Chi phí xây dựng đường cao tốc - đắt hay rẻ?
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ báo cáo về chi phí xây dựng 10 tuyến cao tốc ở nước ta. Báo cáo cũng đưa ra chi phí trung bình để xây dựng đường cao tốc của 5 quốc gia khác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Mỹ, để cho thấy suất đầu tư ở nước ta chỉ cao hơn Trung Quốc, thấp hơn 4 quốc gia còn lại.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2005-2010, suất vốn đầu tư mỗi kilomet trên các cao tốc 4 làn xe ở khu vực đồng bằng, như các tuyến Giẽ - Ninh Bình, Láng – Hòa Lạc, TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, khoảng 12,5 triệu USD. Từ 2010 đến nay, mỗi kilomet cao tốc khu vực trung du, miền núi phía Bắc (Hà Nội đi Thái Nguyên hay Yên Bái) chỉ 6,2 triệu USD. Tại khu vực miền Trung (cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Dầu Giây - Phan Thiết) khoảng 9,66 triệu USD. Đối với tuyến có địa hình, địa chất đặc biệt như Bến Lức – Long Thành, suất đầu cao nhất là 25,8 triệu USD.
Lý giải tình trạng này, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, chi phí xây cầu, hầm và xử lý nền đất yếu đã khiến chi phí thực hiện bị đội lên. Ví dụ, trong tổng số 57,8km chiều dài đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã có 20km cầu và cầu cạn, đặc biệt có đến 2 cầu dây văng quy mô rất lớn là Bình Khánh (dài 2,76km) và Phước Khánh (dài 3,18km). Tại tuyến đường này, trong 30km đi qua tỉnh Đồng Nai, do địa chất ổn định, chi phí thi công chỉ khoảng 9 triệu USD/km, trong khi, tại 24km đầu tiên, 16,5km phải xây cầu cạn và cầu vượt sông nên chi phí thực hiện cao hơn.
![]() Nguồn: batdongsan.com |
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng dẫn lại số liệu của một số tổ chức như Quỹ hợp tác phát triển Hàn Quốc (EDCF), Nhật Bản (JICA)… về chi phí thực hiện đường cao tốc tại những quốc gia này. Cụ thể, chi phí thi công đường cao tốc trung bình của nước ta là 14,12 triệu USD/km, trong khi tại Trung Quốc là 10,9 triệu USD/km, tại Tây Ban Nha là 17,1 triệu USD/km, Hoa Kỳ là 17,4 triệu USD/km. Đặc biệt, chi phí thi công đường cao tốc tại Hàn Quốc là 36,5 triệu USD/km, tại Nhật Bản là 52,2 triệu USD/km – cao gấp 2 – 5 lần so với chi phí thi công ở nước ta.
Báo cáo cũng chỉ rõ chi phí thực hiện một số tuyến đường tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong đó, tuyến cao tốc số 2 Busan (Hàn Quốc), với quy mô 4 làn xe, được hoàn thành từ năm 2011, có suất vốn đầu tư là 19,16 triệu USD/km. Tuyến cao tốc Tomei (Nhật Bản) có quy mô 2 làn xe nhưng đòi hỏi suất vốn đầu tư lên đến 39,6 triệu USD/km, còn đường Bắc Kanto cũng có 2 làn xe thì có mức đầu tư 65 triệu USD/km. Và đường vành đai II Nagoya, với 4 làn xe được hoàn thành từ năm 2011 có suất vốn đầu tư là 207 triệu USD/km.
Nhìn vào những con số này có thể thấy, chi phí thực hiện đường cao tốc ở nước ta chưa phải ở mức quá cao trên thế giới. Tuy nhiên, so sánh đơn thuần qua những con số chưa thể khẳng định chi phí thực hiện đắt hay rẻ. Hơn nữa, việc xác định chi phí thực hiện đường cao tốc cao hay thấp cần căn cứ vào sức chịu đựng của nền kinh tế, và sẽ không còn là rẻ nếu chi phí thực hiện thấp nhưng vượt quá khả năng chi trả của ngân sách. Bộ Xây dựng cũng nhận định, việc so sánh suất đầu tư với đường cao tốc Việt Nam chỉ là tương đối, vì cơ cấu nút giao, tỷ trọng cầu giữa các dự án rất khác nhau; kết cấu đường, tiêu chuẩn thiết kế… giữa các đường cao tốc khác nhau.
Và nếu so sánh một số công trình cụ thể cũng cho thấy, nhận định chi phí thực hiện đường cao tốc ở nước ta không ở mức cao trên thế giới cũng chưa chắc đúng. Ví dụ như, cùng điều kiện nền đất yếu, phải xây dựng nhiều cầu cạn, song đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có suất đầu tư 28,2 triệu USD/km, với 45% chiều dài phải xây dựng cầu cạn, cầu vượt. Trong khi đó, đường cao tốc Busan có suất đầu tư là 19,16 triệu USD/km, với 72% chiều dài phải xây cầu cạn và hầm xuyên núi. Tất nhiên, điều kiện địa hình của nước ta khác với Hàn Quốc nên có thể đòi hỏi suất đầu tư cao hơn, nhưng cao hơn gấp 1,5 lần thì cần phải đánh giá lại.
Việc so sánh với chi phí xây dựng đường cao tốc của các quốc gia có điều kiện địa hình, tài chính khác với nước ta chưa cho cái nhìn chính xác về vấn đề này. Để thuyết phục được dư luận xã hội, nên thuê một cơ quan giám định độc lập có đủ năng lực đưa ra đánh giá trung thực về chi phí đã bỏ ra để xây dựng các đường cao tốc so với mặt bằng giá ở Việt Nam có phù hợp hay không? Phương án đầu tư, phương án thiết kế và giải pháp thi công... đã thực sự tối ưu chưa hay còn vung tay quá trán?