Bảo đảm không trùng lắp với hoạt động chi của các loại quỹ khác
Trình bày tóm tắt Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dữ liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 25), một số ý kiến đề nghị xác định rõ những loại dữ liệu nào bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển ra nước ngoài; nghiên cứu để có sự phân loại các loại dữ liệu, có loại trừ đối với dữ liệu của các doanh nghiệp nước ngoài...; quy định quy trình chuyển dữ liệu ra nước ngoài, thẩm quyền và trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố; quy định trách nhiệm của các tổ chức nước ngoài trong việc chuyển giao dữ liệu ra nước ngoài; đồng thời bổ sung cơ chế giám sát và kiểm tra đối với tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, quy định về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài nhằm mục đích quản lý chặt chẽ đối với dữ liệu quan trọng, dữ liệu cốt lõi để bảo đảm quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Hiện nay, việc mua bán dữ liệu nói chung và việc chuyển giao dữ liệu giữa tổ chức, cá nhân ngày càng phổ biến. Hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tới quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nhất là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng. Nhiều nước trên thế giới cũng đã có quy định hạn chế, kiểm soát việc chuyển giao các dữ liệu này ra nước ngoài, để bảo đảm an ninh tài nguyên dữ liệu.
Tuy nhiên, đây là nội dung mới, phức tạp, còn có ý kiến khác nhau và hiện nay có một số cơ quan đại diện, một số tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài gửi ý kiến kiến nghị. Để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm linh hoạt trong quá trình quản lý, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị chỉ quy định những nội dung cơ bản mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý Điều này như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Liên quan đến Quỹ phát triển dữ liệu (Điều 29), Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị rà soát về khả năng huy động nguồn Quỹ và nội dung chi của Quỹ để tránh trùng lặp với hoạt động chi của các loại quỹ khác; bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc quản lý sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; đề nghị làm rõ mô hình tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động của Quỹ.
Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức nghiên cứu rà soát, chỉnh lý quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm nguyên tắc: không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch; hỗ trợ cho các hoạt động xây dựng, phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; không được chi trùng với ngân sách nhà nước; đồng thời bảo đảm không trùng lắp với hoạt động chi của các loại quỹ khác.
Quy định rõ hơn về chính sách khuyến khích của nhà nước
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp, quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí và cho rằng dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, dự án Luật Dữ liệu là dự luật rất quan trọng, được ban hành càng sớm càng tốt. Đây sẽ là cơ sở pháp lý ở tầm cao, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Sau khi ban hành sẽ nâng tầm xếp hạng chuyển đổi số quốc gia và là khung khổ pháp lý giúp thúc đẩy hơn nữa chuyển đổi số ở các ngành, các cấp, các địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, dữ liệu số và những dữ liệu chưa số hóa rồi sẽ số hóa là tài nguyên vô cùng quan trọng, đồng thời sẽ là một loại tài sản và là một ngành kinh tế mang lại lợi ích lớn. Với tính chất như vậy, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp công nghệ cao và các doanh nghiệp có khả năng lưu trữ số xây dựng cơ sở dữ liệu số của cả thế giới và của Việt Nam sẽ hoạt động như thế nào trên cơ sở Luật này?
Cho biết trong dự thảo Luật nêu chính sách của nhà nước là khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo, ứng dụng trong lĩnh vực dữ liệu, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chính sách này chưa thể hiện được nhiều trong dự thảo Luật.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quy định rõ hơn trong các điều, khoản về việc nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả trong nước hay nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ số, xây dựng trung tâm dữ liệu, các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trong lĩnh vực số.
Thống nhất nên quy định trong dự thảo Luật về việc chuyển dữ liệu ra tổ chức, cá nhân nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, bởi vì dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới từ trong nước ra nước ngoài rất cần thiết và có tính chất quan trọng vì còn liên quan đến dữ liệu số, chủ quyền quốc gia. Song, Điều 25 chỉ nên quy định khung vì lĩnh vực này rất mới và đa dạng, phức tạp, không thể lường hết được những tình huống xảy ra trong tương lai. Sau đó giao Chính phủ quy định chi tiết để tùy theo từng thời kỳ sẽ có các điều chỉnh ở mức độ các văn bản dưới luật.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện; các quy định bảo đảm đúng thẩm quyền của Quốc hội, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì không không đưa vào Luật.
Bên cạnh đó, những vấn đề mới thì chỉ quy định khuôn khổ, nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết để thuận lợi trong tổ chức thực hiện; đáp ứng yêu cầu vừa quản lý, vừa khơi thông nguồn lực dữ liệu. Cùng đó, cần phải tập trung rà soát kỹ thuật lập pháp để rút càng gọn càng tốt, bao gồm cả những chương, điều, khoản, điểm trong dự thảo Luật.