Toàn trường chỉ có khoảng 1% sinh viên được khen thưởng
Ngày 11.5, Đại học Bách khoa tổ chức lễ trao bằng công nhận tốt nghiệp hệ đại học chính quy cho 2.471 sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp các đợt tháng 11 năm 2023, tháng 1 và tháng 5 năm 2024, trong đó có 1.680 sinh viên được nhận học vị kỹ sư và 791 sinh viên được nhận học vị cử nhân.
Trong đó, 146 sinh viên có hạng tốt nghiệp xếp loại Xuất sắc (khoảng 5,9%). Số sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi là 660 sinh viên (chiếm 26,7%); loại Khá 1.440 sinh viên (khoảng 58,28%).
Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính cho biết, đối chiếu với kỳ học này, có khoảng 5,9% sinh viên tốt nghiệp loại Xuất sắc. Tuy nhiên, nếu xét diện xuất sắc cả về CPA (trên 3.6/4) và rèn luyện (trên 90/100 điểm), toàn trường chỉ có khoảng 1% sinh viên được khen thưởng.
Trên thực tế, đây là con số ngày một tăng lên. Bởi khi sinh viên vào trường phải thay đổi phương pháp học tập nên yêu cầu cần có lựa chọn, định hướng đúng đắn. Như năm học 2020-2021, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại Xuất sắc của trường chỉ 1,7%, năm ngoái là 5,38%.
Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính cho biết, giá trị cốt lõi của Nhà trường được xác định rõ là: “Chất lượng đi với hiệu quả”, “Tận tụy đi với cống hiến”, “Chính trực đi với tôn trọng”, “Tài năng cá nhân đi với trí tuệ tập thể” và “Kế thừa đi với sáng tạo”. Do vậy, trong nhiều năm qua, Đại học Bách khoa Hà Nội đã luôn là nơi hội tụ của những tài năng, nơi nuôi dưỡng niềm đam mê, khơi dậy và phát huy những tiềm năng, khuyến khích các ý tưởng sáng tạo và là bệ phóng cho sự thành công của người học.
Tại buổi lễ, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính nhắn gửi các tân kỹ sư và tân cử nhân, lễ tốt nghiệp sẽ là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của mỗi sinh viên, khép lại quãng thời gian dài học tập và rèn luyện tại ngôi trường này. Với tấm bằng đại học trong tay, một cánh cửa khác rộng lớn hơn sẽ mở ra cơ hội cho các em tiếp tục phát triển. Những kiến thức và kỹ năng gặt hái được trong quá trình học tập tại ngôi trường này sẽ giúp các em tự tin bước tới tương lai; cũng như phát huy một cách hiệu quả trong quá trình làm việc.
"Các em hoàn toàn có quyền tự hào về chặng đường mình đã đi qua, về những gì đã đạt được. Chính sự nỗ lực, đam mê, nhiệt huyết và sáng tạo của các em đã góp phần tạo nên giá trị của Đại học Bách khoa Hà Nội, tạo nên con người Bách khoa xuất sắc, chính trực và trách nhiệm", Phó Giám đốc chia sẻ.
"Các tân cử nhân sẽ gia nhập ngôi nhà lớn – Mạng lưới cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội nhằm duy trì và bồi đắp cho các mối quan hệ bạn bè, thầy - trò, các thế hệ sinh viên Bách khoa. Các em sẽ là những đại sứ của Đại học Bách khoa Hà Nội ở khắp nơi trên thế giới, là hình ảnh và thông điệp để thể hiện và vun đắp danh tiếng của Nhà trường tới các sinh viên tương lai, các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động. Chính các em sẽ là người góp phần quan trọng làm nên danh tiếng của Đại học Bách khoa Hà Nội", PGS.TS Huỳnh Đăng Chính nhấn mạnh.
Sinh viên được đào tạo trong lòng doanh nghiệp
Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính cho biết, theo khảo sát đợt tốt nghiệp này, có 85% sinh viên sau khi tốt nghiệp đã có việc làm đúng với ngành nghề đào tạo và tỷ lệ lương trung bình chia đều xấp xỉ 11 triệu; 10% sinh viên đang đi học tiếp bậc cao hơn, khoảng 5% nói rằng chưa có việc làm đúng theo ngành nghề, hay đang phân vân giữa đi làm và đi học.
Thời gian gần đây, Đại học Bách khoa Hà Nội chú trọng công tác hướng dẫn, tư vấn cho sinh viên. Theo đó, các em cần nghĩ sau khi tốt nghiệp 3-5 năm sẽ làm gì; từ đó vạch được lộ trình học phù hợp với hoàn cảnh, năng lực, cũng như mong muốn của bản thân và gia đình ngay từ những năm đầu.
Về vấn đề "bắt tay" với doanh nghiệp giúp sinh viên có thêm kiến thức và trải nghiệm thực tế, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính nhấn mạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ có thể cung cấp cho các em kiến thức tốt nhất; chứ không thể định hướng một ngành nghề cụ thể. Do đó, không dễ để sinh viên đáp ứng được tất cả yêu cầu của doanh nghiệp.
Tuy vậy, trong quá trình học tập, Nhà trường đã triển khai các chiến lược và chia thành 3 nhóm đối tượng.
Nhóm thứ 1, sinh viên muốn đi làm ngay sau khi tốt nghiệp. Đối với nhóm này, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thông qua các đơn vị chuyên môn để kết nối với doanh nghiệp, tạo cơ hội cho sinh viên được thực tập, làm việc và quan sát ở các doanh nghiệp phù hợp nhất với các trường, viện tương ứng. Từ đó, trong quá trình học tập (4 - 4,5 năm), các em sẽ có kiến thức cơ bản về môi trường làm việc ở doanh nghiệp, để ra trường không còn bỡ ngỡ và nhanh chóng hòa nhập. Khẩu hiệu đào tạo với nhóm này là "Sinh viên được đào tạo trong lòng doanh nghiệp".
Nhóm thứ 2, những sinh viên mong muốn giành học bổng để học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Với nhóm này, Nhà trường định hướng tham gia các phòng lab nghiên cứu của giáo viên để tạo nên những công trình nghiên cứu chuyên sâu mang tính khoa học, kết nối với quốc tế. Qua các sản phẩm đó, các em sẽ dễ dàng nhận được học bổng tốt nhất sau khi tốt nghiệp; đồng thời nâng cao kỹ năng về nghiên cứu.
Nhóm thứ 3 - nhóm cuối cùng và chiếm tỷ lệ ít nhất là những sinh viên có ý tưởng sáng tạo, muốn khởi nghiệp. Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tạo điều kiện, môi trường để sinh viên kết nối với nhau, hoặc các bạn trường khác để tạo nên các nhóm khởi nghiệp.
"Mong rằng với phương pháp định hướng, tư vấn, cùng công tác đoàn, hội sẽ giúp các em sinh viên trở nên tốt hơn; từ đó tỷ lệ tốt nghiệp sớm hay học tập đúng theo nguyện vọng cũng tăng lên", Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội kỳ vọng.