Chỉ khi đổi mới, QH mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, của cử tri
Cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH tại Phiên họp thứ Sáu của UBTVQH, nhiều ý kiến cho rằng chỉ khi đổi mới thì QH mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, của cử tri. Nhưng đổi mới phải đồng bộ, phù hợp với đặc điểm của QH và hệ thống chính trị và phải tính đến tính khả thi khi thực hiện. Đổi mới các hoạt động của QH theo hướng rút ngắn thời gian tiến hành kỳ họp nhưng vẫn bảo đảm đúng quy trình, chất lượng và hiệu quả.
CHỦ NHIỆM UB TÀI CHÍNH VÀ NGÂN SÁCH PHÙNG QUỐC HIỂN: Nếu giải quyết được vấn đề về thời gian, nguồn lực và khả năng thì mới có thể biến đổi mới thành hiện thực

Tôi đồng tình với nhiều nội dung của Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Tôi cho rằng, QH của chúng ta ngày một đổi mới trong hoạt động và chỉ khi nào chúng ta đổi mới thì mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, của cử tri. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần phải cân nhắc khi tiến hành đổi mới.
Thứ nhất, đó là phải tính đến tính khả thi khi thực hiện. Hiện nay có một số vấn đề không dễ dàng ngày một, ngày hai mà giải quyết được. Như tính khả thi về mặt thời gian, khả năng của QH, các cơ quan của QH có đủ điều kiện để làm, nhưng nhiều khi quỹ thời gian không cho phép. Ví dụ, ngày 16 Chính phủ đưa Tờ trình sang thì Ủy ban mới tiến hành thẩm tra, trong khi đó ngày 19, QH đã họp rồi. Việc Ủy ban đưa được Báo cáo thẩm tra với những thông tin như thế cũng là quyết liệt lắm rồi. Ngay cả cuộc làm việc hôm nay thì suốt cả nhiệm kỳ vừa qua phần lớn tài liệu của chúng ta UBTVQH đọc ở trên bàn này hết. Cho nên anh Phước nói không hiểu UBTVQH có đầu óc nào mà khi bên kia trình bày xong Tờ trình, bên này đọc Báo cáo thẩm tra là UBTVQH giơ tay phát biểu ý kiến. Phải nói cũng rất tích cực, rất nhanh. Và trong bối cảnh chẳng có ai giúp mình thì đây còn là độ nhạy bén. Trong Đề án này, tôi rất lo là nếu đồng tình với một số điểm mới thì không biết tính khả thi sẽ như thế nào? Ví dụ, điểm mới về thẩm tra dự toán ngân sách. Nếu chúng ta chuyển được dự toán này cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cho ý kiến về từng lĩnh vực cụ thể được giao phụ trách và Ủy ban Tài chính - Ngân sách là người thẩm tra cuối cùng trên cơ sở tập hợp ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thì báo cáo sẽ cực kỳ sâu. Nhưng thực tế không làm thế được, bởi từ trước tới nay chúng tôi mong muốn điều đó mà không được. Ngay trong Luật Ngân sách nhà nước quy định chỉ gửi báo cáo trước 10 ngày diễn ra Kỳ họp QH mà phần lớn không kịp như thế. Chỉ đóng dấu trước Kỳ họp 5 – 7 ngày, thậm chí có lúc dấu của Ủy ban và dấu của Chính phủ đóng cùng một ngày. 5 đến 7 ngày, thậm chí có lúc mà dấu của Ủy ban và dấu của Chính phủ là cùng một ngày. Hầu như những kỳ vừa qua, chúng tôi đều phải thẩm tra trên những Tờ trình, Báo cáo không dấu, không ngày. Còn nếu đúng luật thì Ủy ban chỉ thẩm tra những vấn đề đã có dấu đỏ trình ra UBTVQH, nhưng chúng ta chưa làm được.
Thứ hai về nguồn lực, đúng là cũng phải hết sức tiết kiệm. Vừa qua, nếu không có những nguồn hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế thì chuyện tổ chức hội thảo hay nghiên cứu khoa học cũng gặp khó khăn, nguồn ngân sách không đủ. Chưa kể chuyện chúng tôi không có tiền để thuê chuyên gia. Những cái chúng tôi triển khai phần lớn là từ tích lũy kinh nghiệm, cùng với đội ngũ anh em giúp việc tự mày mò ra, chứ việc sử dụng lực lượng chuyên gia để phục vụ cho hoạt động các ĐBQH rất hiếm. Nguồn lực là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến tính khả thi.
Thứ ba là khả năng và thực lực của chúng ta. Ủy ban Tài chính và Ngân sách thường xuyên làm với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Họ có lực lượng hùng hậu hàng ngàn con người, trong khi Ủy ban quanh đi quẩn lại như khóa trước có 7 người, khóa này có 9 người, cộng với Vụ giúp việc khoảng 20 người. Chúng tôi có ngần ấy con người để chiến đấu làm công việc phản biện. Phản biện không đơn giản, anh nói khen thì dễ nhưng chê người ta phải có lập luận, tán thành hay không tán thành phải có lập luận.
Cho nên, đây là ba vấn đề phải giải quyết được. Nếu giải quyết được ba vấn đề về thời gian, nguồn lực và khả năng thì mới có thể biến những đổi mới này của chúng ta thành hiện thực. Hơn nữa, nếu chỉ QH đổi mới thì cũng khó. Phải cả hệ thống chính trị.
CHỦ NHIỆM UB QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH NGUYỄN KIM KHOA: Đổi mới phải đồng bộ, phù hợp với đặc điểm của QH ta, đặc điểm hệ thống chính trị

Đổi mới các hoạt động của QH phù hợp với tình hình thực tiễn và trên cơ sở luật hiện hành, hay đổi mới một cách toàn diện theo các Đề án của Đảng đoàn QH, sau đó có nội dung sửa đổi trong luật rồi mới làm?
Tôi đề nghị, chúng ta đổi mới dựa trên luật hiện hành, nhưng có thể sửa đổi những cái gì thực sự vướng mắc cần thiết. Có như thế thì chúng ta mới có thể áp dụng được. Ví dụ kỳ họp QH, Nội quy Kỳ họp quy định một năm họp hai kỳ, rất rõ ràng, chứ không phải một năm họp ít nhất hai kỳ. Hay trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Ủy ban Pháp luật xem xét bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của các dự án luật, pháp lệnh... Nếu bây giờ đổi mới, giao cho các Ủy ban khác thì chúng ta có sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không? Nếu chờ sửa thì sau khi sửa chúng ta mới thực hiện. Hay, với Nghị quyết này chúng ta làm luôn? Theo tôi, cần phải có giới hạn phạm vi và áp dụng những cải tiến, đổi mới trong tình hình pháp luật hiện hành và chỉ cần sửa những cái gì thực cần thiết.
Đổi mới phải trên cơ sở mục tiêu bảo đảm hiệu quả như Nghị quyết của UBTVQH khi được QH cho phép làm. Theo tinh thần của Nghị quyết, tôi thấy chủ yếu đổi mới cách làm để nâng cao hiệu quả những quy định của pháp luật hiện hành, hiệu quả hoạt động của QH và các cơ quan của QH, giải quyết mâu thuẫn giữa giảm thời gian họp nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, số lượng kỳ họp. Yêu cầu bảo đảm hiệu quả, tính khả thi và tính thực tiễn khi tiến hành đổi mới các hoạt động của QH là hợp lý.
Đổi mới phải đồng bộ, phù hợp với đặc điểm của QH ta, đặc điểm hệ thống chính trị. Đổi mới hoạt động của QH phải đồng bộ với Chính phủ cũng như các cơ quan khác, nếu không thì những đổi mới của QH cũng bất khả thi, không làm được. Và đổi mới phải phù hợp với đặc điểm đa số ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm. Đổi mới phải bảo đảm tính nguyên tắc, phải phát huy được dân chủ của các ĐBQH. Ví dụ, chúng ta áp dụng phương pháp họp trực tuyến, nếu không có quy định chặt chẽ thì ở địa phương có khi chỉ Phó trưởng đoàn ĐBQH tham dự, còn lại các đại biểu khác phải làm công việc chuyên môn. Số lượng ĐBQH đến dự họp trực tuyến, nếu không có chế tài chặt chẽ thì không phản ánh được nguyên tắc dân chủ của QH.
Hay việc cho ý kiến lần đầu về một dự án luật nhưng chỉ được khoảng 300 ĐBQH trên tổng số 500 ĐBQH đóng góp ý kiến, còn khoảng 200 ĐBQH đến lần thảo luận thứ hai người ta mới phát biểu chính kiến. Nếu chúng ta thông qua ngay tại kỳ họp đầu tiên thì chất lượng luật rất khó khăn. Thực tế, có những vấn đề chỉ cần 1 người có ý kiến nhưng chúng ta phải thảo luận nhiều lần, hội thảo nhiều lần mới có thể quyết định được nội dung đó. Tôi nghĩ cái mà chúng ta làm phải phù hợp với đặc điểm của chúng ta.
CHỦ NHIỆM UB PHÁP LUẬT PHAN TRUNG LÝ: Đối với một văn bản của UBTVQH trình QH thì Ủy ban Pháp luật có thẩm tra hay không?

Trong Đề án nêu rõ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban phải thẩm tra đối với các dự án thuộc lĩnh vực của mình trước khi Ủy ban Pháp luật thẩm tra - tôi thấy đúng - sau đó Ủy ban Pháp luật thẩm tra và hình thành dự kiến để trình UBTVQH. Nhưng trong Đề án cũng nêu Hội đồng Dân tộc và Ủy ban phản biện... - Ủy ban phản biện là phản biện cái gì? Cái này phải rõ. Hơn nữa khi dùng khái niệm phản biện phải thận trọng vì hoạt động của QH không phải là phản biện. Tất nhiên nó có tính chất phản biện, có tính chất lập luận nhưng QH không phải đứng ở góc này, góc kia để phản biện. Ngay với các chính sách, chúng ta là người góp phần, người quyết định. Các cơ quan khác có trách nhiệm chuẩn bị, còn QH quyết định.
Liên quan đến Điều 72 của Luật Tổ chức QH quy định: QH quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và cả nhiệm kỳ theo đề nghị của UBTVQH. UBTVQH trên cơ sở tập hợp ý kiến của Chính phủ và các cơ quan đề nghị lên. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể hơn: Ủy ban Pháp luật giúp UBTVQH thẩm tra, nhưng chỉ báo cáo với UBTVQH, còn ra QH là UBTVQH. Trong Đề án, tôi thấy có điểm mới khác với quy định của Luật Tổ chức QH, nếu làm thì phải sửa Luật Tổ chức QH, hoặc phải có cách gì đó để xử lý. Đối với những báo cáo dự kiến của UBTVQH trình QH thì Ủy ban Pháp luật phải báo cáo thẩm tra trước QH, nhưng đối với một văn bản của UBTVQH trình QH thì Ủy ban Pháp luật có thẩm tra hay không? Vấn đề này phải nghiên cứu thêm, nếu trình bày được cả Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nữa, theo tôi cũng rất tốt để ĐBQH có cơ sở quyết định. Tất nhiên UBTVQH khi quyết cũng trên cơ sở cân nhắc ý kiến của Ủy ban Pháp luật.
Về thảo luận liên quan tới cách thức tiến hành kỳ họp, tôi đề nghị cần rà kỹ lại chỗ này vì tôi thấy có sự nhầm lẫn và khi thực hiện sẽ khó. Về nguyên tắc, những vấn đề QH xem xét, quyết định phải được bàn và quyết tại Kỳ họp, tại phiên họp toàn thể; trong kỳ họp, có thể đưa ra thảo luận ở tổ, bàn về từng vấn đề theo quyết định của UBTVQH. Do đó, ở đây việc chuyển phần thảo luận, một phần công việc của kỳ họp, sang giữa 2 kỳ họp cần phải xem lại cái gì chuyển được. Ta có thể tiết kiệm thời gian thảo luận, nhưng những vấn đề gì thuộc nguyên tắc thì không được chuyển, phải là Kỳ họp của QH. Vậy, Hội nghị chuyên trách có phải là một phần kỳ họp không? Đề án nêu chuyển việc xin ý kiến QH tại lần trình thứ nhất về Hội nghị chuyên trách - theo tôi không đúng. Lần trình thứ nhất rất quan trọng. Bất cứ nghị viện nào cũng thế: 3 lần trình, 3 lần đọc. Mỗi lần đọc khác nhau nhưng lần trình thứ nhất, lần trình thứ hai và thứ ba đều phải tiến hành ở QH. Vậy thì đã nói đến trình là phải trình tại QH, sau này QH có chấp nhận hay không mới chuyển về Hội đồng, Ủy ban để xem xét thẩm tra.
CHỦ NHIỆM UB VĂN HÓA, GD, TN, TN VÀ NĐ ĐÀO TRỌNG THI: Tiến hành họp trực tuyến - không có vướng mắc gì về mặt pháp lý

Các văn bản quy định về kỳ họp QH không nói là họp tập trung hay trực tuyến. Bởi vậy, họp tập trung hay trực tuyến chỉ là hình thức họp, nhưng chúng ta vẫn phải xác định là kỳ họp trực tuyến có giá trị chính thức và pháp lý như kỳ họp bình thường. Còn lựa chọn nội dung như thế nào để phù hợp với hình thức tổ chức là chuyện của chúng ta. Ở hình thức họp trực tuyến ta vẫn có thể thực hiện được đầy đủ các thủ tục, trình tự như cuộc họp tập trung: cũng có tờ trình, thẩm tra, các Ủy ban trình báo cáo thẩm tra đương nhiên ngồi ở Hà Nội, còn 500 đại biểu ngồi ở mọi nơi; các đại biểu, chuyên gia đến dự với tư cách khách mời, tham gia dự thính và chỉ được phát biểu khi được chủ tọa cho phép. Nếu như vậy chúng ta chính thức hóa giá trị pháp lý của kỳ họp trực tuyến.
Trong các văn bản cũng chỉ nói QH có các kỳ họp, còn thực hiện theo hình thức nào là do UBTVQH lựa chọn sau khi được sự đồng tình của các ĐBQH. Vì vậy, các cuộc họp trực tuyến đều có giá trị pháp lý như các cuộc họp bình thường, không ai nói là họp trực tuyến là không có giá trị pháp lý vì nhiều cơ quan đang thực hiện trực tuyến, ví dụ Chính phủ họp giao ban trực tuyến... Tôi nghĩ hiểu như vậy không có vướng mắc gì về mặt pháp lý.
Nhiều QH trên thế giới, nhất là ở các nước chúng tôi đến thăm quan, trao đổi kinh nghiệm, thì ĐBQH có thể biểu quyết ngay tại phòng làm việc mà không nhất thiết phải vào hội trường. Thông tin như thế để thấy giá trị không phải ở việc anh bấm nút ở đâu mà quan trọng là thẩm quyền bấm nút và kết quả bấm nút của đại biểu được ghi nhận trong quy trình làm việc.