Chế biến than xuất khẩu từ mùn cưa
Công ty chế biến lâm sản Lang Chánh tỉnh Thanh Hóa đã ứng dụng thành công công nghệ chế biến than xuất khẩu từ mùn cưa phế thải. Đây là đối tác của Công ty cổ phần GK Việt Nam-một đơn vị đang hợp tác với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trong việc thăm dò, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu than thân thiện với môi trường ra nước ngoài.
Từ việc tận dụng ưu thế tự nhiên của vùng đất miền Tây tỉnh Thanh Hóa, cùng với 2 lâm trường cũ và nhiều vườn rừng trồng cây tự phát của nhân dân, Công ty cổ phần chế biến lâm sản Lang Chánh đã xây dựng cơ sở chế biến gỗ, tre, luồng tại đây. Điều quan trọng là tất cả các sản phẩm phế thải sau khi chế biến gỗ thanh, ván ép như mùn cưa, cành nhánh của cây keo, cây xoan…đều được sản xuất thành những thỏi than tỏa nhiệt cao và thân thiện với môi trường.
|
Cụ thể là mùn cưa và những cành, nhánh cây các loại gỗ đã nghiền nhỏ được sấy khô. Sau đó đưa vào đùn ép trong điều kiện gia nhiệt tạo thành những thanh củi. Sau khi để nguội, những thanh củi này lại được đưa vào đốt trong điều kiện yếm khí và cho ra loại than giàu Cac-bon.
Loại than nhiệt lượng cao và thân thiện với môi trường này của Công ty cổ phần chế biến lâm sản Lang Chánh không chỉ làm giảm bớt nguồn phế thải cho đơn vị và các cơ sở chế biến gỗ khác trong vùng, mà còn giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Bước đầu sản phẩm này đã được một số thị trường như: Đài Loan, Ả rập xê út, Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận.
Nhiều thị trường khó tính khác hiện đang thăm dò và muốn nhận được sự xác nhận của Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về sản phẩm này. Vì vậy, Hội đã cử đoàn chuyên gia do Giáo sư Tiến sĩ Trần Hiếu Nhuệ dẫn đầu đã tiến hành khảo sát quy trình sản xuất than từ mùn cưa tại Công ty, trước khi có văn bản xác nhận sản phẩm thân thiện với môi trường.