Chèo với đề tài hiện đại

Hương Sen 16/07/2012 08:49

Một tác phẩm chèo đề tài hiện đại muốn thu hút được người xem phải đảm bảo nhiều yếu tố, từ sáng tạo, kịch bản, đạo diễn đến mỹ thuật, âm nhạc, tạo hình và trên hết là tài năng, tâm huyết của đội ngũ nghệ sỹ.

Chèo với đề tài hiện đại ảnh 1
Nguồn: hatvan.vn

Lịch sử phát triển văn hóa nghệ thuật của nhân loại cho thấy, bất kỳ hình thức nghệ thuật nào mà ngôn ngữ của nó không đáp ứng được biến đổi của xã hội mới thì dù đã đạt đến đỉnh cao cũng không thể tồn tại mãi với nguyên dạng, mà chỉ có thể tồn tại với tư cách là một di sản văn hóa. Ở Việt Nam, nghệ thuật chèo cũng đang đi theo quy luật này, dù có sự khác nhau nhất định về mặt mức độ. Theo nhà nghiên cứu Hồ Ngọc, trong vài chục năm nữa chèo vẫn có thể sống với hai dạng: thứ nhất là chèo cổ, như một di sản quý báu của dân tộc, với điều kiện Đảng và Nhà nước phải có sự đầu tư tương xứng để có thể bảo tồn nó như một niềm tự hào về văn hóa dân tộc; thứ hai, chèo hiện đại với tư cách là một phái sinh của chèo cổ. Chèo hiện đại một mặt kế thừa những truyền thống tốt đẹp của cha ông, mặt khác tiếp nhận những ngôn ngữ nghệ thuật mới, những phương tiện nghệ thuật hiện đại... để tạo ra một dạng sân khấu chèo mới. Nó có thể phản ánh được cuộc sống và con người hiện đại, với yêu cầu, thị hiếu thẩm mỹ khác hẳn so với những năm trước đây và càng khác xa với xã hội, con người khi chèo mới ra đời.

Cảnh trong vở Quan lớn về làng của Nhà hát Chèo Hà Nội
Cảnh trong vở Quan lớn về làng của Nhà hát Chèo Hà Nội

Cũng như một số loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo khác của Việt Nam trong cuộc sống đương đại, nghệ thuật chèo không thể quay lưng lại với những yêu cầu thẩm mỹ mới của một tầng lớp công chúng mới, nhất là lớp khán giả trẻ. Bởi cho dù hấp dẫn, đặc sắc đến đâu thì chèo cổ, trong chừng mực nào đó, cũng không hoàn toàn còn phù hợp với thực tế hôm nay nữa. Vì thế, nghệ thuật chèo với đề tài hiện đại vẫn luôn là mối quan tâm không chỉ của riêng làng chèo mà còn của cả giới sân khấu và các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng cải biên, cải tiến, phát triển, cách tân như thế nào để vẫn giữ được cốt cách và những nét đẹp truyền thống độc đáo của chèo - khi đưa chèo đi vào những đề tài hiện đại - đó vẫn là một câu hỏi chưa dễ trả lời.
 

Chèo với đề tài hiện đại ảnh 3
Chèo                                                                 Sơn dầu của Bùi Xuân Phái

Trước những luồng ý kiến khác nhau, những nỗi niềm, thao thức về chèo đề tài hiện đại, cuối tuần qua, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam đã tổ chức hội thảo xoay quanh vấn đề này. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành khẳng định: tiếp cận cuộc sống phức tạp hiện nay là thách thức không dễ dàng đối với bất kỳ nghệ sỹ của loại hình nghệ thuật nào. Trên thực tế đã chứng kiến nhiều tác phẩm mải mê khai thác những mảng hiện thực nóng hổi tính thời sự mà xao nhãng việc phát huy ngôn ngữ đặc trưng của chèo cũng như ngược lại, dẫn đến hiện tượng được mặt nọ và vơi hụt mặt kia, nên vở diễn rơi vào tình trạng nhạt nhòa... Đã qua rồi thời kỳ khán giả thèm khát thưởng thức sân khấu, thay vào đó là kỷ nguyên công chúng khó tính khi lựa chọn tác phẩm để tiếp nhận. Do vậy, nếu chèo diễn tả đề tài hiện thực chỉ đơn thuần đáp ứng nhiệm vụ bám sát hiện thực đương thời chưa đủ, nếu không nói là phí phạm thời gian, công sức lẫn nguồn ngân sách bỏ ra. Những người làm chèo cần thực sự am hiểu về chèo và tìm chọn được những vấn đề trong đề tài hiện đại phù hợp với phương pháp, phong cách thể loại chèo, sáng tạo ra ngôn ngữ mới thích hợp với nó.

Cảnh trong vở Tống Trân Cúc Hoa
Cảnh trong vở Tống Trân Cúc Hoa

Còn nhớ, vào những năm 80 của thế kỷ trước, làng chèo từng có chuyện cải tiến, cách tân dẫn đến... phá chèo. Người ta biến chèo thành kịch có bài hát mới, vừa chắp vá, vừa nhộn nhạo, vừa ta vừa Tây. Người ta đưa cả ca khúc sến, với dàn trống Tây, kèn Tây, ghita Tây vào chèo, lấy cớ là ăn khách, để bỏ đi hàng loạt làn điệu, lời ca của chèo cổ, cũng như bỏ đi bộ gõ, đàn nguyệt, đàn đáy, nhị, sáo, đàn bầu... trong sáng tác âm nhạc. Sau một thời gian ngắn, chính các nghệ sỹ cũng đã nhận ra và tự điều chỉnh quan niệm sáng tạo về loại hình nghệ thuật đã có từ ngàn xưa của cha ông. Bởi thế, làng chèo mới có được những thành công gây chú ý như: Ni cô Đàm Vân, Đêm trăng huyền thoại, Chiến trường không tiếng súng...

Rõ ràng, đến nay, sự cách tân của chèo - tiếp thu những tinh hoa của truyền thống cùng những tìm tòi hiện đại, tiên tiến - đã mang lại hiệu quả mới, dấu ấn mới, chất liệu mới, mặc dù chặng đường sáng tạo nghệ thuật còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Một tác phẩm chèo đề tài hiện đại muốn thu hút được người xem phải đảm bảo nhiều yếu tố, từ sáng tạo, kịch bản, đạo diễn đến mỹ thuật, âm nhạc, tạo hình và trên hết đó là tài năng, tâm huyết của đội ngũ nghệ sỹ, các chiếng chèo trong cả nước. Theo NSND, họa sỹ Lê Huy Quang - người từng thiết kế mỹ thuật trên 300 vở diễn cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu, “nghệ thuật chèo với đề tài hiện đại cần có sự cố gắng của tất cả nghệ sỹ trên bước đường suy ngẫm, tìm tòi, khám phá và sáng tạo để bảo tồn, phát huy văn hóa nghệ thuật dân tộc trong công cuộc đổi mới và hội nhập toàn cầu”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chèo với đề tài hiện đại
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO