Chỉ cần 3 phút để có thể chẩn đoán bệnh Parkinson

Các nhà khoa học ở Vương quốc Anh đã phát triển một kỹ thuật mới có thể xác định nhanh chóng và chính xác bệnh Parkinson trong giai đoạn đầu của bệnh. Thử nghiệm không xâm lấn chỉ mất ba phút kiểm tra bã nhờn để tìm các dấu hiệu sinh học nhất định.

Bệnh Parkinson là một chứng thoái hoá của hệ thần kinh trung ương, gây rối loạn vận động mãn tính. Người bị bệnh thường khó kiểm soát các chuyển động của cơ thể, run rẩy không chủ ý và mất thăng bằng. Parkinson ảnh hưởng đến gần một triệu người ở Hoa Kỳ. Mỗi năm, có khoảng 60.000 người Mỹ được chẩn đoán mắc Parkinson.

Chỉ cần 3 phút để có thể chẩn đoán bệnh Parkinson -0
Ảnh minh họa (Nguồn Westend61/Getty Images)

Bệnh xuất hiện khi não không sản xuất đủ dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh “khoái cảm” và giúp não gửi tín hiệu, kiểm soát, tạo sự phối hợp giữa các cử động.

Các chuyên gia dự đoán Parkinson thậm chí đang có xu hướng mở rộng đến những bệnh nhân trẻ tuổi. Thực tế đáng báo động như vậy khiến việc phát hiện sớm triệu chứng bệnh ngày càng trở nên cấp thiết cho việc điều trị.

Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng vì các triệu chứng của bệnh Parkinson giống với các rối loạn thần kinh khác.

Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Manchester, Vương quốc Anh tuyên bố đã tìm ra cách phát hiện Parkinson thông qua kiểm tra dịch tiết trên da. Quy trình đơn giản kéo dài 3 phút, chỉ cần sử dụng tăm bông và khối phổ.

GS.TS Perdita Barran, người đứng đầu nghiên cứu tại Đại học Manchester, cho biết “việc xác định các dấu hiệu sinh học giúp bổ sung bằng chứng mạnh mẽ cho quá trình điều trị bệnh”. 

Chi tiết về khám phá này xuất hiện trên Tạp chí của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ.

Những thách thức trong việc chẩn đoán bệnh Parkinson

Hiện tại, không có xét nghiệm nào có thể xác định Parkinson. Để chẩn đoán bệnh, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe phải đánh giá các triệu chứng, tiền sử bệnh và quét não.

Tiến sĩ Mark Frasier, một chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực này đã giải thích thực trạng tiến thoái lưỡng nan trong chẩn đoán Parkinson.

Tiến sĩ cho biết, để chẩn đoán chính xác được Parkinson là cả một quá trình dài hơi, bởi vì các triệu chứng bệnh rất chung chung. Lão hóa có thể gây ra nhiều tình trạng suy nhược thần kinh phức tạp khác nhau, không nhất định phải là bệnh Parkinson. Cách thức chẩn đoán bệnh hiện nay thường là bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện các bài kiểm tra cử động, thao tác và đi bộ để đánh giá chuyển động của họ.

Việc đưa ra chẩn đoán phụ thuộc hoàn toàn vào bác sĩ thần kinh. Điều này không mấy lạc quan vì các triệu chứng bệnh sẽ dần trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian, thậm chí có thể nghiêm trọng hơn chỉ sau vài giờ. Theo tiến sĩ Frasier, bác sĩ thần kinh thường rất khó có thể đánh giá các triệu chứng đó trong 20 phút.

Mùi đặc biệt của Parkinson

Tăng sản xuất bã nhờn, một hiện tượng tự nhiên trên da, là một triệu chứng có thể kể đến của bệnh Parkinson, được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1927. 

Các phân tích Biofluid đã tiết lộ rằng sự khởi phát của Parkinson có thể tạo ra những thay đổi trong thành phần của các sợi bã nhờn.

Nghiên cứu hiện tại được lấy cảm hứng từ Joy Milne, một nữ y tá đã nghỉ hưu tại Scotland mắc chứng tăng huyết áp di truyền khiến bà nhạy cảm hơn với mùi hương. Nghiên cứu trước đây báo cáo, vào một ngày nọ, bà Milne nhận thấy mùi hương đặc trưng của chồng mình đã thay đổi trước khi ông xuất hiện các triệu chứng của bệnh Parkinson.

Cuối cùng, chồng của bà Milne, ông Les, được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson hơn một thập kỷ sau đó. Sau khi được chẩn đoán chính thức, cặp đôi đã gặp những người khác trong nhóm hỗ trợ Parkinson ở Vương quốc Anh và bà Milne ngay lập tức nhận thấy họ có cùng một mùi đặc biệt. Mãi cho đến lúc đó, bà mới liên hệ mùi hôi này với bệnh Parkinson.

Bà Milne đã hợp tác với các nhà khoa học để nghiên cứu sâu hơn về khả năng nhạy bén với mùi của mình, giúp cải thiện việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

Phân tích bã nhờn để phát hiện bệnh Parkinson

Nhóm nghiên cứu ở Manchester đã tuyển chọn người từ 27 phòng khám trên khắp Vương quốc Anh, thu thập 150 mẫu bã nhờn từ những người tham gia. Trong đó, có 79 mẫu từ những người mắc bệnh Parkinson và 71 mẫu còn lại từ những cá nhân không mắc bệnh, được sử dụng làm đối chứng.

Các nhà nghiên cứu đã dùng tăm bông y tế để thu thập bã nhờn trên da ở lưng của người tham gia. Sau đó, họ chuyển các mẫu đến một cơ sở xét nghiệm.

Tiếp theo, các nhà hóa học đưa bã nhờn lên các mẩu giấy lọc được cắt thành các hình tam giác nhỏ. Thêm dung môi và áp dụng điện áp để chuyển các thành phần của bã nhờn vào một máy đo khối phổ.

Cuối cùng, 4.200 mẫu đã cho kết quả. Trong số này, 500 mẫu bã nhờn khác biệt so với mẫu của nhóm đối chứng không mắc bệnh.

Tiến sĩ, Giáo sư Monty Silverdale, nhà thần kinh học, trưởng nhóm nghiên cứu khẳng định: “Thử nghiệm này có khả năng cải thiện hàng loạt việc chẩn đoán và phát hiện những người mắc bệnh Parkinson”.

Giới hạn của nghiên cứu

Tiến sĩ Natalie Diaz, một nhà thần kinh học tại Trung tâm Rối loạn Chuyển động thuộc Viện Khoa học Thần kinh Thái Bình Dương ở Santa Monica (Mỹ) đã chỉ ra một số điểm hạn chế của nghiên cứu.

Đầu tiên, phát hiện của các nhà nghiên cứu tại Manchester cho thấy phương pháp của họ có thể xác định bệnh nhân Parkinson. Tuy nhiên, bà cho biết: “không có dữ liệu lâm sàng về các bệnh nhân Parkinson tham gia vào nghiên cứu này để xác định xem liệu phương pháp nhanh chóng và giá rẻ này có đủ nhạy để xác định bệnh nhân Parkinson ở giai đoạn sớm hay không”.

Tiến sĩ Diaz cũng đề cập: “Vì không có thông tin nào về cách chẩn đoán Parkinson, nên cũng không rõ liệu bã nhờn có vai trò như một dấu hiệu sinh học, giúp phân biệt bệnh nhân bị Parkinson sớm với các dạng Parkinson thoái hóa khác hay không”.

Tiến sĩ Diaz rất ấn tượng với thử nghiệm bã nhờn bởi phương pháp này không xâm lấn và chi phí rẻ. Tuy nhiên, bà đặt ra câu hỏi về độ nhạy và độ chính xác của phương pháp này so với các công cụ chẩn đoán hiện tại.

Ngoài ra, một số cá nhân có thể tiết ít hoặc nhiều bã nhờn hơn, ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Viêm da tiết bã nhờn ảnh hưởng đến khoảng 5% người trưởng thành. Các tác giả của nghiên cứu thừa nhận rằng hiệu quả thu thập mẫu có thể khác nhau ở mỗi người.

Các nghiên cứu hiện nay về bệnh Parkinson

GS. TS Barran tuyên bố trong một thông cáo báo chí: “Chúng tôi vô cùng vui mừng, những kết quả này giúp chúng tôi tiến gần hơn đến việc thực hiện một xét nghiệm chẩn đoán bệnh Parkinson được sử dụng trong phòng khám”.

Ông còn thành lập trung tâm có tên Sebomix, Ltd. để nghiên cứu việc sử dụng bã nhờn làm công cụ chẩn đoán bệnh Parkinson.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đang tìm cách hợp tác với các phòng thí nghiệm thuộc bệnh viện địa phương và thực hiện thử nghiệm trong khu vực Manchester trong 2 năm tới.

(Nguồn: https://www.medicalnewstoday.com)

Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm
Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện
Giáo dục

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ vị thành niên là vô cùng quan trọng. Bởi phần lớn em tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, đang học tại các trường giáo dưỡng đến từ những gia đình không hoàn thiện. Chính sự quan tâm, yêu thương là yếu tố quan trọng quan trọng để giáo dục và định hướng cho những em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện.

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)
Giáo dục

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)

Ngày 20.11, tại sân Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều) đã diễn ra buổi lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đầy cảm xúc và trang trọng. Buổi lễ không chỉ là dịp để các thế hệ học trò thể hiện lòng tri ân đối với thầy cô mà còn là không gian ấm áp, gắn kết tình cảm thầy trò.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Chiều tối nay, 20.11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024). 

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Giáo dục

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 20.11, nhiều Trường Đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đã tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng bằng khen của Bộ GD-ĐT, Đại học Đà Nẵng cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô
Giáo dục

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô

Ngày 20.11.2024, trong khuôn khổ chuỗi dự án vì cộng đồng “Một Triệu Bữa Cơm Có Thịt”, tại trường Tiểu học Tân Tiến, Bản Pe, Lạng Sơn, CHIN-SU đã phối hợp cùng Quỹ Trò nghèo Vùng cao và các nghệ nhân đầu bếp chuyên nghiệp mang đến “chảo cơm có thịt khổng lồ”. Đây là một hoạt động đặc sắc, ý nghĩa tiếp sức học trò và tiếp lửa thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đạo làm thầy
Giáo dục

Đạo làm thầy

Mỗi người chúng ta đã một thời là học trò và cũng có người đã là thầy. Những người làm thầy, dù mới ra trường hay đã có mấy chục năm trong nghề vẫn bâng khuâng nhớ tới những kỷ niệm của tuổi học trò, nhớ tới những người thầy với tất cả tình cảm thiêng liêng, trân quý và biết ơn sâu lắng nhất.