy bay. Tổng thống Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen  đầu tháng 3 đã đồng ý tạm dừng tất cả các mức thuế áp đặt khi tranh chấp trợ cấp trong thời gian ban đầu là 4 tháng.

Ý nghĩa thương mại của thỏa thuận trên là tín hiệu về mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương đang hồi sinh. Cuộc tranh chấp liên quan đến máy bay thực tế bắt đầu gần hai thập kỷ trước. Hai bên liên tiếp tung đòn trả đũa lẫn nhau như EU áp thuế đối với các sản phẩm của Mỹ trị giá khoảng 4 tỷ USD, trong khi Mỹ đánh thuế đối với 7,5 tỷ USD hàng hóa của châu Âu. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire mới đây đã viết lạc quan trên Twitter, “cuối cùng, chúng ta đang trỗi dậy từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU, cuộc chiến chỉ tạo ra những kẻ thua cuộc”.

Nhưng trợ cấp máy bay không phải là vấn đề thương mại duy nhất ngăn cách châu Âu với Mỹ. Các mức thuế mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng áp đặt đối với thép và nhôm từ châu Âu vì lý do an ninh quốc gia vẫn được giữ nguyên. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo gần đây cho biết thuế quan đối với thép và nhôm vẫn “có hiệu lực”, là dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ đương nhiệm sẽ không sớm bãi bỏ tất cả các biện pháp bảo hộ của cựu Tổng thống Donald Trump. Và cũng vẫn còn đó tranh chấp gay gắt về các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty Đức và EU khác xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 để cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga trực tiếp cho Đức, bỏ qua Ukraine và Ba Lan.

Làm sao người châu Âu có thể không hoài nghi lời hứa “Nước Mỹ đã trở lại” của Tổng thống Biden khi ông từ chối chống lại những người theo chủ nghĩa bảo vệ thép? Đối với ông chủ Nhà Trắng, thuế thép rất quan trọng với cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động mà đảng Dân chủ muốn giành lại. Hơn nữa, đảng Cộng hòa, ngành công nghiệp thép và các công đoàn của nó vẫn đứng sau những người theo chủ nghĩa bảo vệ thép. Việc Tổng thống Biden duy trì thuế thép thể hiện thắng lợi của chính trị đối nội trước chính sách đối ngoại. Nhưng ông cũng nhận ra rằng, một nước Mỹ bị các đồng minh ghẻ lạnh là một nước Mỹ yếu hơn. Vì vậy, bằng cách giúp châu Âu sản xuất vaccine trong EU, ông sẽ chứng minh cho chính sách “nước Mỹ đã trở lại” của mình.

Ngọc Minh