Chỉ được tích nước khi cho phép

- Thứ Ba, 17/11/2020, 11:18 - Chia sẻ
Việc tích nước ở các công trình, dự án thủy điện dù lớn hay nhỏ đều không thể theo kiểu cứ có nước là tích. Tích ngay cả khi có bão, thậm chí chưa được các cơ quan chức năng cho phép cũng vẫn cứ tích, nếu có yêu cầu, đề nghị, kiến nghị thì xả. Khi không có lực lượng chức năng giám sát thì lại tích...

Đó là những gì đã xảy ra tại nhà máy thủy điện Thượng Nhật ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ thể, ngày 13.11, trước khi bão số 13 đổ bộ, nhà máy thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép ở cao trình khoảng 115m. Sau khi huyện Nam Đông báo cáo, UBND tỉnh cử lực lượng giám sát, yêu cầu mở hoàn toàn 5 cửa van. Khi bão số 13 đi qua, ngày 15.11, lực lượng chức năng rút về, nhà máy thủy điện này lại tiếp tục tích nước trái phép. Sự việc được phát hiện sáng 16.11 khi đoàn kiểm tra vào nhà máy. Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết đã lập biên bản, báo cáo tỉnh xử lý theo thẩm quyền. Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định sẽ giao cho các sở, ngành kiểm tra, đánh giá và xử lý nghiêm.

Theo quy định hiện hành, những hồ chứa chưa được phép vận hành như thủy điện Thượng Nhật phải duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn. Lý giải về việc đóng cửa van, Tổng giám đốc Công ty thủy điện Thượng Nhật cho biết, sau khi nhận công văn của tỉnh, doanh nghiệp luôn duy trì 5 cửa van xả và không tích nước. Công ty đóng các cửa van là để nạo vét kênh xả bởi sạt lở!

Câu hỏi đặt ra ở đây là lý do này liệu có thuyết phục và đúng với bản chất sự việc không khi biết rằng doanh nghiệp này đã từng không chấp hành nghiêm túc công điện ứng phó với bão số 9 nên cuối tháng 10.2020, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế đã phải có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung đề nghị không mua điện của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật cho đến khi tỉnh cho phép tích nước.

Diễn biến mới nhất là Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký quyết định thành lập đoàn công tác của Bộ kiểm tra công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại nhà máy thuỷ điện Thượng Nhật. Nhiệm vụ của Đoàn công tác bao gồm việc kiểm tra hiện trường tại thủy điện Thượng Nhật sau các đợt bão, lũ vừa qua; kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý an toàn hồ đập, công tác phòng chống thiên và việc tuân thủ các chỉ đạo của các cơ quan quản lý về công tác vận hành hồ, đập trong đợt bão, lũ vừa qua; xử lý hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng các giải pháp xử lý các vi phạm trong công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai đối với các vi phạm theo thẩm quyền. Động thái này của Bộ Công thương là kịp thời và cần thiết nhằm làm rõ đúng sai cũng như có biện pháp xử lý thích đáng những vi phạm nếu có.

Cho dù công trình thủy điện nào cũng đều có lợi ích kinh tế. Thế nhưng không thể vì lợi ích kinh tế mà bất chấp các quy định của pháp luật, bất chấp tính mạng, tài sản của người dân. Các công trình, dự án thủy điện chỉ được tích nước khi cơ quan chức năng cho phép.

Ninh Khương