Chỉ nên quy định niêm yết đấu giá tài sản với động sản
Sáng 24.10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Đấu giá tài sản.
Tiếp cận nguyên tắc đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Đấu giá tài sản do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 10, QH Khóa XIII, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương, 81 điều. Trong đó, dự thảo Luật đã rà soát, bổ sung các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật; bổ sung trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; bổ sung các hành vi nghiêm cấm; rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, doanh nghiệp đấu giá tài sản, đấu giá viên và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên; bổ sung vào dự án Luật một cách tối đa các quy định tại văn bản dưới luật đã áp dụng có tính ổn định trong thời gian qua…
![]() Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Đấu giá tài sản |
Đa số ĐBQH nhất trí cho rằng, dự thảo Luật, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã tiếp cận được nguyên tắc chung về đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu phân tích hoạt động đấu giá như một phương thức, công cụ kinh tế, thì ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, cách tiếp cận của dự án Luật mới dừng ở mức độ quy định việc giải quyết hàng hóa mang tính chất tồn đọng trong xử lý, thanh lý tài sản nhà nước. Các điều, khoản quy định cụ thể còn hạn chế trong quá trình thực thi, nhất là việc bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và hiệu quả trong đấu giá.
![]() ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phát biểu |
Về tổ chức đấu giá tài sản niêm yết việc đấu giá tài sản (Khoản 1, Điều 34), UBTVQH tiếp thu theo hướng, đối với tài sản là động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi trưng bày tài sản nếu có, nơi tổ chức cuộc đấu giá ít nhất là 7 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá. Đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và UBND xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá. Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã có sự điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế. Nhưng theo ĐBQH Trần Văn Minh (Quảng Ninh), dự thảo Luật vẫn giữ lại quy định đối với các loại tài sản là bất động sản. Quy định như vậy có nghĩa, ngoài việc phải niêm yết tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và UBND xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản vẫn phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại nơi có bất động sản. Lấy ví dụ đối với việc niêm yết bán đấu giá quyền sử dụng đất là các lô đất trống hoặc tài sản không có chỗ dán niêm yết như ao, hồ, đất nằm giữa cánh đồng…, Đại biểu Trần Văn Minh cho rằng, tổ chức bán đấu giá tài sản sẽ không biết phải niêm yết và bảo vệ niêm yết như thế nào. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc không nên quy định niêm yết việc đấu giá tài sản là bất động sản để phù hợp với thực tế.
![]() ĐBQH Trần Văn Minh (Quảng Ninh) phát biểu |
Quy định cụ thể về thành lập tổ chức của đấu giá viên
Về 5 tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của đấu giá viên, UBTVQH tiếp thu theo hướng tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của đấu giá viên là tổ chức tự quản được thành lập để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đấu giá viên; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề cho đấu giá viên; giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên và thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về hội và Điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của đấu giá viên. Việc thành lập, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của đấu giá viên được thực hiện theo quy định của pháp luật về hội và quy định của Luật Đấu giá tài sản.
Cho rằng quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của đấu giá viên là tiến bộ và cần thiết, song ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng, quy định này vẫn chưa rõ ngoài tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc thì có cho phép thành lập tổ chức ở cấp tỉnh hay không? Bởi, theo quy định của dự án Luật về Hội đang trình QH tại Kỳ họp này, thì có cho phép thành lập các tổ chức hội hoạt động trong phạm vi cả nước, liên tỉnh hoặc trong phạm vi tỉnh, huyện, thậm chí là cấp xã. Cho nên, ngoài tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc thì sẽ có các tổ chức khác của đấu giá viên được thành lập theo quy định của pháp luật. Do đó, Đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị, nếu không cho phép thành lập các tổ chức khác ngoài tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc thì cần có quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật.