Đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của ngành
Khoa học công nghệ hiện đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp và 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Khoa học công nghệ giúp nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản; góp phần đưa Việt Nam vào nhóm xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã đạt 238,8 tỷ USD; trung bình 39,8 tỷ USD/năm. Trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu đạt 44,97 tỷ USD; tăng 14,1%.
Tại diễn đàn "Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu" ngày 28.11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, mặc dù tăng trưởng nhanh nhưng nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu gây hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn... Thể hiện trách nhiệm với lượng phát thải khí nhà kính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã và đang triển khai nhiều giải pháp và hành động cụ thể để thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; cam kết về "Giảm phát thải khí methan toàn cầu" và "Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất".
“Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa để ngành nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững; phấn đấu năm 2030, nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nước phát triển trên thế giới”, ông Tiến nhấn mạnh.
Vấn đề là phải sử dụng chiếc "chìa khóa" này thật hiệu quả, tạo ra cú huých mang tính đột phá cho ngành nông nghiệp. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mong muốn sự đồng hành, hỗ trợ của các nhà tài trợ, đối tác quốc tế để cùng hợp tác phát triển khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, giúp Việt Nam thực hiện các cam kết về giảm phát thải và chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Cần sự chung tay, hỗ trợ
Thực tế hiện nay, theo Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn Trần Công Thắng, quy mô ứng dụng khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo hiện nay còn nhỏ. Sản lượng sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp chưa tốt; chưa tương xứng với trình độ phát triển, trình độ khoa học công nghệ; chưa mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, thiếu tính bền vững. Khảo sát chỉ số tốc độ năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cho thấy đóng góp của khoa học công nghệ trong tăng trưởng nông nghiệp tăng lên nhưng tốc độ lại giảm đi. So với các nước trong khu vực, nhìn chung đóng góp của khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp Việt Nam chỉ ở mức trung bình.
Để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, ông Trần Công Thắng nhấn mạnh vai trò của việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trình độ, hiệu quả khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo; thúc đẩy chuyển đổi số... Theo đó, rất cần sự chung tay, vào cuộc của nông dân, doanh nhân, cộng đồng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế; đặc biệt là Liên minh Đa dạng sinh học và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CGIAR).
TS. Stephan Weise, Giám đốc Khu vực châu Á CGIAR cho biết, các nghiên cứu đổi mới của CGIAR trong các lĩnh vực canh tác lúa, rau quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thời gian qua được áp dụng và nhân rộng tại Việt Nam, đem lại nhiều kết quả tích cực. Những ứng dụng khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo CGIAR phối hợp với các đối tác chiến lược triển khai tại Việt Nam đã góp phần chuyển đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam theo hướng xanh và bền vững hơn. “CGIAR cam kết hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức mang tính chiến lược trong ngành nông nghiệp để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay”, TS. Stephan Weise nói.