Tang thương làng Nủ sau lũ
Giây phút kinh hoàng đối với người dân làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, ngày 10.9, một trận lũ quét lớn đã vùi lấp toàn bộ bản làng nhỏ bé, xinh đẹp định cư lâu đời dưới chân núi Con Voi hùng vĩ trong bùn đất dày cả chục mét. Tai họa ập đến bất thình lình, đất đá sạt lở đã vùi lấp 37 hộ với 158 nhân khẩu. Trong đó, trên 70 tuổi là 3 người, dưới 6 tuổi 18 người, dưới 14 tuổi 14 người; 25 người thiệt mạng, đang điều trị 17 người, đã an toàn 46 người, 65 người đang mất tích…
Làng Nủ sau lũ chỉ còn lại một màu tang thương bao trùm. Con suối nhỏ uốn lượn giữa thôn nay trở nên hung bạo, ầm ào gầm thét, cột nhà, mái tôn cũng bị đất đá vò nát. Trong căn nhà tan hoang, anh Hoàng Văn Thới, đôi mắt đỏ hoe, gương mặt thất thần nhìn về hướng vô định. Trận lũ quét, sạt lở kinh hoàng đó đã lấy đi 5 người thân yêu nhất, là người mẹ già, vợ và 3 con nhỏ. Cũng giống như anh Thới, rất nhiều người dân ở thôn Làng Nủ trong ngày định mệnh này sẽ chẳng có gì có thể bù đắp nổi những mất mát họ đã phải trải qua...
Anh Đặng Xuân Giang, sinh năm 1992, một người dân thôn Làng Nủ may mắn thoát nạn khi vừa đi ra khỏi nhà. Do xảy ra quá nhanh, anh hét lớn gọi vợ con nhưng không kịp chạy, đều bị cuốn trôi. Rất may, nhà hàng xóm phía dưới nhanh trí ứng cứu giúp hai mẹ con thoát khỏi tử thần. Ngồi giữa 2 giường bệnh, một bên là vợ, còn một bên là con gái, hai mắt anh tuôn trào, thất thần trước sự việc đau thương. Anh Giang tâm sự: trong cuộc đời tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng như vậy. Dòng lũ cuốn đến rất nhanh, càn quét tất cả mọi thứ, xé toang từng căn nhà.
Thời điểm lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại thôn Làng Nủ, giao thông bị chia cắt, khu vực này cũng hoàn toàn mất điện, mất liên lạc, khiến công tác chỉ huy, chi viện, thông tin ra bên ngoài gặp nhiều khó khăn. Để kết nối với bên ngoài và báo cáo nhanh về lãnh đạo tỉnh và thông báo cho các cơ quan của huyện chi viện, ứng cứu, Bí thư Huyện ủy Hoàng Quốc Bảo phải viết thư tay để một cán bộ băng rừng truyền tin….
Đoàn công tác do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đặng Xuân Phong; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường dẫn đầu đã có mặt kịp thời tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sạt lở đất, tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp… Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 cho biết: các lực lượng chi viện đã khẩn trương đêm, chủ lực là 300 CBCS sư đoàn 316 để sớm ngày 11.9 có mặt tại hiện trường thôn Làng Nủ để tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn.
Ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”
Có thể nói, kể từ khi thành lập tỉnh và tái lập tỉnh đến nay, Lào Cai chưa bao giờ trải qua trận mưa lũ lớn như lần này, gây thiệt hại rất nặng nề trên tất cả các phương diện, nhất là người chết và mất tích. Tính đến đêm 10.9, trên địa bàn toàn tỉnh có 39 người chết, 108 người mất tích và 61 người bị thương; có 4.862 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn; mưa lũ đã làm hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu bị ngập úng, gãy đổ và vùi lấp; các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã bị sạt ta luy dương, ta luy âm, ngập nước gây ách tắc giao thông…
Hiện, công tác cứu hộ, tìm kiếm người bị nạn, người bị mất tích và khắc phục hậu quả đang được tỉnh Lào Cai “chạy đua” cùng thời gian… Đặc biệt, tỉnh thống nhất thành lập 4 đoàn công tác do các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ tại 4 địa phương là Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát.
UBND tỉnh ban hành công điện hỏa tốc về việc chủ động triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó trước mọi diễn biến của thời tiết, thiên tai; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác; quán triệt, thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh tại các văn bản, công điện về bão số 3 năm 2024 với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất, kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với thiên tai…
Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố: thường xuyên, liên tục theo dõi thông tin dự báo, diễn biến thời tiết, thiên tai; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương chấm “bốn tại chỗ”. Trong đó, đặc biệt lưu ý công tác truyền thông; tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, bảo đảm mọi người dân (nhất là người dân ở vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số) nắm được thông tin về thời tiết, thiên tai. Huy động tối đa lực lượng, phương tiện phục vụ công tác ứng phó, tìm kiếm người mất tích và khắc phục hậu quả (lưu ý bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tìm kiếm)… Tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên khắc phục bảo đảm giao thông phục vụ công tác tiếp cận vùng bị cô lập; sớm ổn định chỗ ở cho người dân bị mất nhà, có nhà bị hư hỏng hoặc phải di chuyển…