Chìa khóa cho công nghiệp điện ảnh Việt Nam

- Thứ Bảy, 16/10/2021, 05:43 - Chia sẻ
Trao đổi tại Tọa đàm “Luật Điện ảnh (sửa đổi) với việc phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 15.10, các đại biểu đều cho rằng, ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam có nhiều tiềm năng. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có các chính sách phù hợp hơn để ngành điện ảnh tận dụng được cơ hội thứ hai phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế sáng tạo.
	Các đại biểu tham gia tọa đàm tại đầu cầu Hà Nội - Ảnh: Quang Khánh
Các đại biểu tham gia tọa đàm tại đầu cầu Hà Nội
Ảnh: Quang Khánh

Cơ hội rộng mở - nhìn từ VOD

Ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình theo yêu cầu (VOD) - thành tố quan trọng của kinh tế sáng tạo - vẫn còn non trẻ ở châu Á và Việt Nam, nhưng đã sẵn sàng cho sự phát triển mạnh mẽ. Theo TS. Fraser Thompson, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn AlphaBeta (Singapore), thống kê cho thấy quy mô giá trị xuất khẩu ngành đã tăng nhanh, hơn 7%/năm trong khu vực ASEAN, cao hơn nhiều khu vực khác trên thế giới, và Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực (21%).

TS. Fraser Thompson cho rằng có một số xu hướng hỗ trợ sự tăng trưởng của ngành công nghiệp sáng tạo này ở Việt Nam: Dân số trẻ tài năng, với hơn một nửa dân số dưới 35 tuổi; lượng người dùng internet tăng; khả năng sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số với yêu cầu xử lý cao; khả năng tiếp cận khán giả toàn cầu ngày càng tăng; nền tảng trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật số mang lại lợi ích lớn cho ngành công nghiệp sáng tạo... 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng:

Chỉ Luật Điện ảnh không thể thúc đẩy điện ảnh phát triển mạnh mẽ, mà phải có nhiều luật cộng hưởng. Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế, Luật Phí và Lệ phí, Luật Khoa học - Công nghệ, Luật An ninh mạng... cũng tác động lớn phát triển công nghiệp điện ảnh. Do đó, cần bảo đảm đồng bộ để có tính khả thi.

Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà:

Theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đoàn phim nước ngoài chỉ chờ trong 30 ngày là được cấp phép quay phim tại Việt Nam. Thế nhưng, các đoàn phim còn phải thực hiện theo các quy định khác như quy định tạm nhập tái xuất đối với thiết bị điện tử, quy định về việc vận chuyển... Do đó, muốn đẩy nhanh tiến độ cấp phép đối với đoàn phim nước ngoài, cần sự đồng bộ, phối hợp của tất cả các quy định, để cùng một thời gian, đoàn phim có thể xin và được cấp phép làm phim tại Việt Nam.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Nguyễn Quang Đồng:

Khát vọng của mọi nền điện ảnh đều hướng đến sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, đoạt các giải thưởng danh giá. Tuy nhiên, để có các tác phẩm giá trị nghệ thuật cao như thế, chúng ta cần chân đế tốt hơn. Chân đế của ngành công nghiệp điện ảnh là các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ điện ảnh. Hiện nay chân đế của ngành công nghiệp Việt Nam rất hạn hẹp.

Giám đốc Điều hành Công ty tư vấn AlphaBeta (Singapore) Fraser Thompson:

Kinh nghiệm của Singapore để phát triển VOD là xây dựng các quy định cần có sự tham gia của những người làm nghề và cơ quan quản lý. Bản thân ngành cũng tự xây dựng bộ quy tắc để góp ý với đơn vị quản lý nhà nước. Việc xây dựng quy định phải mang tính chất linh hoạt, phù hợp với xu hướng phát triển. Bên cạnh đó, cần đầu tư vào hệ sinh thái ngành là chìa khóa để nắm bắt cơ hội.

Giám đốc điều hành Công ty Thaole Entertainment Lê Thị Phương Thảo: Đối với việc phổ biến phim trên mạng, áp dụng phương thức hậu kiểm là phù hợp, bởi chúng ta chưa có đủ lực lượng, nguồn lực để thực hiện tiền kiểm, khi mỗi ngày có hàng nghìn sản phẩm được đưa lên internet. Nên giao trực tiếp cho đơn vị cung cấp dịch vụ phân loại, dán nhãn phim. Về lọc phim “đầu vào” nhà nước đã quy định phim nào độc hại không được lên sóng, người tiêu dùng cũng có vai trò bảo vệ con em mình, định hướng cho các con xem những phim phù hợp. 

