Tản mạn

Chỉ số hạnh phúc

- Thứ Ba, 23/02/2021, 08:40 - Chia sẻ

1.  Lần đầu tiên nghe nói Nghị quyết Đại hội Đảng bộ một địa phương đưa vào "chỉ số hạnh phúc" với những tiêu chí: "sự hài lòng về cuộc sống, tuổi thọ trung bình, sự hài lòng về môi trường sống...".

Đấy là Yên Bái, nơi đang xây giấc mơ trở thành một Bhutan của Việt Nam. Nơi ấy có Giàng A Dê, chàng trai người Mông từng đổi cả "ao sâu cá mè" dưới chân núi lấy chóp đồi để làm homestay, hai vợ chồng trồng rau đuổi gà đón khách với triết lý sống ngộ nghĩnh: "Trước đây cái ruộng lúa chỉ cho lúa cho gạo để no cái bụng. Giờ lại có thêm khách tới ngắm nhìn, chụp ảnh no con mắt. Vậy là cũng ruộng lúa đó, chỉ cần thêm chỗ cho khách đến ở ngắm lúa là mình tăng thu nhập. Dưới xuôi người ta phải bỏ hàng trăm tỷ đồng xây dựng kỳ quan cho khách tới ngắm mới thu được tiền mà! Vì thế, mình càng phải giữ ruộng, giữ rừng, giữ thiên nhiên này. Không chăm giữ mà chỉ phá đi thì không có khách đến. Khách không đến thì không còn vui nữa đâu!".

   Nơi ấy có ông Bí thư Huyện ủy giương cao khẩu hiệu: "Rừng và ruộng với chúng tôi là vấn đề sống còn". Cũng nơi ấy là địa phương dũng cảm vượt qua mọi tranh cãi để mời triển lãm "Mây pha lê" về bay trên ruộng bậc thang La Pán Tẩn (trước đó dự án của hai nghệ sĩ cảnh quan nổi tiếng thế giới Andy Cao và Xavier Perrot từng bị một vài địa phương ở Việt Nam từ chối).

2. Đầu năm đi đâu thì đi, nếu về Kinh Bắc, thế nào cũng đi ăn cỗ chị Điệp, con gái phủ Bắc Ninh, nhà bên hồ thành Cửa Bắc. Bánh đa Thổ Hà, rươi Uông Bí, măng Hà Giang, cá trắm đen kho củi lửa, bò bắp hầm quế cay và thảo quả... Năm nay còn ăn mừng tân khoa tiến sĩ Lê Phương Duy, con trai chị, nếu không nhầm thì là tiến sĩ Hán Nôm trẻ nhất Việt Nam. Luận văn tiến sĩ của Duy - Quản kiến về đại nghĩa Xuân Thu - nhận 7 điểm rất xuất sắc của 7 vị trong hội đồng chấm thi và phản biện, một trường hợp "hiếm hoi". 

"Xuân Thu quản kiến", theo giải thích của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, có nghĩa đại ý là giải thích và lý luận kinh Xuân Thu. Kinh này do chính Khổng Tử viết về các nguyên tắc triều đình, xã hội, ngoại giao và chính trị của nước Lỗ. Và Khổng Tử dùng nó, với các phê bình, khen chê từng đoạn, để đưa ra các lý thuyết, triết lý sống của mình.

Thời nhà Minh và Thanh Trung Quốc có 3 học giả cũng viết khảo cứu giới hạn về "Xuân Thu quản kiến" của kinh Xuân Thu như luận án này. Ở Việt Nam thì trong lịch sử có mỗi Ngô Thì Nhậm viết về đề tài này, nhưng cũng chỉ giới hạn trong phần trị quốc. Lê Phương Duy đã dịch lại hết tài liệu của Ngô Thì Nhậm, rồi giải nghĩa, và viết rộng ra cho đầy đủ.

Lê Phương Duy là dòng dõi của Lê Duy Đản (con trai vua Hiển Tông và chú của Chiêu Thống). Hiện nay ở Việt Nam, TS. Lê Phương Duy được xem là một trong hai người am tường nhất về điển tích trong kinh sách Nho học cổ...

Thủy Phạm