ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông):

Chi phí quản lý phải gắn với kết quả phát triển đối tượng và hiệu quả sinh lời của Quỹ bảo hiểm xã hội

- Thứ Tư, 27/10/2021, 17:41 - Chia sẻ
Tại điểm cầu Nhà Quốc hội, phát biểu ý kiến, ĐBQH Nguyễn Trường Giang đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa báo cáo về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội để Quốc hội thảo luận, cho thấy tầm quan trọng việc thực hiện quản lý chính sách này.
ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ, đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành bảo hiểm xã hội trong việc cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, cơ quan bảo hiểm xã hội đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với tất cả các thủ tục hành chính. Kết nối, tích hợp và cung cấp 15 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Triển khai thực hiện thanh toán điện tử, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã triển khai các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành hệ thống quản lý, chi trả, xét duyệt các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, khai thác, phân tích dữ liệu, để đánh giá, xác định dấu hiệu  lạm dụng, trục lợi và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Việc triển khai thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử làm tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng công việc, cắt giảm nhân lực, thời gian khi tiến hành trong các hoạt động thanh tra... Theo báo cáo, với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống thủ công như trước đây, thời lượng làm việc trung bình là 26 giờ. Khi ứng dụng công nghệ thông tin đã giảm lượng làm việc tại các đơn vị khoảng 48%, tương đương khoảng 10,5 giờ làm việc. Đại biểu Giang cho rằng, đây là những số liệu đáng lưu ý liên quan đến chi phí quản lý Quỹ bảo hiểm.  

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 90 Luật Bảo hiểm xã hội, nguồn kinh phí để thực hiện quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội hàng năm được trích từ việc sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ và định kỳ 3 năm Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội. Trong năm 2020, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đã được thực hiện theo Nghị quyết 528 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giai đoạn 2019 - 2021. Theo đó, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp do thực hiện theo Nghị quyết 528 giảm dần. Năm 2019 là 2,15 %, năm 2020 là 2% và năm 2021 là 1,85 % và số tiền này được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư của động quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Thực hiện quy định của Nghị quyết 528, theo báo cáo, mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 là 12.782 tỷ đồng, chiếm khoảng 27,28% số tiền sinh lợi từ hoạt động quỹ đầu tư năm 2020, tương đương 88,32% tổng dự toán năm 2020. Riêng chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2020 là khoảng 8.600 tỷ đồng, trong đó chi phí quản lý bảo hiểm xã hội là 8.000 tỷ đồng, chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp là 622 tỷ đồng, tương đương 1,74% và 1,87% so với dự toán chi phí và thấp hơn 0,26% và 0,13 % so tỷ lệ mức chi được phê duyệt theo Nghị quyết 528. Đáng chú ý, mức chi cho hoạt động bộ máy chiếm 35,66%, chi phục vụ đối tượng và tổ chức thu chi chiếm 46%, chi hiện đại hoá công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu chỉ chiếm 6,6%, nhưng hiệu quả mang lại là rất cao.

Đại biểu đánh giá cao việc ngành bảo hiểm đã cắt giảm chi phí quản lý so với quy định. Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo cáo thẩm tra, báo cáo của Chính phủ thì việc cắt giảm so với năm 2019, xét về tổng thể cho thấy dự toán chi phí phát triển đối tượng và quản lý bảo hiểm xã hội năm 2020 thì các mục này đều cao hơn so với năm 2019. Trong khi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin lưu trữ thông tin thì mức giảm này là chưa tưng xứng. Những kết quả được nêu trên, đại biểu Giang đề nghị cần cắt giảm thêm chi phí quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong bối cảnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý quỹ. Chủ động, tích cực, quyết liệt trong sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn và các chỉ tiêu này giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và chi phí quản lý phải gắn với kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm và hiệu quả sinh lời từ hoạt động của Quỹ.

Nghị quyết 528 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi phí quản lý quỹ trong giai đoạn 2019- 2021, do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm hoàn thành việc đánh giá kết quả thực hiện chi phí trong giai đoạn này và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm quyết định cho giai đoạn tiếp theo, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Nếu Chính phủ không sớm hoàn thành báo cáo thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không thể xem xét và ra nghị quyết triển khai hoạt động cho ngành bảo hiểm trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.

Về đầu tư phát triển quỹ, theo báo cáo tổng số tiền lãi thu được từ đầu tư năm 2020 là khoảng 47.500 tỷ đồng, lãi bình quân là 5%. Nhưng việc đầu tư vào ngân hàng thương mại chưa thống nhất nên còn khó khăn. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm… và các luật liên quan theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Trung ương. Đó là, đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả. Ưu tiên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, nhất là trái phiếu dài hạn, nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực đầu tư khác có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một khoản tiền nhàn rỗi từ Quỹ thông qua ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế, nhưng vẫn phải bảo đảm tính an toàn, bền vững.

Đức Hiệp