TH.NGUYÊN ghi

"Bởi vậy, ngành công nghiệp sáng tạo đã và đang là một phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và sẽ rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Đầu tư VOD tại Việt Nam có thể tăng gấp 9 lần vào năm 2025" - TS. Fraser Thompson nhấn mạnh.

Khi lĩnh vực này phát triển, có thể tác động đến đầu tư và việc làm, tác động tới các ngành du lịch, giải trí, thời trang... VOD đang tăng cường khả năng tiếp cận và nhu cầu của toàn cầu đối với điện ảnh Việt Nam. Ví dụ, bộ phim Thị Mai, Hành trình đến Việt Nam có sự tham gia của các diễn viên Việt Nam và Tây Ban Nha, mô tả cảnh đẹp của vịnh Hạ Long và cuộc sống thành phố Hà Nội; các nét văn hóa địa phương thú vị cũng được khắc họa qua một lăng kính mới. Phim được công chiếu tại Việt Nam năm 2017 và tại Tây Ban Nha đầu năm 2018... đã góp phần quảng bá đất nước, con người, thắng cảnh Việt Nam.

Hoạt động hơn 20 năm trong ngành, từng đem các chương trình điện ảnh Hollywood tới Việt Nam, tham dự các LHP quốc tế, hội chợ phim ở Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... bà Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty Thaole Entertainment khẳng định, chúng ta có đủ hành lang pháp lý, nhiều người tài, thắng cảnh đẹp, các câu chuyện lịch sử, chuyện đời thường hay, ẩm thực đường phố hấp dẫn... để phát triển điện ảnh.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Nguyễn Quang Đồng bổ sung, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ công nghệ số, ngành công nghiệp sáng tạo nói chung, ngành điện ảnh Việt Nam nói riêng có thêm cơ hội thứ 2 để phát triển.

Nuôi dưỡng hệ sinh thái điện ảnh

“Nếu như nhìn hệ sinh thái điện ảnh như khu rừng thì những cây cổ thụ là các sản phẩm đạt được đỉnh cao là các giải thưởng. Nhưng muốn làm được việc ấy, chúng ta phải nuôi dưỡng hệ sinh thái, không thể tự nhiên có cây cổ thụ được. Hệ sinh thái bao gồm nhiều thành tố, và Luật Điện ảnh cũng phải diễn giải rất nhiều chính sách. Tuy nhiên, vẫn có thể có các phần mang tính thúc đẩy hơn cho doanh nghiệp” - ông Nguyễn Quang Đồng bày tỏ.

Theo ông Đồng, có hai nhóm vấn đề cần quan tâm trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): Có các quy định thông thoáng để phát triển các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ điện ảnh, ưu tiên về mặt sản xuất nội dung, âm thanh, ánh sáng và nhiều dịch vụ trong hệ sinh thái VOD; và quản lý nội dung phim VOD, có thể áp dụng dịch vụ phân loại phim như mô hình kinh doanh có điều kiện, tương tự như mô hình dịch vụ công chứng.

Bà Lê Thị Phương Thảo, đề xuất, để điện ảnh Việt Nam "cất cánh", chúng ta cần hợp tác, thu hút nhiều đoàn làm phim nước ngoài. Các chính sách cần thông thoáng hơn, bởi nhiều đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam làm phim sẽ tạo cơ hội cho những nhà làm phim trẻ trong nước được học tập, cọ sát, các đạo diễn, diễn viên mới nổi có cơ hội biết tới, được mời tham gia dự án phim quốc tế... "Cần có quy định vừa bảo đảm giữ gìn văn hóa, tư tưởng, an ninh chính trị, vừa bắt kịp xu hướng thế giới. Việc hợp tác quốc tế trong làm phim nên bắt đầu càng sớm càng tốt, với các quy định cụ thể, để sau đại dịch Covid-19, các nhà làm phim nước ngoài quyết định thực hiện dự án tại Việt Nam".

Trong bối cảnh đó, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc, bất cập hiện nay, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển, khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh và tận dụng được cơ hội từ sự phát triển của khoa học - công nghệ, kỹ thuật số. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, khi xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đều thống nhất phải có dự thảo Luật tốt nhất, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, hỗ trợ, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động điện ảnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng chuyển đổi số để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Luật ban hành phải bảo đảm phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu hướng thế giới, đồng bộ về pháp luật. Lãnh đạo Quốc hội cũng đặt ra yêu cầu lớn, Luật phải cụ thể, minh bạch, dễ hiểu, dễ áp dụng, tránh luật ống, luật khung; chính sách đưa vào Luật phải đánh giá tác động kỹ lưỡng, gắn với nguồn lực thực hiện...

Ngọc Phương