Chạy “nước rút”!

- Chủ Nhật, 28/11/2021, 04:53 - Chia sẻ
Năm 2021, phấn đấu phân bổ và giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt 90% dự toán Quốc hội giao. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số: 41/2021/QH15 Về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực quyết tâm mới thực hiện được, bởi thời gian về đích không còn nhiều.

Vốn đầu tư công có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, thực tế cho thấy, bên cạnh những bộ, ngành, địa phương quản lý, sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả, vẫn còn không ít cơ quan, đơn vị, địa phương chưa phát huy được hết hiệu quả của nguồn vốn này do quá trình giải ngân còn chậm trễ.

Chúng ta chưa thể yên tâm khi đến hết tháng 10.2021 có không ít bộ, ngành, địa phương giải ngân chưa đến 50% kế hoạch. Trong đó, có 36/50 bộ, cơ quan trung ương và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%. Đây là những con số rất đáng lưu tâm.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã và đang trở thành điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội. Điều đáng nói rằng, trong khi không ít các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang rất “khát” vốn để duy trì, thúc đẩy và mở rộng sản xuất kinh doanh thì một khoản tiền lớn vẫn chưa thể giải ngân để triển khai các dự án đầu tư công. Thực tế cho thấy, chúng ta chưa sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.

Để giải quyết tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” về “điểm nghẽn” đầu tư công, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai vừa qua, nhiều nguyên nhân đã được các đại biểu chỉ ra. Cùng với đó, các đại biểu cũng đã hiến kế về giải pháp để sớm chấm dứt tình trạng này. Sau phiên chất vấn, ngày 13.11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV. Nghị quyết nêu rõ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu, có biện pháp quyết liệt trong việc chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn, giải ngân và quyết toán vốn đầu tư. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất bố trí vốn sát với khả năng thực hiện, khả năng giải ngân; kịp thời điều chuyển vốn không có khả năng giải ngân và giải ngân chậm cho những dự án có tỷ lệ giải ngân cao để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Năm 2021, phấn đấu phân bổ và giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt 90% dự toán Quốc hội giao...

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết quan trọng này, ngày 22.11.2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1962/QĐ-TTg thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31.10.2021 dưới 60% kế hoạch được giao. Thời gian kiểm tra được thực hiện từ ngày 22.11.2021 đến hết ngày 10.12.2021. Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Cùng với đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Ngoài ra, Tổ công tác đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đồng thời, xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.

Nghị quyết của Quốc hội đã rõ. Để phấn đấu phân bổ và giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt 90% dự toán Quốc hội giao trong năm nay, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải “chạy nước rút”, phối hợp chặt chẽ, vướng đâu gỡ đó mới về được đến đích.

Cử tri và Nhân dân mong rằng, qua đợt rà soát của Tổ công tác, sẽ rõ được địa chỉ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong chậm giải ngân vốn đầu tư công vì lý do chủ quan và có chế tài xử lý đủ mạnh. Có như vậy, mới chấm dứt tình trạng giải ngân vốn đầu tư công “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” như đã xảy ra.  

Hà An