Chính trị

Chỉ nên chấp nhận rủi ro với dự án đột phá

Hà Lan 06/05/2025 17:31

Ủng hộ cơ chế chấp nhận rủi ro với dự án khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, song ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) lưu ý chỉ nên áp dụng với dự án có tính đột phá, không biến cơ chế này thành lá chắn an toàn cho hành vi thiếu trách nhiệm.

Chiều 6/5, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng (Tổ 8) thảo luận ở tổ về 3 dự án luật gồm: dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

to-0801.jpg
Toàn cảnh phiên họp của Tổ 8 chiều 6/5. Ảnh: H.Lan

Không biến cơ chế “chấp nhận rủi ro” thành "lá chắn" an toàn cho hành vi thiếu trách nhiệm

Góp ý dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, trong bối cảnh đất nước hiện nay và thực tế tại các quốc gia phát triển, việc ban hành Luật này hết sức cần thiết.

Theo đại biểu, các quy định hiện hành về phát triển khoa học công nghệ chưa đủ sức làm nền tảng để đưa đất nước đạt được các mục tiêu lớn mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, đặc biệt là các chủ trương đột phá mạnh mẽ mà Trung ương Đảng đã hoạch định trong thời gian gần đây.

Ví dụ mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và tăng trưởng hai con số từ năm 2026 trở đi trong Kết luận123-KL/TW; mục tiêu trong Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; và đặc biệt là cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính đang được triển khai thực hiện.

Mặt khác, việc ban hành kịp thời dự án Luật này sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, phù hợp với bối cảnh mới… để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

to-0802.jpg
ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: H.Lan

Góp ý nội dung cụ thể, ĐBQH Trần Quốc Tuấn nhất trí cao với Điều 9 quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Đây là quy định thật sự cần thiết, bởi đổi mới sáng tạo luôn luôn đi kèm với những rủi ro ngẫu nhiên và có những rủi ro cao, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”.

Đại biểu cho rằng, ở nước ta thời gian qua, không ít viện, trường hay các nhà khoa học còn tâm lý “lo sợ thất bại”, “sợ cái sai do vô ý”. Họ sợ vì cơ chế xử lý vi phạm của pháp luật hiện hành rất cứng nhắc, từ đó khiến nhiều dự án khoa học công nghệ bị đình trệ, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển địa phương, của đất nước.

Trong khi đó, kinh nghiệm các nước trên thế giới đều có cơ chế bảo đảm an toàn pháp lý để bảo vệ nhà khoa học, doanh nghiệp khoa học. Trường hợp họ có chủ đích tốt, không vụ lợi, không cố ý gây thất thoát, thiệt hại cho Nhà nước và cộng đồng thì dù thất bại, họ vẫn được miễn trách nhiệm hình sự hoặc dân sự.

Tuy nhiên, để tránh cơ chế này bị lạm dụng, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, Luật cần quy định chặt chẽ, bảo đảm cân bằng giữa khuyến khích sáng tạo và trách nhiệm xã hội đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án.

Nếu Chính phủ được giao hướng dẫn chi tiết, đại biểu nhấn mạnh, phải quy định chặt chẽ ba vấn đề cốt lõi:

Thứ nhất, về phạm vi rủi ro được chấp nhận, Luật chỉ nên áp dụng cho rủi ro phát sinh từ hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo có tính đột phá, không lường trước được, không do cố ý hoặc thiếu trách nhiệm. Không nên áp dụng đối với các rủi ro phát sinh từ hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo gây thiệt hại đến môi trường hay sức khỏe cộng đồng.

Thứ hai, các dự án được hưởng cơ chế “chấp nhận rủi ro” phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá rủi ro định kỳ.

Thứ ba, cần quy định danh mục các lĩnh vực ưu tiên phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đi kèm với việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro theo từng lĩnh vực.

“Quy định nội dung “chấp nhận rủi ro” là cần thiết để thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhưng phải đi kèm các điều kiện chặt chẽ về phạm vi, trách nhiệm pháp lý, giám sát đạo đức, và cơ chế chia sẻ rủi ro. Chúng ta tuyệt đối không nên biến cơ chế này thành tấm lá chắn an toàn cho hành vi thiếu trách nhiệm của một tổ chức, cá nhân có ý định lợi dụng để trục lợi chính sách, gây thất thoát ngân sách và ảnh hưởng đến uy tín các nhà khoa học chân chính”, ĐBQH Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Cần nghiêm cấm vi phạm các quy tắc về liêm chính khoa học

Cũng tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bám sát hơn nữa và thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Cụ thể là các nội dung: hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ trong nước đầu tư ra nước ngoài; cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số, đơn giản hoá tối đa các thủ tục hành chính; giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ...

Đồng thời, cân nhắc luật hóa toàn bộ các quy định thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Nghị quyết 193/2025/QH15; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao tính khả thi của Luật để đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành.

to-0803.jpg
ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: H.Lan

“Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật phải đóng vai trò nền tảng là đạo luật gốc, góp phần thể hiện rõ ràng “tư tưởng quốc gia” phát triển trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hàm chứa các chế định mang tính đột phá, vượt trội nhằm giải phóng sức sáng tạo, phát huy tối đa sức mạnh trí tuệ, vật chất của toàn xã hội, hợp tác quốc tế, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”, đại biểu Đào Chí Nghĩa kỳ vọng.

Bên cạnh đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng, dự thảo Luật mới chỉ tập trung quy định về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chưa bao quát các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ nhất là đổi mới sáng tạo của các cá nhân trong xã hội.

Phản ánh thực tế có nhiều cá nhân đã tổ chức nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chế tạo máy móc, công cụ phục vụ sản xuất rất hiệu quả, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng, cần bổ sung các quy định nhằm khuyến khích các cá nhân tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào Điều 4 của dự thảo Luật.

Về các hành vi bị cấm quy định tại Điều 6, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bỏ cụm từ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”. Bởi thực tế, có một số trường hợp đối tượng không phải là người có chức vụ, quyền hạn nhưng có ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn và những đối tượng này có thể lợi dụng sự ảnh hưởng đó để can thiệp, thao túng việc xác định nhiệm vụ, xét chọn, đánh giá, nghiệm thu, công nhận kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

"Luật nên quy định chung hành vi bị cấm là: “Can thiệp trái pháp luật vào việc xác định nhiệm vụ, xét chọn, đánh giá, nghiệm thu, công nhận kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo” nhằm bảo đảm tính bao quát, đầy đủ".

Bên cạnh đó, theo đại biểu, hiện nay vấn đề liêm chính khoa học và đạo đức nghề nghiệp được toàn xã hội rất quan tâm, không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới. Những hành vi vi phạm liêm chính khoa học còn diễn ra khá phổ biến ở nước ta, điển hình như: đưa tên những người không tham gia vào quá trình nghiên cứu làm tác giả, đồng tác giả công trình; đạo văn; làm hộ/làm thuê, thậm chí mua/bán các bài báo khoa học, các công trình nghiên cứu; bịa đặt, sử dụng số liệu giả trong kết quả nghiên cứu,…

“Để có được một nền khoa học lành mạnh và có đóng góp thiết thực cho xã hội thì việc quan trọng nhất là bảo vệ liêm chính khoa học và xây dựng đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động nghiên cứu. Do đó, cần bổ sung hành vi “vi phạm các quy tắc về liêm chính khoa học và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” vào danh mục các hành vi bị cấm trong dự thảo Luật”, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề xuất.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chỉ nên chấp nhận rủi ro với dự án đột phá
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO