Chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi là cá nhân

Minh Vân lược ghi 22/03/2012 14:47

Tại phiên họp của UBTVQH cho ý kiến dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, các ý kiến tập trung vào những vấn đề như : đối tượng được bảo hiểm tiền gửi; mô hình tổ chức của bảo hiểm tiền gửi; loại tiền được bảo hiểm; phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm… Nhiều ý kiến đã phân tích rõ mặt được và chưa được của các phương án ; đồng thời yêu cầu cơ quan soạn thảo lỹ giải cặn kẽ các phương án đề xuất để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Không mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp

Về đối tượng được bảo hiểm tiền gửi, chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân, không chấp nhận việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm đối với các đối tượng như các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Thứ hai là mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi, có hai phương án chỉ khác nhau một chút. Phương án thứ nhất là Chính phủ quy định và giao cho Ngân hàng Nhà nước quản lý tổ chức này. Phương án thứ hai là giao cho ngân hàng ra quyết định để thành lập các tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Thực ra hai phương án này chỉ khác nhau về cấp độ. Về mức độ, nếu không phải Thủ tướng quyết định mà giao cho ngân hàng vừa quyết định, vừa quản lý Nhà nước thì sợ có chuyện vừa đá bóng, vừa thổi còi. Quan điểm của tôi thực ra có nên có một hướng là có những vấn đề nên giao cho Thống đốc Ngân hàng hoặc các Bộ trưởng chứ không nên dồn tất cả cho Thủ tướng. Vì bản thân khi Thủ tướng đưa ra những quyết định này cũng đã có ý kiến tham mưu của Thống đốc Ngân hàng. Theo quan điểm của tôi, tôi chấp nhận phương án 2 là giữ nguyên như dự thảo trình QH Kỳ họp thứ Hai và cũng như đề nghị của Chính phủ.

Thứ ba là loại tiền được gửi bảo hiểm, tôi rất băn khoăn khi chỉ bảo hiểm tiền đồng Việt Nam, không bảo hiểm đối với tiền ngoại tệ và kim loại quý. Trong này lập luận là nếu bảo hiểm cả ngoại tệ và kim loại quý như việc sử dụng ngoại tệ trong lãnh thổ Việt Nam và việc không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ phải bán lại cho ngân hàng thì sẽ không hợp lý trong quản lý ngoại tệ và vàng. Lập luận này không thực sự thỏa đáng, bởi vì chúng ta đã chấp nhận cho người dân được dự trữ ngoại tệ và chấp nhận cho người dân được dự trữ vàng, chỉ có điều là không được sử dụng để mua bán trực tiếp, nhưng vẫn có quyền gửi tiền đó vào ngân hàng. Khi đã gửi vào ngân hàng mà lại không bảo hiểm thì không hợp lý. Hiện nay, có lượng kiều hối rất lớn gửi về, tại sao người ta gửi vào ngân hàng mà chúng ta lại không bảo hiểm? Tôi thấy rất vô lý. Nếu không thì cấm hẳn, không chấp nhận ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam, vàng không được dự trữ và không có chuyện gửi. Trong khi vẫn chấp nhận đồng nội tệ và ngoại tệ được dự trữ và cho phép gửi vào ngân hàng mà lại không bảo hiểm thì không công bằng. Tôi đề nghị cần bảo hiểm cả đối với ngoại tệ và tiền gửi nếu người dân và các tổ chức đã gửi vào ngân hàng. Như thế mới bình đẳng, công bằng. Khi đến giai đoạn nào đó chúng ta làm triệt để, lúc đó lập luận này mới là chính xác, còn bây giờ chưa hợp lý.

Về phí bảo hiểm tiền gửi, tôi nghiêng theo hướng của Ủy ban Kinh tế là nếu để Thủ tướng Chính phủ quy định tiền gửi theo đề nghị của ngân hàng cũng là một loại ý kiến. Thứ hai, chỉ đưa ra những nguyên tắc tiêu chí trong luật. Tôi đề nghị áp dụng cả hai, một là vừa đưa ra tiêu chí nguyên tắc trong luật đồng thời giao cho Chính phủ quy định khung nhất định để quyết định quỹ tiền hợp lý với từng thời kỳ, từng giai đoạn. Như vậy luật pháp có đời sống dài hơn, nếu quy định cụ thể trong luật chưa chắc đã là vấn đề hay.

Về hạn mức trả bảo hiểm, trước đây giải thích là đối với một khoản tiền gửi, đến mức này chấp nhận “tôi” sẽ bảo hiểm cho “anh”, còn vượt mức này “anh” phải đợi khi xử lý các vấn đề, ví dụ một tổ chức vỡ nợ thì phải xử lý sau, không được xử lý trước tôi nghĩ cũng không hợp lý. Phải tính lại chỗ này. Ví dụ, bây giờ gửi vào ngân hàng dưới 1 tỷ. Nếu như có vấn đề gì thì dưới 1 tỷ đó đã được ngân hàng xử lý. Còn trên 1 tỷ thì phải xử lý bằng các biện pháp khác sau khi xử lý vấn đề tài chính của tổ chức đó. Vấn đề này phải cân nhắc, nếu không sẽ tạo ra rất nhiều thắc mắc, đó là có hay không có việc bảo hiểm đối với ngoại tệ và vàng. Vấn đề thứ hai là hạn mức trả bảo hiểm như thế nào là hợp lý? Có hạn mức không? Và phải giải thích nếu chấp nhận cái này thì tại sao phải có hạn mức này? Vì sao lựa chọn hạn mức đó mà không phải tất cả số tiền đã gửi? Nếu lập luận như thế này, tính thuyết phục chưa cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Cần lập luận chắc hơn, rõ hơn
 
Đối với việc thành lập bảo hiểm ai quyết định, tôi ý thức được hai vấn đề, thứ nhất, khi đã giao cho ngân hàng Nhà nước quản lý Nhà nước thì quản lý toàn diện về hoạt động. Theo tôi, nói là sơ hở thì cũng không phải nhưng vừa qua nó lơ lửng. Chúng ta thành lập một số tổ chức tài chính nhưng nó lơ lửng, không ai quản lý. Ngân hàng Nhà nước cũng rất băn khoăn. Trước đây, khi thành lập không xác định ai quản lý Nhà nước do vậy chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thể hiện qua điều lệ là trình Thủ tướng phê duyệt, bổ nhiệm hội đồng quản trị và chủ tịch, tổng giám đốc cũng do Thủ tướng bổ nhiệm. Những phần này lần này giao hẳn cho Ngân hàng Nhà nước, chỉ quy định thành lập, vốn điều lệ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Việc phê duyệt điều lệ hoạt động, nhân sự phải giao cho Ngân hàng Nhà nước, lúc đó mới quản lý Nhà nước được.

Thứ hai là có bảo hiểm ngoại tệ không. Một số nội dung của Pháp lệnh Quản lý ngoại hối có hiệu lực từ 1/6/2006 có mở rộng hơn, đến nay đã có tác động đến thị trường rất lớn. Từ năm 2006 đến nay khi có Pháp lệnh, quản lý ngoại hối tác động rất lớn đến ổn định giá trị đồng tiền trong nước. Tôi nghĩ nên đi theo hướng càng ngày giảm bớt đô la hóa, tiến tới trên lãnh thổ Việt Nam sử dụng buôn bán giao dịch với nhau bằng tiền Việt Nam. Phần này cần lập luận chắc hơn, rõ hơn. Hiện nay trên thế giới có một vài nước có bảo hiểm đồng tiền của nước khác nhưng hầu hết là không có. Vấn đề bảo vệ đồng tiền trong nước tôi nghĩ cái gốc là luật của ta hiện nay, nếu giờ sửa pháp lệnh rồi thì điều này đưa ra không ai phản đối nhưng Pháp lệnh quản lý ngoại hối chưa biết chuẩn bị đến đâu, nếu cái kia đi trước thì rất dễ.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Mô hình tổ chức và ai quyết định thuyết trình chưa rõ 

Mô hình tổ chức và ai quyết định thuyết trình của Ủy ban chưa rõ. Lập luận của phương án để Ngân hàng Nhà nước quyết định thì phải làm rõ tại sao, phương án Thủ tướng Chính phủ quyết định cũng phải lập luận cho rõ để QH căn cứ vào đó quyết định.

Hiện nay có 2 phương án. Ủy ban chưa tỏ chính kiến mà đề nghị Thường vụ quyết định. Tôi đề nghị, trước hết phải hiểu rằng bảo hiểm có phải là một tổ chức thuộc lĩnh vực ngân hàng không? Ngân hàng là ngân hàng Trung ương, tổ chức tín dụng thì mới là lĩnh vực ngân hàng. Còn bảo hiểm này phục vụ tiền gửi ngân hàng nhưng lại là định chế tài chính. Cho nên Thủ tướng quyết định thì có lý vì liên đới tới nó là Bộ trưởng Tài chính. Hay là lĩnh vực tài chính, thị trường bảo hiểm, hoạt động chuyên môn là bảo hiểm, cho nên là hoạt động tài chính chứ không phải là hoạt động ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng có thể quản lý trực tiếp hoạt động tín dụng, các tổ chức tín dụng. Đấy là cái lý của Chính phủ. Nhưng tại sao trong này lại đồng ý giao cho Ngân hàng Nhà nước là quản lý nhà nước? Bởi vì bảo hiểm này chuyên phục vụ cho hoạt động tín dụng. Theo tôi lập luận theo hướng đó thì lý sẽ chặt. Tức là trong nghị định thành lập ngân hàng không có tổ chức này. Vì vậy cho nên phải có nghị định riêng, phải có quyết định riêng, nên Thủ tướng phải lập. Khi đã giao cho Ngân hàng Nhà nước quản lý Nhà nước thì công việc cụ thể bên trong theo tôi nên phân cấp, không phải cái gì cũng đẩy lên Thủ tướng…

Đối với việc có bảo hiểm tiền ngoại tệ không, bây giờ cũng phải trở lại nguyên lý của mình. Ngoại tệ hay Nhà nước thống nhất quản lý, một nước chỉ tiêu một đồng tiền, bây giờ lại có những chính sách để ưu tiên, ưu đãi và khuyến khích bảo hiểm thì quá bằng đi ngược lại câu chuyện là không muốn thống nhất quản lý và không cho trong nước tiêu tiền ngoại tệ, ở ta đúng là có thực tế tồn tại như vậy. Pháp lệnh chính Thường vụ Quốc hội thông qua là pháp lệnh về ngoại tệ, rồi sau này có chiến lược và nghị định quản lý kể cả tiền Việt cũng không cho tiêu bằng tiền mặt, muốn thế nhưng bây giờ chưa được nhiều. Với ngoại tệ, nguyên tắc ai có ngoại tệ phải bán cho ngân hàng, ai cần ngoại tệ thì ngân hàng phải bán. Hiện nay việc này chưa thông qua, vậy ta nên khuyến khích các đồng tiền khác cũng được gửi, được bảo hiểm, cũng được bảo vệ. Nguyên lý là thế, mặc dù bây giờ rất nhiều người gửi. Lúc này khuyến khích cái đó, gửi ngân hàng thì nhà nước có lợi hơn và người gửi cũng có lãi, khuyến khích thêm bước bảo vệ nữa thì không nên.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi là cá nhân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO