Chìa khóa để nước Nhật vĩ đại trở lại

- Thứ Bảy, 10/10/2020, 06:41 - Chia sẻ
Nếu tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga muốn thoát khỏi cái bóng của người tiền nhiệm, ông sẽ cần có một ý tưởng hấp dẫn để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình. Chuyên gia Bill Emmott, cựu biên tập viên của tờ The Economist cho rằng, chìa khóa của ông Suga nằm ở nguồn nhân lực trình độ học vấn cao của Nhật Bản, vốn lâu nay bị lãng phí.

Khi bắt đầu tiếp quản chức Thủ tướng Nhật Bản, ông Yoshihide Suga đã tung ra một loạt ý tưởng đầy tham vọng, bao gồm kế hoạch xây dựng chính phủ số hóa và hồi sinh ngân hàng. Nhưng ông Suga vẫn chưa có một chiến lược phát triển kinh tế thực sự gây được sự chú ý của công chúng. Và đây có thể là chìa khóa cho nhiệm kỳ của ông: Nhật Bản cần sử dụng tốt nhất nguồn tài nguyên duy nhất của họ - con người.

Từ chính sách chú trọng nguồn nhân lực…

Vào những năm 1980, khi Nhật Bản từ một quốc gia nghèo tài nguyên trở thành con rồng châu Á, người ta cho rằng chìa khóa cho sức mạnh của đất nước mặt trời mọc nằm ở khả năng khai thác nguồn nhân lực. Vào thời điểm đó, Nhật Bản đã là một xã hội có thu nhập cao, năng suất cao và sở hữu một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới. Một trong những chính sách được các nhà tuyển dụng áp dụng để bảo đảm lòng trung thành của người lao động, đó là sinh viên tốt nghiệp cam kết làm việc cho công ty sẽ được nhà tuyển dụng đào tạo và tạo điều kiện phát triển suốt đời. Nhưng tất nhiên, những chính sách này gần như chỉ áp dụng cho một nửa dân số: Nam giới.

Bốn thập kỷ sau, Nhật Bản vẫn là quốc gia có hệ thống giáo dục tuyệt vời, nhưng khoảng cách giới tính vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Vào những năm 1980, hầu hết phụ nữ Nhật Bản đều hài lòng với chương trình giáo dục đại học 2 năm. Chỉ chưa đầy 15% nữ sinh đăng ký học đại học 4 năm, trong khi con số này ở nam sinh là 35 - 40%. “Khoảng cách giáo dục” này giải thích tại sao Nhật Bản có rất ít nữ lãnh đạo.

Trong 30 - 40 năm qua, tỷ lệ nữ sinh Nhật Bản sau khi tốt nghiệp đăng ký chương trình đại học 4 năm đã tăng lên 50%, so với 55% của nam sinh. Tuy nhiên, giờ đây bất chấp sự mở rộng lớn về “nguồn vốn con người” (giáo dục và nhân tài), quá trình sử dụng nguồn nhân lực này của Nhật Bản đang tỏ ra thiếu hiệu quả, thậm chí có sự chênh lệch bất thường giữa thành tích học tập và việc làm của lao động Nhật Bản.

… đến chiến lược nhân công giá rẻ

Nguồn gốc nghịch lý này bắt nguồn từ sự sụp đổ của giá cổ phiếu và bất động sản những năm 1990 - 1992, gây ra những căng thẳng kinh tế và xã hội đáng kể và ngay sau đó là sự nổi lên của Trung Quốc như một thế lực cạnh tranh đầy áp lực đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Kể từ đó, các chính phủ của Nhật Bản, chịu ảnh hưởng bởi tập đoàn kinh tế, đã từ bỏ chính sách mức lương cao và an ninh việc làm cao từng tạo nên sức mạnh kinh tế của Nhật Bản, để tìm đến chiến lược nhân công giá rẻ.

Nếu những năm 1990, 80% người lao động Nhật Bản được làm việc theo hợp đồng dài hạn, có tính ổn định cao, thì đến năm 2019, gần 40% người lao động làm việc theo các hợp đồng ngắn hạn, thiếu bền vững, do những điều chỉnh về quy định lao động trong ba thập kỷ qua. Hơn nữa, Nhật Bản là một xã hội già hóa dân số. Khi dân số trong độ tuổi lao động giảm, hàng triệu phụ nữ và người nghỉ hưu đã được tuyển dụng để bù đắp tình trạng thiếu hụt lao động. Phần lớn lao động thuộc đối tượng này chỉ tham gia các hợp đồng ngắn hạn với mức lương thấp, thậm chí nhiều người chỉ nhận mức lương tối thiểu (một trong những mức thấp nhất trong số các nước OECD).

Chiến lược nhân công giá rẻ này đã giúp mang lại lợi nhuận nhất định cho doanh nghiệp, nhưng lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm chạp Nhật Bản trong những thập kỷ gần đây. Tiêu dùng của các hộ gia đình giảm sút do mức lương thấp. Và do người sử dụng lao động có ít động lực để đầu tư vào đối tượng lao động bán thời gian, lao động ngắn hạn, ngân sách của họ dành cho đào tạo và phát triển đã giảm sút đáng kể. Nước Nhật sau đó đã chứng kiến tỷ lệ nghèo tăng tương đối, đưa họ tiến gần hơn với Mỹ, đất nước "nổi tiếng" về khoảng cách xã hội thay vì gần tới các hình mẫu lý tưởng về phúc lợi xã hội và chủ nghĩa bình quân như Đan Mạch hay Thụy Sĩ.

Cách tiếp cận lao động giá rẻ có thể được sử dụng như một biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp hàng loạt sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1990 của Nhật Bản, nhưng chính sách này không nên được áp dụng như một chiến lược dài hạn đối với một quốc gia vốn đã có trình độ dân trí cao và một nguồn lao động trí thức giàu có như Nhật Bản.

Tại cuộc họp thường niên vào tháng 1.2014 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Abe Shinzo, người tiền nhiệm lâu năm của ông Suga, từng mạnh dạn nói về việc biến Nhật Bản trở thành “nơi phụ nữ tỏa sáng”. Và sau năm 2015, chính phủ của ông từng khoe rằng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ của Nhật Bản đã vượt qua Mỹ, phản ánh chính sách tăng chi tiêu công cho các cơ sở chăm sóc trẻ em. Nhưng với chiến lược sử dụng lao động giá rẻ vẫn không được điều chỉnh dưới thời ông Abe Shinzo, chất lượng việc làm của phụ nữ không theo kịp số lượng.

Kết quả là, lợi ích từ những thành tựu giáo dục mà phụ nữ có được kể từ những năm 1980 đã không tương xứng với tiềm năng. Chắc chắn, một thế hệ phụ nữ mới - thế hệ những người tốt nghiệp đại học từ 1990 - 2000 sẽ sớm đảm nhận những vị trí nổi bật hơn. Nhưng điều kiện thị trường lao động đối với phần lớn phụ nữ Nhật Bản vẫn còn nhiều hạn chế.

Trong khi vấn đề này phần nào phản ánh những định kiến sai lầm dai dẳng và cứng nhắc của lãnh đạo các công ty lớn của Nhật Bản, thì không thể phủ nhận, thủ phạm chính vẫn là chiến lược lao động giá rẻ. Điều này khiến người lao động Nhật Bản, bao gồm cả nam và nữ, đứng trước nguy cơ mất an ninh việc làm và lương thấp, một trong những nhân tố thúc đẩy tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh nở của Nhật Bản ngày càng giảm sút. Tác động ngược trở lại, tỷ lệ sinh thấp chính là nguyên nhân của tình trạng già hóa dân số, ảnh hưởng không nhỏ đến chính thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế.

Khi mới nhậm chức tháng trước, Thủ tướng Suga đã hứa sẽ tạo ra động lực mới cho nền kinh tế. Để điều đó trở nên thực sự có ý nghĩa, ông phải đặt người Nhật vào vị trí trung tâm trong chiến lược kinh tế quốc gia của mình. Nhật Bản cần thay thế chiến lược lao động giá rẻ 30 năm về trước bằng cách khôi phục tầm nhìn đúng đắn về một xã hội lương cao, năng suất cao, trình độ cao. Nhật Bản nên là Thụy Sĩ của châu Á, chứ không phải nước Mỹ của châu Á.

Theo PS

Đạt Quốc