Chèo Hà Nội làm du lịch
Tháng 7.2010, Nhà hát Chèo Hà Nội đã ký cam kết hợp tác với các hãng lữ hành biểu diễn phục vụ khách du lịch nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau 1 năm thực hiện, GIÁM ĐỐC NHÀ HÁT CHÈO HÀ NỘI, NSƯT TRỊNH THÚY MÙI chia sẻ về hoạt động nhằm đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khách du lịch.
![]() Biểu diễn ca trù trong Trẩy hội mùa Xuân |
Cuối tháng 7.2010, Nhà hát Chèo Hà Nội đã ra mắt và công diễn chương trình nghệ thuật Trẩy hội mùa xuân, với 10 tiết mục, trong khoảng thời gian 50 - 55 phút, vào các ngày thứ 2, 4, 6 trong tuần để phục vụ khách du lịch. Sau một năm triển khai, để đáp ứng nhu cầu của đối tượng này, chương trình có thay đổi gì so với ban đầu không?
- Chương trình hiện nay có khá nhiều điểm khác so lúc đầu. Trước chúng tôi xây dựng chương trình theo chủ ý riêng, nay có thêm tư duy của các nhà quản lý du lịch. Chúng tôi không rập khuôn theo đúng chương trình đã xây dựng mà theo yêu cầu của khách. Ví như các đoàn khách yêu cầu chỉ diễn 30 phút thì chúng tôi sẽ lựa chọn những tiết mục tiêu biểu nhất, phù hợp với thời gian và đối tượng khách xem. Hiện Nhà hát Chèo Hà Nội có 150 nghệ sỹ với 3 đoàn nghệ thuật, mỗi đoàn lại chia thành nhiều tốp biểu diễn, việc linh hoạt trong sắp xếp chương trình, số lượng nghệ sỹ biểu diễn tạo điều kiện cho các nghệ sỹ được diễn nhiều hơn.
Mong muốn của chúng tôi là xây dựng một tour du lịch cho người nước ngoài, để họ hiểu được nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Tuy vậy, chúng tôi vẫn giữ quan điểm là chương trình không đi sâu vào nghệ thuật chèo kinh điển mà chỉ giới thiệu, quảng bá những chất liệu văn hóa đặc sắc và nét đẹp điển hình của nghệ thuật truyền thống. Nghệ thuật chèo với người Việt cũng còn khó hiểu nên cần phải chọn lựa để khách nước ngoài có thể hiểu được. Để làm phong phú chương trình, chúng tôi đưa thêm một số làn điệu hát xẩm, ca trù, chầu văn... cho người xem một đêm được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của người Việt. Với khách du lịch nước ngoài chỉ cần khi xem xong hiểu được 50-70% cũng là điều đáng quý.
Đưa thêm một số loại hình nghệ thuật khác vào làm phong phú chương trình nhưng hồn cốt của chương trình vẫn là chèo chứ, thưa bà?
- Xương sống của chương trình vẫn là những trích đoạn chèo cổ, nổi tiếng như Thị Màu lên chùa, Súy Vân, Tuần ty Đào Huế... Ngoài ra, chúng tôi phát triển một số trích đoạn tuồng chuyển thể sang chèo một cách mềm mại hơn như Nghêu sò ốc hến... Người xem tỏ ra rất thích thú vì chương trình mang tính hài hước. Sự đổi mới đó là điều kiện để Nhà hát duy trì lượng khách. Trước chỉ dám diễn một tối/tuần vào thứ 6 mà vẫn vắng khách, bây giờ chúng tôi diễn thường xuyên vào thứ 2 và thứ 6 mà luôn kín khách xem. Đó là sự động viên khích lệ không gì sánh được với chúng tôi.
![]() Biểu diễn hát chèo phục vụ khách du lịch |
Bắt tay với du lịch dường như đang làm hoạt động của Nhà hát Chèo Hà Nội thêm sức sống...?
- Hiện tại Nhà hát đang bắt tay với hơn chục đơn vị lữ hành. Hiệu quả dễ nhận thấy nhất khi kết nối với du lịch là các nghệ sỹ được diễn nhiều hơn, thu nhập tăng lên và chúng tôi đã sống được bằng nghề. Trước đây làm những vở lớn các nghệ sỹ có vai mới được biểu diễn. Có nghệ sỹ 3 - 4 vở chẳng có vai vì không phải vai nào cũng hợp với mình. Kết nối với du lịch, các nghệ sỹ liên tục được diễn, người nào cũng được diễn. Đó là điều khó mà rất nhiều năm trước không làm được. Với các chương trình phục vụ khách du lịch chúng tôi ưu tiên nghệ sỹ trẻ. Các em khi được nhận về Nhà hát là có việc làm ngay, biểu diễn thường xuyên. Đó cũng chính là lợi thế để chúng tôi thu hút các nghệ sỹ tốt nghiệp loại giỏi về Nhà hát. Nếu không thu hút được giới trẻ thì sự nối tiếp sẽ bị kém đi và dẫn đến một thế hệ nghệ sỹ... già, đương nhiên là khán giả sẽ chê.
Lâu nay, khách du lịch quá quen với rối nước, nên các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như tuồng, chèo… bị lù mờ. Với thành công bước đầu của chương trình kết hợp với lữ hành, thời gian tới Nhà hát Chèo Hà Nội có kế hoạch gì quảng bá hơn nữa nghệ thuật chèo tới khách du lịch quốc tế, thưa bà?
- Sau các chương trình biểu diễn ở rạp Đại Nam (89 Phố Huế) và Nhà hát Chèo (15 Nguyễn Đình Chiểu), có khách du lịch lại muốn được xem biểu diễn chèo trong không gian phố cổ. Vì thế, tới đây chúng tôi sẽ nhân rộng một số điểm biểu diễn ở trong khu vực phố cổ, nằm tại các di tích. Chúng tôi cũng đã làm đề án để trình Sở VH, TT và DL Hà Nội đưa mô hình này vào các điểm như đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, chùa Láng..., tất nhiên với quy mô nhỏ gọn. Diễn ở các sân khấu nhỏ có cái hay là các nghệ sỹ thoải mái, tự nhiên hơn và có thể giao lưu trực tiếp với du khách. Nhiều người nước ngoài rất thích chèo, họ tò mò muốn xem cây đàn nó ra làm sao, đạo cụ của nghệ thuật chèo như thế nào hoặc thấy động tác múa của chèo rất lạ nên yêu cầu nghệ sỹ múa lại một vài động tác... Như vậy, nghệ sỹ có thể vừa minh họa vừa nói thêm về các chi tiết của vở diễn để du khách hiểu thêm, đó là điều mà các sân khấu lớn không làm được.
![]() Tiết mục Thị Mầu lên chùa |
![]() Một tiết mục trong chương trình Trẩy hội mùa Xuân |
Các đơn vị lữ hành lâu nay đã quá quen với rối nước, thậm chí người ta có quá nhiều khách muốn san sẻ cho tuồng, chèo mà không được. Tất nhiên khó có thể so sánh, vì họ đã có quá trình hoạt động lâu dài. Chính vì thế, Nhà hát Chèo Hà Nội cũng sẽ kiên trì, đầu tư dài hơi để có sức hút và có đối tượng thưởng thức thường xuyên. Khi đã làm thì một khách cũng phải diễn, đó là nguyên tắc làm du lịch của chúng tôi.
Xin cám ơn bà!