Đây là nhận định rất thẳng thắn của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Hoàng Hải về những hạn chế trong hoạt động của HĐND tại cuộc làm việc của Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND với HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về kết quả triển khai thi hành Luật vừa qua. Điều đáng nói là, tình trạng không chấp hành nghiêm các kiến nghị giám sát của HĐND không còn là “điểm nghẽn” trong hoạt động giám sát của HĐND của riêng Bà Rịa - Vũng Tàu.
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng, toàn diện cho việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp. Trong đó, về hoạt động giám sát của HĐND các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 594 ngày 12.9.2022 về “Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu Hội đồng nhân dân”, cùng với nhiều nghị quyết, văn bản hướng dẫn khác, đã tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất cho hoạt động của HĐND nói chung, của hoạt động giám sát của HĐND nói riêng được chuẩn hóa. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, trong đó có sự khởi sắc trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của HĐND vẫn còn những hạn chế; dường như hoạt động giám sát của HĐND mới chỉ dừng ở việc kiến nghị, yêu cầu các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý khi phát hiện có hành vi vi phạm mà chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các đối tượng chịu sự giám sát không chấp hành nghiêm kiến nghị của đoàn giám sát. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết luận, kiến nghị giám sát chưa thực sự tạo sức nặng đối với đối tượng chịu sự giám sát.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, dù không nhiều nhưng tình trạng giám sát “để biết, để đó” vẫn xảy ra. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định: Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Luật quy định là vậy, nhưng từ thực tiễn cho thấy, hoạt động giám sát của HĐND chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc kiến nghị, yêu cầu các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý khi phát hiện có hành vi vi phạm. Về nguyên tắc có kiến nghị giám sát thì các đối tượng chịu sự giám sát phải tuân thủ. Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa có chế tài cụ thể về xử lý đối với các đối tượng chịu sự giám sát không chấp hành nghiêm kiến nghị của đoàn giám sát. Chính điều này dẫn đến việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát còn có những hạn chế, khó khăn, nhiều nội dung chậm hoặc chưa được quan tâm xử lý. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến có nơi thực hiện nghiêm kiến nghị giám sát, nhưng có nơi lại cố tình chưa tuân thủ, làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh trong tuân thủ pháp luật.
Để có thông tin đầy đủ về lý luận và thực tiễn, Ban soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã và đang khảo sát thực tế tại một số địa phương; tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật này. Mong rằng, ở lần sửa đổi Luật này, những tồn tại hạn chế trong hoạt động của HĐND nói chung, trong hoạt động giám sát của HĐND sẽ sớm được khắc phục, bởi cơ chế xử lý trách nhiệm rõ ràng và chế tài đủ mạnh đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện chậm, muộn các kiến nghị giám sát của HĐND.