Xem - Nghe - Đọc

Chỉ có thể là Frances McDormand

- Chủ Nhật, 15/08/2021, 06:21 - Chia sẻ
Nếu để ý, bạn sẽ thấy Viện Hàn lâm Mỹ (giải Oscar) thường có xu hướng tôn vinh giải Nữ chính xuất sắc cho những ngôi sao có sức hút lớn hoặc ngoại hình xinh đẹp (tất nhiên họ phải được công nhận về năng lực diễn xuất đã); hiếm hoi lắm mới trao cho diễn viên... xấu. Nhưng trong suốt 25 năm qua, chỉ có duy nhất một nữ diễn viên thắng tới 3 giải Oscar lại là một nữ diễn viên có ngoại hình rất... tầm thường và không có một chút khí chất ngôi sao nào cả: Frances McDormand.
Nguồn: ITN

1. Frances McDormand (FMD) là một tài năng thượng thặng của điện ảnh Mỹ, điều đó khỏi bàn. Nhưng điều quan trọng hơn là bà làm thay đổi cái khái niệm về diễn viên, đặc biệt là diễn viên nữ ở Hollywood. Một hình mẫu diễn viên khẳng định bằng tài năng, bằng thực lực, bằng khả năng khai phá những tầng sâu phức tạp trong nội tâm con người, bằng những nhân vật phức tạp lạ đời (rich complex characters), cho dù ngoại hình của bà rất tầm thường, nếu không nói là xấu, dị thường. Nói cách khác, FMD là người định nghĩa lại khái niệm về diễn viên, về ngôi sao điện ảnh. 

Nếu để ý, bạn sẽ thấy Viện Hàn lâm Mỹ (giải Oscar) thường có xu hướng tôn vinh giải Nữ chính xuất sắc cho những ngôi sao có sức hút lớn hoặc ngoại hình xinh đẹp (tất nhiên họ phải được công nhận về năng lực diễn xuất đã) như Nicole Kidman, Gwyneth Paltrow, Cate Blanchett, Julia Roberts, Emma Stone, Kate Winslet, Reese Witherspoon, Charlie Theron, Natalie Portman...; hiếm hoi lắm mới trao cho diễn viên... xấu. Nhưng trong suốt 25 năm qua, chỉ có duy nhất một nữ diễn viên thắng tới 3 giải Oscar lại là một nữ diễn viên có ngoại hình rất... tầm thường và không có một chút khí chất ngôi sao nào cả: Frances McDormand. Bà cũng mới chỉ là nữ diễn viên thứ 2 trong lịch sử 91 năm trao giải của Oscar thắng 3 giải ở hạng mục Nghệ sỹ xuất sắc. Tuy nhiên, xem bà diễn rồi thì ta hiểu tại sao Viện Hàn lâm lại liên tiếp phải công nhận và tôn vinh tài năng xuất chúng của bà. 

Người có công lăng xê FMD không ai khác là hai anh em đạo diễn Coen, mà một trong hai (Joel Coen) là chồng của bà. Bộ ba này cũng có công lớn trong việc khởi đầu và xây dựng một cộng đồng làm phim độc lập thế hệ mới của Mỹ, đối trọng với các bộ phim đậm chất thương mại của các studio lớn tại Hollywood. Sau anh em nhà Coen, điện ảnh Mỹ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của dòng phim độc lập với những tài năng quái kiệt như Quentin Tarantino, Steven Soderbergh, Wes Anderson, Jim Jarmusch và nhiều tên tuổi khác sau này.

Phát nổ đầu tiên của anh em nhà Coen là "Blood Simple" vào năm 1984, một bộ phim thuộc dạng phim đen kinh dị rất quái do FMD đóng chính, cũng là vai diễn đầu tiên của bà. Phim này tôi xem đã lâu nhưng vẫn nhớ rất rõ vì cái không khí kỳ cục dị thường của nó, sau này cũng trở thành cái chất đặc trưng khó lẫn trong phim của nhà Coen. Hai anh em nhà này cũng có công lớn trong việc lăng xê một thế hệ diễn viên mới, những người không cần phải có ngoại hình xinh đẹp mà chỉ cần có thực lực. Bởi với tài năng xây dựng nhân vật quái chiêu của họ thì chỉ có diễn viên thực lực mới tải nổi. Frances McDormand là trường hợp thành công đầu tiên với nhân vật cô vợ ngoại tình chạy trốn với anh nhân tình bị chồng thuê thám tử trừ khử cả hai, nhưng cuối cùng cô mới là "trùm cuối". Kể từ đó, một loạt diễn viên thực lực hạng B, hạng C và có ngoại hình rất tầm thường, cứ thế mà tỏa sáng trong các phim của Coen Brothers sau này. 

