Chế định lập pháp gắn liền với nhà nước

Quỳnh Vũ 08/03/2020 07:58

Ngày 2.12.1975, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã thành công, lập nên nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCND). Thắng lợi này đưa đất nước Lào từ địa vị thuộc địa, nửa phong kiến thành một nước hoàn toàn độc lập. Cùng với sự ra đời của Nhà nước CHDCND Lào, chế định lập pháp đã hình thành và từng bước phát triển.

Sự ra đời của Nhà nước CHDCND Lào

Mặt trận dân tộc yêu nước Lào triệu tập Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc vào ngày 2.12.1975. Đại hội tuyên bố xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập chế độ cộng hòa dân chủ nhân dân; tuyên bố giải thể các cơ quan quyền lực nhà nước cũ; xóa bỏ chế độ phong kiến và giai cấp phong kiến; thành lập Hội đồng Nhân dân tối cao (Quốc hội) Lào do Hoàng thân Xuphanuvong làm Chủ tịch; thành lập Chính phủ CHDCND Lào do ông Cayxỏn Phômvihản làm Thủ tướng. Đây là hình thức tổ chức nhà nước phù hợp với hoàn cảnh cách mạng Lào lúc bấy giờ đồng thời cũng là hình thức đặc thù về sự hình thành của Quốc hội nước CHDCND Lào.

Cơ cấu cơ quan quyền lực nhà nước đầu tiên của CHDCND Lào được Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Lào bầu ra và thông qua ngày 2.12.1975 gồm: Chủ tịch nước; Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao (Quốc hội); Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ). Hội đồng Nhân dân tối cao Khóa I là Quốc hội đầu tiên của CHDCND Lào gồm 45 thành viên (trong đó có 4 thành viên nữ), có Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký thường trực. Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao đồng thời cũng là Chủ tịch nước CHDCND Lào. Hội đồng khi đó 3 ủy ban: Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp, Ủy ban Soạn thảo Nghị định của Chủ tịch nước và luật bầu cử; Ủy ban Ngân sách Nhà nước.

Hội đồng Nhân dân Tối cao còn mang tính chất tượng trưng cho khối đại đoàn kết, thống nhất các bộ tộc trên toàn quốc để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội mới. Sự ra đời của nước CHDCND Lào mở ra kỷ nguyên mới cho nhân dân các bộ tộc Lào đồng thời đánh dấu trang sử mới của chế độ chính trị và thể chế nhà nước hiện đại ở Lào. Đó là thời kỳ mới xây dựng chế độ dân chủ nhân dân theo đường lối độc lập, tự chủ, thống nhất và thịnh vượng.

Giai đoạn 1975 - 1991

Trong giai đoạn này, cơ quan lập pháp của Lào chủ yếu thực hiện chức năng đại đoàn kết toàn dân và hòa hợp dân tộc, để bảo vệ những thành quả của cách mạng mới giành được, khôi phục lại nền kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải thiện đời sống của nhân dân các bộ tộc Lào. Nhiệm vụ của cơ quan lập pháp khóa đầu tiên là xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc nhằm đạt được hai mục tiêu: Bảo vệ và xây dựng đất nước.

Bên cạnh đó, Hội đồng Nhân dân tối cao Lào đã ban hành một số đạo luật quan trọng quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, trong đó có Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng năm 1978; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1978. Đây là những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Lào. So với giai đoạn trước, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Lào ở giai đoạn này đã được củng cố vững chắc hơn về mặt pháp lý và tổ chức thực tiễn, biểu hiện là đã được thể chế hóa dưới dạng các đạo luật do cơ quan quyền lực nhà nước tối cao ban hành.

Năm 1989, Hội đồng Nhân dân tối cao Khóa II được bầu với 75 đại biểu (trong đó có 5 nữ). Hội đồng có 5 ủy ban chuyên trách: Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp, luật và nghị định; Ủy ban Kinh tế, kế hoạch và tài chính; Ủy ban Đối ngoại; Ủy ban Văn hóa - Xã hội và Văn phòng. Ngoài ra, các Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh và huyện được thành lập. Thành công lớn nhất của Hội đồng Nhân dân tối cao Khóa II là việc ra đời bản Hiến pháp đầu tiên của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 1991 cùng 22 văn bản pháp luật. Đây là bước khởi đầu của sự đổi mới hệ thống chính trị Lào, là bước chuyển biến về chất từ chế định lập pháp chủ yếu làm chức năng đại diện sang chế định lập pháp với với chức năng chủ yếu là lập Hiến và lập pháp.

Giai đoạn 1991 đến nay

Ngày 20.12.1991, Lào tiến hành bầu cử Quốc Khóa III (1991 - 1995) theo tinh thần Hiến pháp mới, bầu 85 đại biểu từ 8 khu vực bầu cử với nhiệm kỳ 5 năm, trong đó có 8 đại biểu nữ. Để phù hợp với bản chất nhà nước dân chủ nhân dân như Hiến pháp quy định, Quốc hội Lào Khóa III có đủ các thành phần đại biểu, đại diện cho quyền lợi của tất cả các bộ tộc và các tầng lớp xã hội. Luật về Quốc hội Lào quy định cứ 50.000 người dân phải có 1 đại biểu Quốc hội. Tỉnh nào có số dân dưới 150.000 người thì ít nhất phải có 3 đại biểu Quốc hội, tùy theo đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của từng địa phương. Ở các tỉnh đều có Văn phòng làm việc của các đại biểu Quốc hội. Tuỳ theo điều kiện của mỗi tỉnh mà Văn phòng có người giúp việc về thư ký, tài chính, hành chính, lái xe, đánh máy... Cũng từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa III, Hội đồng Nhân dân 3 cấp ở địa phương đã bị xóa bỏ. Xã không còn là cấp chính quyền, cấp chính quyền cơ sở được quy định là cấp bản trực thuộc cấp huyện. Ở Trung ương, Hội đồng Bộ trưởng cũng được đổi tên là Chính phủ. Những đổi mới về hệ thống chính trị của CHDCND Lào thời kỳ này nhằm khắc phục tình trạng cồng kềnh, kém hiệu quả của toàn bộ hệ thống thời kỳ trước đó.

Vào đầu mỗi nhiệm kỳ, Quốc hội bầu ra cơ quan điều hành của mình là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được coi là “cánh tay phải” của Quốc hội, đảm nhiệm công việc của Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp. Ủy ban Thường vụ gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và các ủy viên. Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội đồng thời sẽ là Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội Lào hiện nay (Khóa VIII) có 149 đại biểu và có 8 ủy ban chuyên trách, gồm Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán; Ủy ban Văn hoá xã hội; Ủy ban Dân tộc; Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Đối ngoại. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể thành lập thêm một số ủy ban trên cơ sở yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chế định lập pháp gắn liền với nhà nước
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO