Bạn đọc viết

Chỉ số và thăng hạng

- Thứ Hai, 23/09/2019, 07:58 - Chia sẻ
Năm 2018, tổng số điểm chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp là 86.53/100 điểm, xếp thứ 3/18 bộ. Trong đó, điểm do Bộ Nội vụ tổng hợp, thẩm định trên cơ sở tự chấm điểm là 56,80/62.5 điểm, xếp thứ 3/18 bộ; điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 29,74/37,5 điểm, xếp thứ 8/18 bộ.

Kết quả cụ thể trên 7 lĩnh vực bao gồm công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính là 9,5/10,5 điểm (Bộ Tư pháp bị trừ 1 điểm đối với tiêu chí thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2018); xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ là 14,36/16,5 điểm; cải cách thủ tục hành chính là 13,57/15,5 điểm; cải cách tổ chức bộ máy hành chính là 10,81/12,5 điểm; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức là 14,9/16 điểm; cải cách tài chính công là 11,68/13,5 điểm; hiện đại hóa hành chính là 11,71/15,5 điểm. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Bộ Tư pháp tăng giá trị điểm cũng như thăng hạng trong đánh giá chỉ số cải cách hành chính cấp bộ (năm 2015 đạt 78,27/100 điểm, xếp thứ 9; năm 2016 đạt 82,90/100 điểm, xếp thứ 6; năm 2017 đạt 83,93/100 điểm, xếp thứ 4).

Mặc dù, Bộ Tư pháp đứng thứ 3, nhưng điểm tuyệt đối cách xa so với đơn vị đứng thứ 2 và đứng rất gần với đơn vị đứng thứ 4. Như vậy, nguy cơ tụt hạng là có cơ sở, nhất là khi trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, bộ này còn khá nhiều hạn chế. Các hạn chế này, bao gồm từ việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chưa đạt tiến độ như yêu cầu; đến việc các đơn vị thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng quy định việc xin lỗi người dân, tổ chức các trường hợp trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính... Đáng quan tâm hơn, Bộ cũng chưa thực hiện đầy đủ các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách và ban hành chưa kịp thời quy định về phân cấp quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đặc biệt, cổng dịch vụ công của Bộ Tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ các chức năng và yêu cầu kỹ thuật theo quy định; số lượng hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 - 4 phát sinh còn thấp; số lượng đơn vị thực hiện đúng duy trì, cải tiến ISO 9001:2008 theo quy định còn chưa đạt 100% yêu cầu.

Từ thực tế này, các đơn vị cần lưu ý những nội dung cải cách hành chính còn bị trừ điểm, nhất là những dịch vụ công được quy định tại Quyết định số 877/QĐ-TTg về Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 như cấp phiếu lý lịch tư pháp, ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Hiện các dịch vụ này chưa đáp ứng được những yêu cầu của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; trong khi đó thời gian còn lại của năm 2019 không còn nhiều. Đồng thời, ngành tư pháp cũng cần chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và giải quyết các công việc; thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc sử dụng chữ ký số và gửi nhận văn bản điện tử góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Nguyễn Minh