"Chìa khóa" chiến thắng đại dịch

- Thứ Sáu, 13/08/2021, 05:48 - Chia sẻ
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) LÊ NHƯ TIẾN cho rằng, điểm mấu chốt tạo thành sức mạnh để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 chính là sự lãnh đạo thường xuyên của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội với nhiều quyết sách kịp thời tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV vừa qua, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, chính quyền các cấp và sức mạnh đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mọi người dân. Do đó, trong thời gian tới, việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân chính là “chìa khóa” quan trọng nhất để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chiến thắng hoàn toàn dịch Covid-19.

Quyết liệt và hiệu quả 

- Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, theo ông, có tác động như thế nào đến cuộc chiến chống "giặc Covid-19"? 

Theo tôi, điểm mấu chốt tạo thành sức mạnh để đẩy lùi dịch bệnh chính là sự lãnh đạo thường xuyên của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, chính quyền các cấp và sức mạnh đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mọi người dân. Điều này được thể hiện rõ khi Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 dù mới thành lập đã nhận được sự đóng góp với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng từ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân cả ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục phát huy những kết quả, kinh nghiệm có được sau các đợt dịch, nhất là việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân sẽ là “chìa khóa” quan trọng nhất để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chiến thắng hoàn toàn dịch Covid-19.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục LÊ NHƯ TIẾN

- Chúng ta đều biết, trong lịch sử, mỗi khi đất nước đứng trước những thách thức, khó khăn, cần huy động sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có thư kêu gọi toàn quốc như: Thư kêu gọi khởi nghĩa vào tháng 8.1945; Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12.1946; Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước (năm 1966), rồi Lời kêu gọi chống giặc dốt, giặc đói…

Trong bối cảnh hiện tại, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân, thì đây là lần thứ hai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lời kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài cùng đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư còn thể hiện tính ưu việt của chế độ chúng ta, là lời tuyên bố, khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, đó là tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết. Với nhân dân là lời “tha thiết”, với “cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 từ Trung ương tới cơ sở là những “yêu cầu” đã thể hiện vai trò, phẩm chất của Đảng, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, dù ở hoàn cảnh khó khăn thế nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mỗi đảng viên cũng phải gương mẫu đi đầu, chia ngọt sẻ bùi với quần chúng nhân dân.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư đã khơi dậy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, thống nhất "muôn người như một" trong mọi tầng lớp nhân dân để cùng Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh. Đồng thời, cũng là kim chỉ nam để mỗi người dân, mỗi cá nhân nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự giác trong thực hiện các biện pháp chống dịch mà Chính phủ, các cấp, các ngành đã ban hành.

- Ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp cho phép Chính phủ áp dụng được áp dụng các biện pháp cấp bách, đặc thù, khác với quy định của luật hoặc chưa được luật quy định để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Theo ông, quyết định này của Quốc hội có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay? 

Tôi đánh giá rất cao quyết đáp này của Quốc hội bởi từ đây sẽ tạo cơ sở pháp lý chắc chắn cho Chính phủ trong việc áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Với những thẩm quyền được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, Chính phủ sẽ được chủ động và linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt, khác với quy định của luật hoặc chưa được luật quy định để ứng phó, ngăn ngừa, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Để bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ của các biện pháp này, ngay sau Kỳ họp thứ Nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp khẩn để thông qua Nghị quyết cho phép Chính phủ áp dụng 4 biện pháp cấp bách khác với quy định của luật. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhiều lần nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sẽ chủ động vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để xem xét, áp dụng ngay các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Nhìn vào thực tế khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động đề xuất sáng kiến lập pháp về bổ sung nội dung cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19 vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Nhất và tiến hành phiên họp khẩn chiều tối 6.8 để xem xét dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, tôi thấy yên tâm. Với sự đồng hành sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ như vậy, nếu cần thiết phải áp dụng biện pháp cấp bách nào chúng ta cũng sẽ có đủ cơ sở để thực hiện. Vấn đề còn lại là thực thi như thế nào. 

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 ngày 11.8

Ảnh: Trí Dũng

Đánh giá tác động thận trọng để đạt mục tiêu cao nhất

- Ông vừa đề cập đến câu chuyện thực thi các biện pháp phòng, chống dịch. Vừa qua, câu chuyện siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội của thành phố Hà Nội cũng đã gây ra những phản ứng trái chiều, thưa ông? 

- Với sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả trên cơ sở phát huy vai trò và sức mạnh của cả hệ thống chính trị, hiện nay, tình hình dịch, bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nỗi vẫn được kiểm soát tốt. Với đặc trưng lây lan nhanh của biến chủng Delta, Hà Nội cơ bản đã tận dụng được "thời điểm vàng" để nhanh chóng kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan bằng những giải pháp cấp thiết và mang lại hiệu quả.

Tuy vậy, theo dõi tình hình vừa qua, tôi nhận thấy, trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố đôi lúc còn lúng túng. Ví dụ như việc ban hành công văn "siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội" gây ra những tác dụng ngược mà dư luận phản ánh vừa qua. Mặc dù thành phố Hà Nội đã nhanh chóng khắc phục vấn đề này nhưng đây cũng là một ví dụ điển hình cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Chúng ta "chống dịch như chống giặc", các biện pháp được quyết định trong bối cảnh khá gấp gáp để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch nhưng cũng cần đánh giá tác động thận trọng để đạt mục tiêu cao nhất. 

Với các địa phương khác, trong trường hợp phải áp dụng Chỉ thị 16, theo tôi, cần bám sát 3 trường hợp cấp thiết được ra đường đã nêu trong Chỉ thị này gồm: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở được tiếp tục mở cửa... thì tin rằng, nhân dân sẽ ủng hộ và cũng tránh được những bất cập trong công tác phòng, chống dịch.

- Xin cảm ơn ông!

Trung Thành thực hiện