Đến năm 1996, trong màn hợp tác tiếp theo với Fargo, một bi hài kịch tuyệt hảo với bối cảnh diễn ra tại vùng Minesota lạnh giá,  FMD giành chiến thắng với giải Oscar đầu tiên cho nữ chính, trong khi anh em nhà Coen thắng giải Oscar đầu tiên cho kịch bản gốc xuất sắc. 

Sau này Frances McDormand còn đóng vài phim nữa của anh em nhà Coen, nhưng sự nghiệp của bà không chỉ đóng khung trong những bộ phim của chồng và em chồng. Bà còn xuất hiện trong nhiều bộ phim khác, từ phim độc lập tới bom tấn, từ phim của Wes Anderson tới phim của Michael Bay. Hoặc sau này, khi trở thành nhà sản xuất mát tay, bà thường kiêm luôn vai trò sản xuất kiêm nữ chính, mà thành công đúp mới đây nhất là "Nomadland" của đạo diễn Chloe Zhao, mang về cho bà 2 giải Oscar năm 2021. Trước đó 3 năm thì bà thắng một giải Oscar nữ chính nữa trong Three Billboards Outside Ebbing, Missouri của một đạo diễn phim độc lập khác là Martin McDonagh.

Nhìn lại 3 lần thắng giải Oscar của FMD sẽ thấy có một điểm chung: Các nhân vật của bà đều xuất thân từ những vùng tỉnh lẻ, xa xôi hẻo lánh của nước Mỹ, đều là những người phụ nữ bình thường, thậm chí hơi khắc khổ, đang đối mặt với những vấn đề phức tạp và rắc rối của bản thân hay của cộng đồng và đều đang phải tự mình giải quyết. Một nữ cảnh sát bụng mang dạ chửa truy lùng một vụ án mạng giết người có nhiều uẩn khúc (Fargo), một bà mẹ giận dữ thách thức cảnh sát khi vụ án mạng về con gái mình bị chìm xuồng (Three Billboard), một người phụ nữ lớn tuổi sống du mục đơn độc một mình trên chiếc xe van khắp vùng viễn Tây của nước Mỹ để tìm kiếm sự tự do cuối đời (Nomadland). Trong Nomadland, tôi nhớ mãi đoạn thoại, một đứa bé hỏi Fern rằng, bà là kẻ vô gia cư (homeless) à? Fern trả lời đứa bé rằng bà không phải là người vô gia cư, bà chỉ là người không nhà (houseless) thôi. Bà chỉ không có nhà thôi, chứ bà không xin ăn, bà vẫn lao động để kiếm sống dọc đường. Lý do để bà chọn cuộc sống "houseless" là bà muốn giải phóng mình khỏi sự sở hữu, bởi khi đó, bà mới được tự do tuyệt đối để làm bạn với con đường. Chọn lối sống đó, cũng là cách bà chọn một cuộc sống "cô độc" - tự làm bạn với chính mình và con đường dài phía trước, thay vì "cô đơn" - vẫn khao khát những mối quan hệ xung quanh...

Những nhân vật của FMD tuy dị thường, hành động khác người nhưng đều có những giá trị thức tỉnh, giá trị giải phóng con người rất lớn, đặc biệt là với những người phụ nữ bình thường, nhỏ bé ít khi được phim ảnh hào nhoáng nói tới. 

2. Mini series "Olive Kitteridge" (hay bộ phim dài 4 tiếng trên HBO Go) tiếp nối những giá trị mà Frances McDormand tạo dựng được trong thế giới điện ảnh và có lẽ chỉ có bà đạt được những thành tựu cao nhất.

"Olive Kitteridge" được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Elizabeth Strout từng thắng giải Pulitzer và vào chung kết giải Sách Quốc gia Mỹ năm 2008. Miniserie dài 4 tập do HBO sản xuất và do Lisa Cholodenko, một đạo diễn phim độc lập chuyển thể. Nó là một series mà nhìn qua poster và lướt sơ qua nội dung, ta dễ dàng bỏ qua; nhưng lỡ bật lên rồi thì không dừng lại được. 

Series này lấy tên nhân vật nữ chính làm nhan đề, giống miniseries "Mare of Easttown" của Kate Winslet gần đây. Mà thực chất cả hai cũng có nhiều điểm tương đồng, đều lấy bối cảnh ở một thị trấn nhỏ của nước Mỹ, nơi các nhân vật sinh sống trong cộng đồng đều quen biết nhau, cũng là nơi để hai nhân vật nữ chính ở lứa tuổi ngoài trung niên phải vật lộn với cuộc sống đời thường và cả những vết thương từ quá khứ. Một bên là Frances McDormand, một bên là Kate Winslet, chỉ nhìn vào hai cái tên này thôi là ta đã có thể hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng và được thưởng thức màn diễn xuất đỉnh cao của họ. 

Điểm khác biệt, "Mare of Easttown" là một series dạng drama/thriller (chính kịch/ kinh dị) với những vụ án mạng và điều tra diễn ra liên tiếp, tạo sức hút qua mỗi tập phim. Còn Olive Kitteridge là một series chính kịch (drama) thuần túy, tập trung vào câu chuyện của một người phụ nữ ngoài 60 đối mặt với cuộc sống gia đình nhiều bất ổn và một tuổi già đơn độc với cái chết lơ lửng phía trước. 

Vậy thì điều gì làm Olive Kitteridge hấp dẫn? Với tôi, nó là một câu chuyện về xung đột gia đình (và phần nào đó cộng đồng) với những giá trị phổ quát mà người xem hoàn toàn có thể liên hệ ở bất cứ đâu, thậm chí ngay tại Việt Nam hiện nay. Nó là câu chuyện về những mối xung đột âm ỉ và bất hòa ngấm ngầm giữa những thành viên trong gia đình chỉ chực chờ một dịp nào đó để bùng nổ và không ngừng làm tổn thương nhau của những kẻ sống chung dưới một mái nhà. Là sự chịu đựng nhưng đồng thời cũng chấp nhận nhau. Một series có nhiều cái chết, nhiều vụ tự tử, nhiều vụ trầm cảm, rối loạn lưỡng cực... nhưng cũng là một series về niềm vui sống, khát khao được sống, khát khao được thấu hiểu. 

Trung tâm của miniseries này tất nhiên là Olive Kitteridge (Ollie) với màn diễn xuất lão luyện của Frances McDormand, một bà giáo già dạy toán đã về hưu, khó tính, cắm cảu, khắc nghiệt, ghét trẻ con, bảo thủ, cố chấp, thích phán xét, thích chỉ đạo, lắm lời... Nói chung là toàn tính xấu và mang tính sát thương cao với những kẻ sống gần. Nhưng lạ thay, hoặc do diễn xuất quá xuất sắc của FMD, ta dần dần thấy đồng cảm và cảm thông với bà. Bởi ngoài những tính cách khó chịu và khó chiều đó, bà là một người tốt và hết lòng vì người khác. Và những bất ổn trong tính cách khó chịu của bà cũng là hệ quả của một quá khứ nhiều thương tổn hay những mối quan hệ không được cảm thông và thấu hiểu, ngay cả với chồng hay với con trai. 

Mặc dù là một miniseries chính kịch thuần túy, Olive Kitteridge lại tràn ngập hài hước với những tiếng cười bật lên ở những tình huống bất ngờ. Người ta bảo trong bi có hài, trong hài có bi là vậy. 

Phim này ngoài FMD thì còn hai diễn viên nam kỳ cựu khác là Richard Jenkins và Bill Murray cũng diễn duyên dáng không kém. Miniseries này thắng 8 giải Emmy, trong đó có 3 giải diễn xuất cho 3 ông bà diễn viên kỳ cựu này là vậy. 

"Cho tôi một lý do để thức dậy vào buổi sáng?". "Tôi chịu, tôi cũng đang chờ con chó của tôi chết để tôi tự tử cho xong" - Đoạn đối thoại giữa Frances McDormand và Bill Murray trong tập cuối mô tả chính xác nỗi cô đơn và trống rỗng của những người già khi người bạn đời của họ đã ra đi, cắt đứt mối quan hệ với con cái vì bất hòa, chỉ còn lại cái chết đang lơ lửng ở phía trước. 

Nhưng đó cũng là lúc mà họ phải học lại sự bao dung, tha thứ cho nhau, từ bỏ sự cố chấp, từ bỏ sự phán xét đã ăn sâu vào máu thịt, để tìm lý do thức dậy vào buổi sáng một lần nữa, ở cái tuổi đã gần đất xa trời. 

Xem "Olive Kitteridge" mà thấy cả gia đình ta, cả mẹ cha ta trong đó. Không dứt ra được là vì vậy.

Lê Quân